36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
 Đương đại
 Ký ức
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Cuộc sống > Ký ức >
  Câu chuyện về bức ảnh ngày Giải phóng Thủ đô - ttnhan.multiply.com Câu chuyện về bức ảnh ngày Giải phóng Thủ đô - ttnhan.multiply.com , 36phophuong.vn
 
Câu chuyện về bức ảnh ngày Giải phóng Thủ đô - ttnhan.multiply.com

 Cậu bé Lê Bảo Tháp ngày đó mới 7 tuổi. Cậu đứng ở trước cửa nhà mình, cầm cờ đón chào đoàn quân tiếp quản. Khuôn mặt khôi ngô, sáng sủa, áo sơ mi cộc tay mầu trắng, chiếc quần soóc mầu sẫm, trên tay cầm lá cờ, trong giây phút hân hoan, cậu bé Tháp không ngờ mình đã lọt vào ống kính và bức ảnh trở thành một chứng nhân lịch sử.

Bức ảnh nằm khiêm tốn trong cuộc triển lãm ảnh được tổ chức ở Nhà Triển lãm 45 phố Tràng Tiền, những hồi ức của người Hà Nội qua ảnh về ngày tiếp quản Thủ đô, với dòng chú thích khiến người đọc phải dừng lại thật lâu. Không khó khăn lắm cũng biết được địa chỉ xuất xứ của bức ảnh cậu bé Tháp: “Gia đình cụ Lê Sửu”, số nhà 80 phố Hàng Đào. Đó là một ngôi 3 tầng, đúng chất Hà Nội, được xây từ những năm 50 của thế kỷ trước, mặt ngoài bán quần áo, còn bên trong là tổ ấm của đôi vợ chồng gốc Hà Nội. Có một Hà Nội đẹp nhưng buồn những năm bị tạm chiếm vẫn được lưu giữ trong tâm trí của đôi vợ chồng già này. Bác Lan Hương, vợ bác Lê Sửu là người Hà Nội, con gái phố cổ, như trong cuốn sách nào đó: “Lên chợ Đồng Xuân ngày cuối tuần, ngây ngất vì con gái Hàng Đào đi chợ như trảy hội, áo dài trắng thướt tha, mùi nước hoa thoang thoảng, đi cả chục mét vẫn ngoái đầu nhìn lại”. Ngoài 60 tuổi rồi, nhưng bác Lan Hương vẫn giữ được nét xuân sắc của gái Hàng Đào một thời, nhất là ở nước da trắng muốt và lối nói chuyện nhẹ nhàng, sâu sắc. Bác từng tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm, nhưng làm trái nghề. Bố bác Lan Hương trước đã từng giữ chức Uỷ viên quân sự khu Bùi Huy Bính – Linh Quang (nay là quận Đống Đa). Cụ là một trí thức yêu nước và bắn súng rất giỏi. Tuổi thơ bác Lan Hương trôi đi trong nỗi niềm của người dân Hà Nội bị mất nước, sống trong nội thành mà khát khao ngày đoàn quân bộ đội chiến thắng trở về. Mùng 2-10-1954, người dân phố cổ biết được trên báo, đài thông tin quân Pháp sẽ rút khỏi phố cổ, rút khỏi Hà Nội vào ngày 10- 10. Thật là một tin vui bất ngờ đến nghẹt thở. Không chờ người lớn nhắc, cô bé Hàng Đào phấp phỏng với những niềm vui nho nhỏ, rủ bạn bè cùng trang lứa ríu rít tết những hạt bưởi, làm những lá cờ đuôi nheo bằng giấy mầu… cho ngày lịch sử ấy. Càng gần đến ngày 10-10, cô bé Lan Hương càng chong mắt cùng bố mẹ, thay phiên nhau dùng đũa cả gõ vào chiếc nồi, mâm đồng của nhà, như để “thông báo” với bọn người xấu rằng “nhà tôi vẫn thức đấy, đừng có vào làm bậy”. Dân phố cổ giờ vẫn còn nhiều nhà giữ lại những chiếc nồi, mâm “chống trộm” bị thủng đáy làm kỷ niệm. Sáng 10-10, tiếng giầy quân đội Pháp rút lui nặng nề qua trục phố Hàng Đào - Hàng Ngang. Không một nhà dân nào dám mở cửa ra nhìn. Cô bé Lan Hương hiếu động giấu bố mẹ, len lén mở ô cửa sổ để được trông thấy sự thiểu não của những kẻ bại trận.

Trở lại với nhân vật “cậu bé Tháp” trong bức ảnh. Cậu bé Tháp năm ấy lên 7 tuổi, là em bác Sửu, chồng “cô bé” Lan Hương sau này. Lúc ấy, cậu bé Tháp cũng trạc tuổi Lan Hương, hiếu động và đầy háo hức chào đón các chú bộ đội tiến về tiếp quản Hà Nội. Bác Lê Sửu sinh ra trong gia đình khá giả, chơi ảnh từ nhỏ. Hình cậu bé Tháp được chính bác Sửu chụp bằng chiếc máy Telka II của Pháp, loại máy chỉ chụp được cỡ phim 4 x 6. Chiếc máy ảnh năm xưa bác Sửu không giữ được đến hôm nay, cũng như đây là tấm hình duy nhất chụp người em trai của bác. Bởi 12 năm sau đó, anh thanh niên Lê Bảo Tháp lên đường nhập ngũ và mãi mãi không trở về. Bé Tháp năm đó ít tuổi nhất nhà và cũng hiếu động nhất nhà. Chỉ vừa khi bóng quân Pháp mất hút, Tháp đã tuột khỏi vòng tay mẹ, leo lên nóc tầng 3 nhà mình, ngóng về phía hồ Hoàn Kiếm, nơi mà từ nhiều đêm trước, bố bế cậu lên đó, chỉ tay về phía xa: “Ngày mai các chú bộ đội sẽ xuất hiện từ đấy đấy”. Cái dáng nhỏ vắt vẻo trên ban công sân thượng tầng ba, Tháp là người đầu tiên trong nhà trông thấy các chú bộ đội, đều tăm tắp, hùng dũng. Cậu reo lên thật to rồi vụt chạy xuống. Bức ảnh chụp cậu bé Tháp xong cũng là lúc người Hàng Đào nghe thấy tiếng reo “Bộ đội về” đã ùa ra đường, tràn ngập hoa và nước mắt. Cậu bé 7 tuổi lẫn trong biển người hân hoan đó.

12 năm sau, anh thanh niên Lê Bảo Tháp lên đường tòng quân vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, trong một trận chiến ác liệt, Trung sĩ Lê Bảo Tháp đã anh dũng hy sinh. Gia đình bác Sửu hiện vẫn chưa tìm thấy phần mộ của em mình. Không nhiều gia đình người Hà Nội có được bức ảnh tương tự như thế này. Nhân chứng lịch sử nhỏ tuổi chứng kiến ngày Giải phóng của Thủ đô đã mãi mãi không về, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình và người thân. Và nỗi niềm đó lại trào dâng vào mỗi dịp cả nước kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10.

Hoàng Quân

Photobucket

Bức ảnh của bác Lê Sửu đã được trưng bầy tại triến lãm ảnh "Ngày tiếp quản Thủ Đô qua ống kính người dân Hà nội".

Khi tìm kiếm thông tin trên Google tôi tình cờ tìm được một bức ảnh do một phóng viên nước ngoài chụp. Một cảm giác gai lạnh chạy khắp người khi tôi thấy bức ảnh. Liệu đấy có phải là cậu bé Lê Bảo Tháp năm xưa?  Nếu đúng, đối với người khác đó có thể chỉ là một sự phát hiện thú vị nho nhỏ. Nhưng với tôi ai thì khác, tôi thực sự xúc động mạnh. Bởi lẽ tôi cũng có một người anh trai hy sinh trên chiến trường Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa 1972. Và cũng giống như gia đình anh, chúng tôi không bao giờ tìm được phần mộ của anh trai mình.

Chắc chắn một điều Lê Bảo Tháp không biết mình có mặt trong những bức ảnh đã trở thành tư liệu lịch sử, và gia đình anh có biết về sự tồn tại của bức ảnh này?  Tự hỏi như vây, tôi quyết định lấy tên anh đặt cho entry này, tôi những mong làm được một việc gì đấy hữu ích, như thắp một nén hương lòng dâng lên tưởng nhớ anh, anh trai tôi và biết bao nhiêu chàng trai Hà nội đã nằm xuống trong cuộc chiến vừa qua.

Photobucket

Đoạn cuối:

Qua dịch vụ tra cứu danh bạ tôi dễ dàng tìm được số điện thoại của bác Sửu, mặc dù đã chuẩn bị cho mình những điều cần nói, nhưng những câu hỏi nghi ngại của bác làm tôi lúng túng. (Tôi có thể hiểu đựợc sự nghi ngại đó). Hình như nỗi day dứt về phần mộ của người em trai luôn canh cánh trong lòng nên ban đầu bác tưởng tôi gọi để cung cấp thông tin việc này. Bác cho biết anh Tháp hy sinh ở ngã ba Đông Dương, không phải ở chiến trường Quảng Trị như bài báo đã viết, và gia đình cũng đã có thông tin tương đối cụ thể: “Em tôi hy sinh khi bị một loạt đạn bắn vào giữa ngực”. Bối rối vì chạm tới nỗi đau của bác, tôi đính chính lý do cuộc gọi. Bác cảm ơn ý tốt của tôi, và bảo tả qua bức ảnh. Tuy không cho đó là ảnh em mình vì phố Hàng Đào ngày đó chuyên bán vải vóc, tơ lụa, không có nơi nào quảng cáo quán cơm trên tường, thêm nữa lá cờ trên tay cậu bé Tháp là cờ hình chữ nhật, không phải cờ đuôi nheo viền tua rua (chi tiết này bác Sửu nhớ nhầm nếu xem kĩ lại bức ảnh), nhưng bác sẽ vào anh-tờ-nét (cách phát âm theo tiếng Pháp của những người thuộc thế hệ bác) để xác minh.

Không còn tin vào linh cảm của mình, nhưng tôi vẫn muốn truy tìm nguồn gốc bức ảnh. Tốn kha khá thời gian lên mạng cuối cùng tôi biết đó là một bức trong bộ ảnh "Hà nội những ngày cuối cùng" của Howard Sochurek - phóng viên ảnh người Mỹ của tạp chí Life. Có 5 bức chụp hai cậu bé này với dòng chú thích "Two children playing under posters displaying Communist leaders" 

Photobucket

Té ra trên những con phố Hà nội vào cái ngày 10/10 cách đây 55 năm có không ít các cậu bé với trang phục điển hình thời bấy giờ: quần soóc, áo sơ-mi trắng cổ bẻ hai ve, tóc rẽ ngôi giữa. Đời sống quanh ta có vạn dấu hỏi. Câu hỏi này có lời đáp, đã xuất hiện những câu hỏi khác. Những cậu bé này bây giờ ra sao? Có số phận nào buồn như cuộc đời Lê Bảo Tháp?

Photobucket

Photobucket

Photobucket

 

 


  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
68477

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Im lặng đêm Hà Nội ( Xuân 2011) (23/12/2020)
  + Đêm Hồ Gươm Lung Linh (chương trình tuyền hình trực tiếp của VTV1) (14/07/2011)
  + Nghệ sĩ đường phố'' chơi violon ở Hà Nội (11/11/2010)
  + Dong Xuan Market - Hanoi, Vietnam (08/11/2010)
  + people in Hanoi(Vetnam), Dong-Xuan-Market (08/11/2010)
  + Busy Street Behind Dong Xuan Market, Hanoi (08/11/2010)
  + Cho Dong Xuan Ha Noi (08/11/2010)
  + Đồng Xuân Market I (08/11/2010)
  + dong xuan market hanoi(ตลาดดงซวน ฮานอย เวียดนาม) (08/11/2010)
  + vietnamese food at dong xuan market hanoi(ตลาดดงซวน) (08/11/2010)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang