36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
 Đương đại
 Ký ức
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Cuộc sống > Ký ức >
  "Cầm cự" trong ngôi nhà cổ (47 Hàng Bạc) "Cầm cự" trong ngôi nhà cổ (47 Hàng Bạc) , 36phophuong.vn
 
"Cầm cự" trong ngôi nhà cổ (47 Hàng Bạc)

 Từng lớp vữa bong nham nhở, lộ những mảng gạch cổ in dấu tay người xưa. Mấy con dơi đính mé ngoài cửa sổ, đôi chim phượng đắp đầu hồi cũng mất đầu, rã cánh.

Mái ngói rêu phong vỡ vụn. Mấy cái xà ngang dầm dọc cũng mục rỗng, nứt vỡ... Đó là thảm trạng của ngôi nhà số 47 Hàng Bạc được nhiều học giả cho là cổ nhất Hà thành.

Ông Đỗ Ngọc Thanh gù sớm hơn tuổi 64 vì sống quá lâu trong ngôi nhà “cổ” và “khổ” ấy. Gương mặt ông già nua, xấu xí như ngôi nhà, đã trải nhiều đêm dằn vặt quanh câu hỏi: phá đi hay giữ lại?

Phá - lấy đâu tiền xây nhà mới; mà giữ lại chắc đến lúc nhắm mắt vẫn chưa thoát cảnh bí bách, chật chội.

Hiện ngôi nhà đã bị “xé” thành nhiều mảnh. “Hồi trước nhà tôi thông thống một dãy ba lớp từ mặt phố vào sâu 30m, trong sân có cây xanh um tùm, hoa văn cuồn cuộn dọc tường bao dốc xuống... nhưng khi anh em tôi lớn lên, lấy vợ gả chồng đành phải chia năm xẻ bảy để ở. Bây giờ nhà tôi 10 người chỉ được 16m2. Ban ngày lũ trẻ đi học thì dễ thở nhưng tối về là ông bà con cháu lại mặt đối mặt”- ông than vãn.

Thế vẫn còn đạt mức 1,6m2/người, sướng hơn mấy hộ lớp trong chỉ có gian xép tẻo teo “treo” sát gian thờ cụ tổ, khi thay đồ phải thò một cánh tay ra cửa sổ mới mặc được áo!

Cam cu trong ngoi nha co

Ông Thanh và chiếc cầu thang gỗ ọp ẹp dẫn lên lầu hai

“Giữ không đặng, phá không đành!”

Sống trọn đời trong ngôi nhà nên ông nắm rõ lịch sử, kiến trúc, đặc điểm của nó: “Tôi nhớ như in cả tòa nhà cũ, vị trí từng cái cột, kèo, cầu thang, cửa lớn, cửa sổ”.

Theo ông, nguyên mẫu ngôi nhà hình ống rộng 206m2, mặt tiền 7m chia ba lớp nối nhau, mỗi lớp cao hai tầng, mái dốc lợp ngói vảy rồng kiểu “nhà Hà Nội cổ” và xuyên từ cửa (mặt đường) vào đáy nhà là một lối đi ở giữa rộng 1,4m.

Giữa các lớp là sân trời (đón gió, ánh sáng) và sân phơi. Chưa kể lớp thứ tư là bếp và sân bày cỗ phía trước. Lầu một có ô cửa hẹp duy nhất trổ ra mặt phố, lầu hai không có cửa sổ vì nhà hướng bắc kiêng gió độc mà thay bằng cửa bát quái.

Sân trời nằm giữa lớp nhất và nhì, phía trên lợp bốn mái che hình ô hoa. 70% ngôi nhà từ vách, dầm, rui, mè, lót... làm bằng gỗ lim, dổi, vàng tâm với những tấm ván dài 7-8m, dày 33x35cm. Gạch xây tường, gạch lát nền hình lục giác, chữ nhật dẹt, rộng bản (15x20x2cm) xây một lớp ngang một lớp ốp.

Gần đây ngôi nhà biến dạng thảm hại. Hàng loạt chi tiết, hạng mục đổ vỡ bởi thời gian và cảnh quá tải bên trong. Lớp ngoài chỉ còn nguyên vẹn lầu trên (gỗ cổ), tầng dưới gia đình ông Thanh tự cất hai bức tường ngăn một khoảng để ở, cho thuê cửa hiệu bán khung tranh.

Lớp giữa kế sau sân trời và khoảng sân trời năm xưa xuất hiện cả loạt “tân tiểu công trình” manh mún tạm bợ “chui” bên dưới. Còn lớp thứ ba hoàn toàn mang kiến trúc, vật liệu mới bởi “năm 1970 hai mái nhà (ngói vảy rồng) tự dưng đổ ụp.

Lớp giữa, lớp trong và cái sân trời nhiều năm qua liên tiếp bị anh em ông Thanh ngăn chia, vá víu thành nhiều phòng nhỏ; chỗ dựng cầu thang, nhà vệ sinh nơi đặt bếp núc, kho hàng...

Hơn chục công trình chen chúc khiến tòa nhà cổ y chang khu tập thể. Lối đi chính giữa trở thành “hang rắn”. Nhìn mặt tiền cơ bản kết cấu ngôi nhà nguyên vẹn nhưng vào bên trong lại là cơ ngơi lộn xộn như khu ổ chuột khiến giá trị cổ chỉ còn đạt khoảng 70%. Ông Thanh cũng thừa nhận: “Ngôi nhà chỉ còn lại hai lớp nguyên vẹn cổ”.

Phải phá dỡ một số chi tiết, kết cấu để cải thiện không gian sống, mở đường thoát khí, tìm ánh sáng... ông rất đau nhưng “đấy là bất đắc dĩ, chúng tôi quí giá trị di sản lắm nhưng phải tự cứu mình trước đã”.

Có điều anh em ông Thanh chỉ dám “vô phép” các cụ đánh động phần dưới tòa nhà, còn phần trên vẫn cơ bản giữ nguyên trạng, ngoại trừ những chỗ “ông trời” cướp đi thì đành lực bất tòng tâm.

“Từ cách đây 30 năm ngôi nhà đã bắt đầu xuống cấp. Đến năm 1996, mái che sân trời một đêm không mưa gió bỗng rơi ầm ầm xuống vì các thanh dầm (bằng gỗ) đã mủn từ bao giờ”- ông Thanh kể.

Sau đó, bà chị ông thuê người vào lắp một dàn mái che bằng nhựa không phải để phục chế hay bảo tồn mà... tận dụng làm cái bếp. Thẳng bếp lên có một thanh xà lim (đỡ lầu trên) đang bị mối ăn gần đứt mà “chưa biết nó ụp khi nào?”.

Cái cầu thang cổ cao chót vót bắc lên lầu hai ở lớp giữa cũng ọp ẹp lắm. Nhưng chưa rợn bằng sàn và mấy khúc cột, xà ở lầu giữa. Không ai dám lên đấy ở, ông Thanh chuyển thành nơi đặt ban thờ dòng họ.

Ông khuyên tôi cẩn thận khi bước lại góc nhà vì bóc mấy tấm ván lên toàn là gỗ mủn. Rồi ông chỉ lên nóc nhà, nơi cây cột trụ gỗ lim cao 7,5m đã gãy vẹt hẳn đoạn mống phải cặp bằng hai thanh gỗ tạm như người gãy chân bó bột. Cảm giác chỉ cần rung nhẹ là ngôi nhà ụp!

Cam cu trong ngoi nha co

Chắp vá tạm bợ: chống thanh xà ngang

Cầm cự!

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà số 47 Hàng Bạc là một trong những ngôi nhà cổ nhất Hà Nội hiện còn sót lại; nếu xét kiến trúc thuần Việt thì đây là ngôi nhà cổ nhất phố cổ.

Hiện tại, tư liệu tin cậy của ngôi nhà là bức ảnh mà một cô gái Pháp đưa sang Hà Nội năm 2001, mặt sau đề chụp năm 1883 và chắc chắn ngôi nhà phải có trước mốc thời điểm trên.

Còn theo kết quả dự án điều tra cơ bản kiến trúc cổ truyền của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ (giai đoạn 2002-2004), ngôi nhà ở cổ nhất có niên đại tuyệt đối năm 1857 còn nhà thờ họ cổ nhất tìm thấy tại vùng đất cổ Ba Vì (Hà Tây) khoảng năm 1882.

Sau đó các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm thấy ngôi nhà nào quá 200 tuổi. Căn cứ bức ảnh tư liệu cùng những cuốn sách người VN, người Hoa và người Pháp viết, ông Dương Trung Quốc khẳng định đây là ngôi nhà mang kiến trúc thuần Việt cổ cuối cùng ở thủ đô, mặc dù kiểu nhà này trước đây rất phổ biến nơi phố cổ nhưng hiện chỉ còn “chấm phá” vài dấu tích.

“Tôi vào Hội An, Chợ Lớn đều không tìm thấy môtip nhà kiểu ấy, cả khu nhà người Hoa và người Pháp cũng không có”- ông Quốc nói.

Đặc trưng ngôi nhà phong kiến có lối đi ở giữa, mặt tiền nhô cao (không có vỉa hè bởi thời xưa lòng đường cũng là... vỉa hè, sau người Pháp sang mới qui hoạch theo kiểu mới). Nhiều chuyên gia nước ngoài đến nghiên cứu phố cổ, nhà cổ Hà Nội cũng chung quan điểm như ông Quốc.

Nhưng, số phận ngôi nhà cũng như số phận người, cũng éo le may rủi. Từ lâu các tổ chức, cá nhân đến từ bên ngoài biên giới quốc gia đã rất quan tâm việc phục hồi, bảo tồn phố cổ, nhà cổ Hà Nội.

Họ nhìn nhà cổ, phố cổ Hà Nội như nghe tiếng người đang cất lên từ quá khứ. Nhiều tiền của từ bên ngoài và của chính thủ đô đã rót cho phố cổ, nhà cổ Hà Nội.

Năm 2000, Liên minh châu Âu đã đổ xuống Hà Nội 2,8 triệu francs để cứu những ngôi nhà cổ nhưng chính quyền thành phố mới giải ngân được nhà hai ngôi 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào thì... hết tiền!

Lúc ấy ngôi nhà 47 Hàng Bạc đã nằm trong danh sách cần bảo tồn gấp nhưng lại đành phải... chìm dần vào quên lãng cho đến nay!

Nhiều năm qua, Hà Nội cũng lập một cơ quan chuyên về phố cổ, nhà cổ là Ban quản lý phố cổ Hà Nội (38 Hàng Đào) nhưng ngoài điều tra, thống kê rồi trình lên chính quyền cả danh mục 274 nhà cổ cần bảo tồn (trên giấy) thì cũng chưa lập thêm công trạng gì.

Theo qui chế, những ngôi nhà cổ đã “niêm” danh sách thì cấm chủ tự phá dỡ, tu sửa. Nhưng trước tình cảnh bí bách, ngột ngạt, nhiều chủ nhà cổ khu 36 phố phường đã không thể kiên nhẫn thêm đành phá quách đi xây nhà mới và ngay cả chuyện phạt những trường hợp bất chấp qui định phá dỡ di sản chính quyền thành phố cũng lại tiếp tục loay hoay.

Trao đổi với TTCN về dự án đầu tư bảo tồn số nhà cổ đã chấm duyệt, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho hay đến thời điểm này vẫn chưa thấy “trên” rải tiền triển khai.

Nhiều năm qua, hàng ngàn đoàn khách quốc tế đã đến Hà Nội thăm phố cổ nhưng chỉ được “dọn” sẵn trong lịch trình tham quan hai ngôi nhà tại 87 Mã Mây và 38 Hàng Đào, nên không ít khách nước ngoài vẫn tự lần mò tìm đến tận ngôi nhà xấu số của ông Thanh để chiêm ngưỡng.

Số lượng khách nhiều tới mức có buổi đứng kín lối đi. Những “ông nước ngoài” bụng phệ thi nhau leo lên ngôi nhà ọp ẹp của ông Thanh để lần ngược lại quá khứ Hà Nội càng khiến nó xuống cấp nhanh hơn, nhưng thấy họ quá yêu di sản văn hóa cổ của một đất nước không phải là đất nước họ ông lại không nỡ chối từ...

Tất cả chủ hộ trong “đại gia đình” này rất nghèo, họ chỉ gom nổi tiền để sửa chữa dăm ba chi tiết lặt vặt. “Mà có tiền chúng tôi cũng không dám đập đi xây mới vì đây là di sản của Hà Nội, tôi mong chính quyền thành phố sớm bảo tồn nó trước khi quá muộn”- ông Thanh tha thiết.

Ông Thanh theo cha Đỗ Văn Lư rời Hải Dương về Hà Nội thuê ngôi nhà 47 Hàng Bạc mở hiệu chế tác vàng bạc từ năm 10 tuổi. Ông kể: “Bố tôi bắt đầu thuê ngôi nhà này năm 1940. Trước, đây nguyên là nhà thờ họ Ngô do cụ Ngô Khắc Thiện (một thầy đồ nho) xây khoảng 140 năm trước. Cụ Thiện xây xong vì gặp biến cố lịch sử nên bán lại cho con gái Ngô Thị Đính. Sau bà Đính lại bán cho em gái Ngô Thị Lân (vợ giáo sư tiến sĩ Vũ Quang Hòe - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội). Năm 1957 ông Hòe gọi bố tôi vào gạ bán nhưng chúng tôi không có tiền nên ông bán “chui” cho ông Phạm Đình Cát ở Hàng Bồ và năm đó nhà bắt đầu dột nát nên gia đình ông Cát không đến ở cũng chẳng sửa sang vì sợ mang tiếng địa chủ”.

Tới năm 1993 Hà Nội lên cơn sốt đất, con trai ông Cát mới gửi đơn đòi ông Thanh trả lại nhà, vụ kiện dài kéo sáu năm trời, tới năm 1998 tòa xử anh em ông Thanh thắng kiện.

Hơn nửa thế kỷ qua gia đình ông đã sống và bảo vệ ngôi nhà. Bây giờ ông chỉ có nguyện ước được chính quyền chuyển cư tới một khu tập thể để trả lại ngôi nhà trên cho thành phố đầu tư bảo tồn thành điểm tham quan du lịch.

Theo kết quả điều tra hồi tháng 4-2004 của Ban quản lý phố cổ Hà Nội, khu phố cổ hiện có 4.340 biển số nhà cổ; mỗi ngôi có diện tích trung bình 92m2, mật độ chỉ đạt 0,5-1,8m2/người; trong đó 63% nhà xuống cấp, 12% nguy hiểm, 5% ô nhiễm. Theo kế hoạch năm 2004 dự án bảo tồn phố cổ sẽ được khởi động.

Các chuyên gia Nhật, Pháp, Bỉ từng hỗ trợ vốn và kỹ thuật bảo tồn di sản ở Hội An, Bắc Ninh cùng chuyên gia Việt sẽ nghiên cứu các mẫu kiến trúc, trang trí, niên đại, cấu trúc mái hiên... tại Hàng Bạc và Hàng Buồm để triển khai.

Các nhà cổ đang xuống cấp nặng nề mà tất thảy chủ nhân đều tha thiết xin được chuyển đi nơi khác, đã được lên danh sách đặc biệt gồm các số 31, 47, 60, 66, 70 Hàng Bạc; 28, 70, 84, 86 Mã Mây, 13 Hàng Đường...

Ngày 8-9-2004, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã triệu họp các chủ hộ có nhà cổ để bàn phương án trùng tu bảo tồn.

Nhưng nhiều chủ hộ chưa thỏa mãn ý tưởng chỉ phục chế mặt tiền nhà cổ còn cơ bản vẫn giữ nguyên... bởi “đã đầu tư bảo tồn thì phải phục chế nguyên trạng kiến trúc cổ xưa mới có giá trị”.

Tuy nhiên, từ họp hành đến bắt tay vào việc vẫn là khoảng cách tính bằng... năm. Và mặc dù Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã “niêm” danh sách 274 nhà cổ cần bảo tồn (tức cấm xâm hại) nhưng chính quyền các phường và chủ nhân lại đang “xin” được rút bớt 51 nhà vì... không đủ kiên nhẫn chờ nữa!

ĐẶNG THÁI HUYỀN (Theo Tuổi Trẻ)
 

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nhà 47 Hàng Bạc còn nguyên vẹn, được đánh giá là một trong 10 ngôi nhà cổ nhất Hà Nội vì nó mang hình loại và đặc trưng của đô thị cổ Hà Nội. Trước kia, mỗi ngôi nhà là một chủ, mỗi chủ có một văn hóa riêng (như người thợ, quan viên) nhưng vẫn mang nét chung của người Hà Nội. Nếu xét kiến trúc thuần Việt thì đây là ngôi nhà cổ nhất phố cổ.
Ngôi nhà này hiện có quá nhiều chủ khiến nó trở thành không gian phản văn hóa. Vì thế, người dân lẽ ra được hưởng giá trị thì họ lại phải chịu đựng giá trị ấy. Nếu muốn bảo tồn không gian đó, Hà Nội cần tạo điều kiện cho người dân chỗ ở an toàn, tiện nghi.


  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
91654

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Im lặng đêm Hà Nội ( Xuân 2011) (23/12/2020)
  + Đêm Hồ Gươm Lung Linh (chương trình tuyền hình trực tiếp của VTV1) (14/07/2011)
  + Nghệ sĩ đường phố'' chơi violon ở Hà Nội (11/11/2010)
  + Dong Xuan Market - Hanoi, Vietnam (08/11/2010)
  + people in Hanoi(Vetnam), Dong-Xuan-Market (08/11/2010)
  + Busy Street Behind Dong Xuan Market, Hanoi (08/11/2010)
  + Cho Dong Xuan Ha Noi (08/11/2010)
  + Đồng Xuân Market I (08/11/2010)
  + dong xuan market hanoi(ตลาดดงซวน ฮานอย เวียดนาม) (08/11/2010)
  + vietnamese food at dong xuan market hanoi(ตลาดดงซวน) (08/11/2010)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang