Bài 1: Tây Đô thành hoài cổ
Đời nay nhìn lại sẽ là giản đơn và thiếu khoa học nếu quy thất bại của nhà Hồ cho việc dời đô và chọn đất sai phong thủy. Nhưng theo các sử gia, trong số các nguyên nhân của thất bại, ít nhất có nguyên nhân “làm mất lòng dân”, mà việc dời đô góp một phần vào đó.
LTS: Gần đây nhiều nhà kiến trúc, phong thủy và lịch sử đã lên tiếng kiến giải sự yểu mệnh của một vài triều đại trong lịch sử Việt Nam liên quan đến yếu tố chọn đất xây thành. Có ý kiến cho rằng thế “rồng cuộn, hổ chầu” trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ bị hiểu sai hoặc vận dụng không đúng dẫn tới chuyện cả vương triều đặt trên vùng Âm trạch (tức là đất tốt để làm việc âm), thay vì Dương trạch. Phóng viên đã về tận Cao Bằng, Lạng Sơn và Thanh Hóa, tìm đến các di tích và vùng đất cổ, gặp gỡ những nhân chứng và các nhà phong thủy, lịch sử để tìm kiếm những giả thuyết khả dĩ giải mã sự yểu mệnh của nhà Hồ và nhà Mạc.
Từ thành phố Thanh Hóa, đi về phía tây khoảng hơn 50 km, qua ngã ba Kim Tân thêm chừng 1 km nữa, sẽ thấy nơi cuối con đường hiện sừng sững một cổng thành đá ba vòm uốn cong, dưới chân tường cỏ phủ xanh. Đó là cổng chính của một tòa thành cổ, ra đời từ cách đây đã hơn 600 năm: Tây Đô, hay như chúng ta thời nay gọi “thành nhà Hồ”.
Vào những ngày này, Ban Quản lý di tích và thành phố Thanh Hóa đang trong quá trình chờ UNESCO xét duyệt hồ sơ công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, nếu không có gì thay đổi thì năm 2011 sẽ có kết quả. Xét về phương diện kiến trúc, công trình khá độc đáo, theo nhận định của ban quản lý thì “cả khu vực Đông Nam Á không có ngôi thành nào thế này”. Độc đáo bởi lẽ toàn bộ thành xây bằng đá; những tảng đá lớn nặng 2-3 tấn, có khối nặng tới 20 tấn, được xếp vào nhau cực kỳ khít khao, bằng phẳng mà không hề dùng vữa. Tổng diện tích bề mặt đá đo được (mặt ngoài, chưa tính phần lõi) là hơn 10 triệu m2. Người đời nay tới thăm thành có thể kinh ngạc, không hiểu làm cách nào mà thời Hồ (cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15), phu xây thành lại có thể di chuyển những khối đá lớn như thế để xây nên những bức tường có chiều cao trung bình 5-6 m, cổng mái vòm gần 10 m. Đó là chưa kể các tảng đá đều được mài nhẵn, vuông vức, xếp rất khít vào nhau. Nhà nghiên cứu người Pháp L.Bezacier từng nhận xét vào đầu thế kỷ 20: “Ngôi thành này là một mẫu mực độc nhất về việc sử dụng những khối đá vôi to lớn, được đẽo gọt và ghép một cách rất tài tình...”. Vì lý do này, Tây Đô còn có được gọi là “thạch thành”, nghĩa là thành đá.
Ảnh trên: Địa thế thành nhà Hồ (Google maps).
Trải qua sáu thế kỷ, một số bức tường đã bị sạt lở, song bốn cổng thành vẫn còn nguyên, trong đó chỉ riêng cổng Nam (cổng chính, mặt tiền) là có ba vòm, các cổng Bắc, Đông, Tây đều “đơn môn” (một cửa). Chiều dài từ cổng Bắc tới cổng Nam là 880 m, Đông sang Tây 877 m, tức là tổng diện tích nội thành gần 1 km2 . Các kiến trúc khác mà sử sách có ghi lại như La Thành (vòng thành ngoài cùng), điện Hoàng Nguyên, cung Diên Thọ, v.v… đều không còn nữa, chỉ để lại dấu tích.
Tây Đô độc đáo còn vì đây là ngôi thành đã chứng kiến bảy năm tồn tại của nhà Hồ - một triều đại yểu mệnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông vua nổi tiếng của triều đại này - Hồ Quý Ly - được ghi nhận như là một nhà cải cách đầy tham vọng, đã dời đô từ Thăng Long về Thanh Hóa, xây một ngôi “thạch thành” kiên cố đủ cả tường cao, hào sâu, trên vùng đất mà chính ông nhận xét là “long xà ẩm thủy”, “rồng chầu rắn cuộn”. Vậy mà khi quân Minh kéo sang, vua quan Hồ Quý Ly thua chạy dài, thành Hồ chưa (kịp) bị tấn công ngày nào đã thất thủ.
“Thế đất xung quanh còn non lắm”
Theo giới nghiên cứu thì Hồ Quý Ly đã có sự tính toán, chuẩn bị rất kỹ cho việc chọn đất xây thành, ít nhất là về mặt phong thủy. Thời đó, khu đất xây thành được bao quanh bởi cả sông và núi: Từ cổng Tây đi ra có dòng sông Mã. Phía Đông có dòng sông Bưởi. Phía Bắc gối đầu vào núi Thổ Tượng, còn gọi là núi Voi. Cổng chính mở ra hướng Nam, tiến thẳng về Đún Sơn (tức núi Đún theo tiếng địa phương), là nơi đặt đàn tế Nam Giao - một trong bốn đàn tế xã tắc còn lại ở Việt Nam đến ngày nay.
Hồ Quý Ly rất tâm đắc với mảnh đất này, cho là đắc địa, có thể xây nền đế nghiệp lâu dài, bởi sông Mã lớn như con rồng chầu phía tây, sông Bưởi nhỏ hơn uốn lượn như con rắn cuộn phía đông. Hai bên là sông, trước mặt sau lưng là núi, thế vững như vậy, đây hẳn là “mảnh đất long xà ẩm thủy, có thể ở được lục thập niên ký” (tức là trên dưới 60 năm).
Cổng Nam thành nhà Hồ, xây từ 1397. Ảnh: Đoan Trang
Tiếc thay, không được như mong đợi của Hồ Quý Ly, nhà Hồ chỉ thọ được thất niên. Dân gian có vài giai thoại đồn rằng thảm bại của họ Hồ xuất phát từ sai lầm trong phong thủy xây thành. Giai thoại thứ nhất kể Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết đã dâng thư can nhưng Quý Ly không nghe. Thư viết: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ (tức Thăng Long) có núi Tản Viên, có sông Lô, Nhị, núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ (…). Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nhà nước. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị”. (Theo giải thích của TS Đỗ Quang Trọng, Trưởng ban quản lý di tích, sở dĩ gọi là “đầu non cuối nước” vì xuôi về phía Nam thì sông Mã và sông Bưởi có gặp nhau ở một điểm, cổng Bắc thành thì gối vào núi Thổ Tượng).
Một giai thoại khác cho rằng từ cổng chính thành mở ra một con đường lát đá dài 2,5 km chạy thẳng về đàn tế Nam Giao, con đường này giống như mũi tên, mà núi Đún nơi đặt đàn tế thì uốn vòng như một cánh cung giương sẵn. Hai yếu tố này phối hợp, làm thành một thế cực độc về phong thủy: Tên bắn thẳng vào thành. Song nói chung kể cả nếu không phạm vào cái thế này thì thành nhà Hồ cũng khó vững, bởi như chính Hồ Hán Thương (con trai Hồ Quý Ly) đã nói, mảnh đất này tuy là thạch bàn long xà nhưng “thế đất xung quanh hãy còn non lắm, nên chỉ ở được lục niên ký (sáu năm) mà thôi”. Nhà Hồ đã tính lầm ngay từ khi dời đô về phủ Thanh Hóa.
“Anh hùng di hận kỷ thiên niên”
Đời nay nhìn lại sẽ là giản đơn và thiếu khoa học nếu quy thất bại của nhà Hồ cho việc dời đô và chọn đất sai phong thủy. Nhưng theo các sử gia, trong số các nguyên nhân của thất bại, ít nhất có nguyên nhân “làm mất lòng dân”, mà việc dời đô góp một phần vào đó. Nhà Trần có 175 năm tồn tại, trải 13 đời vua, ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đất Thăng Long vì thế đã gắn bó quá sâu đậm với lòng dân, với nhà Trần. Dời đô khỏi miền đất ấy khác nào chặt một cái cây khỏi cội rễ của nó. Còn mảnh đất định đô mới, dẫu có là nơi đắc địa với quan niệm của Hồ Quý Ly thì như Nguyễn Nhữ Thuyết thống thiết can: “Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”.
Triều Hồ thất bại. Có lẽ chỉ Nguyễn Trãi là giữ tấm lòng thương cảm với Hồ Quý Ly khi ông viết: “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Họa phúc có manh mối không phải một ngày/Anh hùng để mối hận mấy ngàn năm sau).
ĐOAN TRANG
|