36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ >
  Vị thế Thăng Long Hà Nội từ góc nhìn phong thủy Vị thế Thăng Long Hà Nội từ góc nhìn phong thủy , 36phophuong.vn
 
Vị thế Thăng Long Hà Nội từ góc nhìn phong thủy

 Gần đây, trong “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, có nhiều ý kiến đóng góp cho đồ án nói đến yếu tố phong thuỷ trong quy hoạch, về bố cục trục Hoàng đạo, trục Thần đạo, trục Tâm linh…

 
Bàn về phong thuỷ, một đề tài có nhiều nội dung, nhiều quan điểm, nhiều trường phái, nhiều yếu tố mang tính cảm nhận và kinh nghiệm của mỗi nhà phong thuỷ, mỗi trường phái phong thuỷ trong từng thời kỳ lịch sử…nên rất khó để có được sự cảm thông và đồng thuận của mọi người.
 
1- Vị thế Thăng Long – Đông Đô từ góc nhìn phong thuỷ cổ
 
Theo các nhà phong thuỷ, vùng đất có phong thuỷ tốt là nơi hội tụ khí thiêng sông núi, sẽ tạo ra môi trường sống tốt lành phong phú bền vững trường tồn, kinh tế phát triển, dân cư đông đúc sản sinh ra những người tài giỏi tuấn kiệt xuất chúng, hình thành những nền văn hoá riêng …
 
Phong thuỷ thường căn cứ vào các dòng sông và các mạch núi để phân định sơn mạch, sông lớn sơn mạch lớn, sông nhỏ sơn mạch nhỏ. Dựa vào dáng sông thế núi xác định nơi tàng phong tụ khí để xác lập kinh thành, đô thị, thôn xóm…
 
Phương đông cổ được phân định thành một số đại sơn mạch – còn gọi là đại can long (có nhà phong thuỷ chia 4, có nhà phong thuỷ chia 6). Có thể kể Đại sơn mạch được giới định bởi sông Hoàng Hà và sông Trường Giang bao gồm toàn bộ vùng Trung nguyên, với thái tổ sơn long từ dãy núi Côn Luân Thanh Hải Tây Tạng, được coi là hình thái phong thuỷ đặc trưng tạo nên nền văn hoá sông Hoàng vĩ đại của Trung Quốc. Cũng có nhà phong thuỷ lý giải tương tự  về nền văn hoá sông Hằng của Ấn Độ.  
 
Đối với Việt Nam, bao gồm cả nam Trung Hoa và Lào, nằm gọn trong đại sơn mạch được định hình bởi sông Trường Giang và sông Mê Kông, có thái tổ sơn long cũng xuất phát từ Tây Tạng (Hymalaya), bên trái là các dãy núi chạy từ Vân Nam xuống vùng Lĩnh nam Trung Quốc ( vùng Lưỡng Quảng ) xuống đến vùng đông bắc Bắc Bộ; bên phải là các dãy núi chạy từ Vân Nam xuống Lào, Tây Bắc và tiếp nối là dãy Trường Sơn. Đồng bằng Bắc bộ nằm gọn chính giữa của đại sơn mạch này và Thăng Long là trung tâm là đại huyệt vị chính yếu. Trước mặt Thăng Long là đồng bằng Bắc bộ, là biển Đông – một minh đường rộng lớn và tràn ngập thái dương; bên kia là đảo Hải Nam như một triều án. Mặt khác xét trong nội thuỷ sẽ thấy các dãy núi ( thuộc vùng Tây Bắc và dãy Con Voi nằm giữa sông Hồng sông Chảy) chạy song song với các dòng sông Đà, sông Hồng, sông Lô  từ tây bắc xuống đông nam hội tụ tại Việt Trì; sông Hồng tiếp tục chảy xuôi tụ lại ở vùng hồ lớn (Hồ Dâm Đàm xa xưa thông với sông Cái) và triều hội trước mặt Thăng Long rồi đổ ra cửa Ba Lạt; hai bên kế cận tay hổ tay long là dãy Tam Đảo và núi Ba Vì…Thật là một nơi lý tưởng cho “phong tàng thuỷ tụ”.
 
Vào thời Đại Việt đồng bằng sông Cái (sông Mẹ – sông Hồng) rộng lớn phì nhiêu, dân cư đông đúc giỏi nông tang bách nghệ; nơi đây còn là đầu mối giao lưu tiếp nhận tinh hoa của hai nền văn hoá lớn Trung Hoa và Ấn Độ. Tất cả hội đủ cho mảnh đất Thăng Long trở thành “đệ nhất đại huyệt mạch đế vương quí địa” mà Cao Biền đã nêu cách nay gần 1200 năm. Trong Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 cũng khẳng định đây là “ khu vực giữa trời đất, có được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính vị đông tây nam bắc, tiện nghi phía trước là sông phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi bằng phẳng, đất ở đấy cao ráo sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở, muôn vật thịnh vượng tốt tươi. Ngắm xem khắp nước Việt thấy đây là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là  nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ, là đất kinh sư của kinh sư muôn đời.”.
 
 Phải chăng nhìn từ góc độ phong thuỷ nơi đất lành “thuỷ tụ phong tàng” là gốc cho cư dân khôn ngoan bản địa cố kết lại để tồn tại và phát triển xây dựng nền tự chủ lập quốc, tạo nên nền văn hoá riêng?. Ở đây chính là văn hoá Đông Sơn, văn hoá Phùng Nguyên rực rỡ, cũng có thể gọi là nền văn hoá sông Hồng Việt Nam vậy.
 
Hà Nội ngày nay, Đông Đô – Thăng Long – Đại La ngày xưa hội đủ các yếu tố của vùng đất có phong thuỷ thượng thừa, nơi địa linh nhân kiệt. Dẫu qua bao thăng trầm của lịch sử, vượng khí Thăng Long – Hà Nội như một dòng chảy liên tục vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
Nhìn nhận thực tiễn cả 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ những suy nghĩ và luận định nêu trên theo góc nhìn phong thuỷ, vận dụng vào việc lý giải đồ án “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” để xây dựng Thủ đô của nước Việt Nam XHCN xứng tầm thời đại, xứng với tầm vóc và vị thế của đất ngàn năm văn hiến này; nhận thấy trong đồ án quy hoạch đã công bố để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, ngoài những chủ thể bảo tồn và phát triển trung tâm truyền thống (lõi Hà Nội cũ), sắp xếp hệ thống các đô thị vành đai, các mạng lưới giao thông, các vùng cây xanh, cân đối các quan hệ giữa Hà Nội vị thế Thủ đô với các vùng lân cận về phía bắc, phía đông, phía nam… bố cục của đồ án nhấn mạnh hướng phát triển chủ đạo về phía tây hướng núi Ba Vì với các tổ hợp không gian kiến trúc đủ lớn để tạo nên các trung tâm mới về hành chính quốc gia, về văn hoá khoa học kỹ thuật và thương mại chính cho một tương lai xa là phù hợp với thực tiễn khách quan, thuận về địa mạch , đáp ứng được lâu dài cho hậu thế…Riêng với trung tâm hành chính quốc gia mới việc xác định vị trí trong bố cục quy hoạch trên tuyến đông tây Hà Nội – Ba Vì phải được xem xét một cách cẩn trọng sao vừa kế thừa được linh tú mỹ tú Thăng Long – Đông Đô xưa của tiền nhân, vừa đáp ứng được yêu cầu hiện tại và tương lai.
 
2 – Trục Hoàng đạo, trục Thần đạo, trục Tâm linh
 
Nhìn lại các kinh thành (gồm cả các đô thành lớn) xa xưa ở Trung Quốc và Việt Nam, lõi của đô thành là hoàng thành nơi ngự trị của quân vương, được bao bọc bởi các phường dân cư bách nghệ vừa đáp ứng nhu cầu phục dịch vừa là phên dậu. Hoàng thành được xác lập bởi một trục chính – “Trục chính Hoàng thành” – có hướng bắc nam trùng với hướng sao Bắc đẩu theo triết lý dịch học về Thái cực, về âm dương ngũ hành, về tam tài Thiên-Địa-Nhân, (cũng có nhiều trường hợp lệch một số độ so với hướng bắc nam), để khẳng định vị thế của vua ngồi bắc quay mặt về hướng nam trị vì thiên hạ; cũng là phù hợp với khí hậu thời tiết vùng trung nguyên Trung Quốc và Bắc bộ Việt Nam. Trên trục chính  của Hoàng thành bố cục các cung điện chính yếu, hai bên bố trí các cung điện phụ thuộc khác…(Trục chính kinh thành Bắc Kinh được hoạch định trên quan niệm “đới cửu lý nhất”(1), được bố cục các cung điện chính yếu: Ngọ Môn, Thái Hoà môn, Điện Thái Hoà, Điện Trung Hoà, Điện Bảo Hoà, Cung Càn Thanh… Trục chính  Hoàng thành Thăng long là Điện Kính Thiên, Cửa Bắc thành… Trục chính Kinh thành Huế là Điện Thái Hoà, Ngọ Môn, Kỳ đài…).
 
Một số đô thị lớn cũng có bố cục một hoặc hơn một trục chính theo hướng bắc nam (chiếm số nhiều), hướng đông tây hoặc hướng về một vị trí đặc thù về cảnh quan trong vùng như núi thiêng, sông mẹ, hồ lớn, thắng cảnh… Thuật ngữ quy hoạch đô thị ngày nay gọi là “ điểm nhấn”, “điểm kết”.
 
Trục chính của một đô thành mà trước hết là Trục chính Hoàng thành xưa, trong thư tịch cổ hầu như không thấy được ghi lại với định danh là trục thần đạo, trục hoàng đạo, trục tâm linh; cũng chưa thấy có nghiên cứu nghiêm túc nào  đầy đủ về lĩnh vực này được công bố…
 
Khoảng 15 năm trở lại đây trong các đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội và một số thành phố khác ở Việt Nam; trong bản thuyết minh đồ án, trong các bài phản biện tại các hội nghị chuyên môn về qui hoạch và cả trên sách, báo, tạp chí chuyên ngành… mới đần dần thấy xuất hiện thuật ngữ trục thần đạo, trục hoàng đạo, trục tâm linh để chỉ tên gọi trục chính đô thị có một số đặc  điểm nhất định, một số ý nghĩa riêng biệt.
 
Cũng không rõ ai là người đề xướng tên gọi này, hàm nghĩa tương đồng và khác biệt của mỗi từ ngữ với định danh là một thuật ngữ chuyên ngành về quy hoạch đô thị ra sao. Vậy phải chăng đây là thuật ngữ  “sản phẩm” đương đại ?.
 
Để tiện theo dõi, xin được trích dẫn định nghĩa của ba từ  trên được nêu trong một số từ điển hiện hành:
 
– Hoàng đạo : Quĩ đạo giả định mặt trời quay quanh trái đất trong một năm trên một vòng tròn chia thành 12 cung.
 
Vậy trục Hoàng đạo trong quy hoạch mô phỏng theo đường Hoàng đạo với ý niệm chính yếu, tốt lành ?… Cách gọi này có thể hiểu được.
 
Thần đạo :
 
– Đạo quỉ thần. Một thứ văn hoá thần diệu ( 2)
 
– (shinto) Tôn giáo truyền thống của Nhật Bản, tin vào đa thần ( 3)
 
– Thuật ngữ Nho giáo: “Đạo làm tôi”,chuẩn tắc người làm tôi phải   tuân thủ theo quan điểm của Nho gia.(5)
 
– Tâm linh :
 
Cái trí tuệ tự có trong lòng người ( 2)
 
Tính chất thiêng liêng của tâm tư tình cảm (4)
 
Tất nhiên các từ này khi được dùng ở trạng thái danh từ hay tính từ, được dùng vào ngữ cảnh khác nhau và tuỳ thời sẽ hàm chứa những nội dung khác nhau …
 
Trở lại với “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, ý đồ quy hoạch bố cục một trục chính mới Đông Tây thẳng tắp đủ lớn nối đường Hoàng Quốc Việt lên núi Ba Vì; từ đó bố trí các tổ hợp không gian kiến trúc tạo nên các trung tâm lớn về hành chính quốc gia, về văn hoá khoa học kỹ thuật và thương mại. Trục Đông Tây đó các tác giả gọi tên là trục Tâm linh, trục Hoàng đạo. Về vấn đề này, như đã phân tích ở trên, xin được gợi ý:
 
a. Với phong thuỷ nhìn dòng chảy của dòng sông hướng đi của mạch núi thấy không uốn lượn hữu tình mà trái lại chạy thẳng vô tình thì nơi ấy thuỷ không tụ phong không tàng, đất ấy lành ít dữ nhiều. Tương tự như vậy là các xung sát hình thành từ các trục giao thông của các đường phố đô thị – nhất là các trục càng thẳng  càng rộng càng dài thì xung sát càng lớn.
 
Quy hoạch Hà Nội mới với trục đông tây rộng lớn, thẳng tắp và dài nhìn từ góc độ phong thuỷ cũng hình thành nên những xung sát lớn; có người gọi đó là mũi tên hướng về Hà Nội cũ và hướng cả núi thiêng Ba Vì…Vì vậy, nếu trục đông tây được coi là yếu tố khách quan phải có để hình thành “xương sống” cho sự phát triển của Hà Nội trong tầm nhìn trước mắt và cả trong tương lai xa, thì việc hoá giải hạn chế những xung sát đó (có nhiều cách thức hoá giải) là rất cần được suy ngẫm nghiêm túc ngay trong sắp xếp bố cục của đồ án quy hoạch từ giai đoạn đầu…
 
b.  Cách gọi trục chính đô thị là trục thần đạo, trục hoàng đạo, trục tâm linh với hàm nghĩa không rõ ràng, chưa phản ánh được tính tương đồng tính kế thừa theo ngữ nghĩa trục chính trong các kinh thành đô thị cổ; dễ đưa đến sự hiểu sai hiểu không đầy đủ và suy diễn theo ý riêng của người sử dụng, người đọc… Hợp lẽ nhất chỉ nên đặt tên riêng như (trục) Đại lộ Đông Tây, (trục) Đại lộ Thăng Long.v v..
 
c. Còn muốn nhìn nhận và khai thác tính chất truyền thống của trục chính Kinh thành xưa, “Trục chính Hoàng thành” – mà trục đó thường là trục bắc nam hoặc thiên về bắc nam; thì với Thủ đô Hà Nội đó chính là trục chính của kinh thành Thăng Long xưa hiện vẫn còn dấu tích có thể nhận biết qua nền điện Kính Thiên, Cửa Bắc thành, Cột Cờ…Nếu kéo dài về phía bắc sông Hồng trục sẽ di qua thành Cổ Loa, núi Sóc Sơn gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương…
 
Trên đây là một số ý kiến cá nhân chưa đầy đủ, mong được chỉ giáo và bổ cứu.                                           
 
KTS Vũ Đình Phàm 
 
Ghi chú :
(1) tức số 9 hướng nam ở trên, số 1 hướng bắc ở dưới theo số cửu tinh của hậu thiên bát quái
 
(2) Hán Việt từ điển – Đào Duy Anh
 
(4) Từ điển từ và ngữ Việt Nam – GS Nguyễn Lân
 
(5) Từ điển Nho Phật Đạo.  Lao Tử-Thịnh Lê

  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
85768

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Chuyện yểu mệnh của nhà Hồ, nhà Mạc và giả thuyết chọn sai đất định đô (2) (01/07/2011)
  + Chuyện yểu mệnh của nhà Hồ, nhà Mạc và giả thuyết chọn sai đất định đô (1) (01/07/2011)
  + Hồ Tây và tên Thăng Long (23/10/2010)
  + Phong thủy trong quy hoạch Thủ đô: Thăng Long hay "Ẩn Long"? (23/10/2010)
  + Phương án xây dựng nhà Quốc Hội – Qua con góc nhìn Phong thủy (23/10/2010)
  + Phong thủy cho nhà ống đô thị (23/10/2010)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang