Không phải cho đến lúc phát lộ Khu di chỉ Hoàng thành Thăng Long ở khu vực Ba Đình (2002-2003) người ta mới biết đến một bề dầy lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Những sử liệu ghi chép trong thư tịch hay các tấm bản đồ cổ, một số cuộc khai quật ở quy mô nhỏ rải trên khắp khuôn viên của Hà Nội từ khu vực trung tâm phố cổ và thành cổ cho đến vùng ngoại thành rộng lớn đã cho ta biết được phần nào một kho tàng phong phú những cứ liệu vật chất, chứng tích của quá khứ nằm dưới lòng đất của Thủ đô hiện tại. Nhưng một cảm nhận ngày một sâu sắc rằng có một pho sử vô cùng phong phú và đặc sắc vẫn còn đang ẩn dấu dưới lòng đất.
Tuy vậy, trải qua biết bao nhiêu biến đổi của thời gian và biến cố lịch sử, những dấu tích của Thăng Long - Hà Nội xưa vẫn còn hiển hiện một cách thật rõ rệt trên mặt đất, cho dù trong ký ức của ngay thế hệ đang sống hôm nay đã từng chứng kiến biết bao nhiêu mất mát do thiên tai, địch hoạ và ngay cả vì sự ấu trĩ một thời. Những dấu tích ấy nay đã trở thành cổ tích vì nó gắn với cả một lịch sử hình thành và phát triển của trái tim nền Văn hiến Việt Nam.
Trước tiên không thể không kể đến dấu tích của một vùng đất cổ với những di chỉ và hiện vật khảo cổ học từ thời tiền sử đến thời Bắc thuộc mà ta quy về thuật ngữ (tiền Thăng Long), trong đó không chỉ có dấu tích thành Đại La mà có cả dấu tích đầy hiện thực của một vùng dất huyền thoại của Thành Cổ Loa (Đông Anh). Không chỉ những vạt thành đất còn lại cũng những kiến trúc của các thế hệ sau ghi nhận mà còn cả những kho mũi tên đồng được khai quật từ lòng đất. Xa hơn về trước những dấu tích về huyền thoại Thánh Gióng ở Sóc Sơn vẫn còn đậm nét trong tâm thức người hôm nay khi hình dung ra những bụi tre ngà Ông Gióng đã nhổ lên làm vũ khí, những bước chân ngựa sắt nay đã thành ao đầm và cũng đã trở thành một một tập quán, bao giờ dân cũng xây đền để tưởng niệm hay tôn vinh những đấng đã được phong thần hay hiển thánh. Và kèm theo đó bao giờ cũng có những sắc phong của các triều đại như một sự bảo chứng của nhà nước tôn trọng tâm thức của người dân.
Cũng chính vì thế mà trên địa bàn khắp Hà Nội hôm nay có đến hàng trăm ngôi đền thờ những thần linh, nổi danh như các đền Sóc Sơn, Đồng Nhân, Chèm... trong đó Quán Thánh, Bạch Mã, Voi Phục (Thủ Lệ) và Kim Liên được coi là “tứ trấn” giữ gìn sự an lạc bình an cho vùng đất đế đô. Và tiêu biểu cho sắc thái của Thăng Long - Hà Nội còn phải kể đến ngôi đền Ngọc Sơn trong quần thể các di tích của Hồ Hoàn Kiếm, từng là nơi tụ hội trí thức Thủ đô đến lập Hội thiện để di dưỡng tinh thần nhân văn thời Hà Nội chỉ còn là tỉnh thành.
Đền Bạch Mã
Lập đô thời nhà Lý và tiếp đó là nhà Trần tôn thờ Phật làm quốc giáo qua nhiều thời Phật giáo có thăng trầm để lại cả một hệ thống chùa chiền rất đặc sắc về kiến trúc và nội thất. Cho dù đã có nhiều ngôi chùa nay danh tiếng chỉ còn trong sách vở như Báo Thiên tự với toà tháp được mô tả là tráng lệ hay Chùa Báo Ân bên Hồ Hoàn Kiếm mới mất khi thực dân “đô thị hoá” đã phá bỏ hoàn toàn ở cuôí thế kỷ XIX nay chỉ còn lưu lại một Tháp Hoà Phong và vẫn còn những tấm ảnh chụp cùng nhiều pho tượng vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng Guimet ở bên Pháp, thì những ngôi Chùa còn lại cũng đủ cho ta hình dung được cái sức lâu bền của Phật giáo Việt Nam. Từ Chùa Trấn Quốc bên Tây Hồ trấn yểm phương Bắc cùng các Chùa Vua, Kim Liên, Diên Hựu (Một Cột), hay các ngôi chùa gắn với các địa danh cổ như Láng, Hoè Nhai, Bà Đanh, Ngũ Xã, Châu Long, Cầu Đông cho đến ngôi chùa Quán sứ gắn với công cuộc chấn hưng Phật giáo thời hiện đại nay không chỉ tấp nập trong nhừng ngày Một, ngày Rằm hay các ngày hành lễ của tôn giáo mà còn la nơi du khách qua lại để chiêm ngưỡng một nét trong văn hoá tâm linh của Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc
Gắn liền với các di tích Phật giáo, những tín ngưỡng dân gian đậm nét văn hoá Việt bản địa là các phủ thờ Mẫu, thờ Thánh gắn kết trong khuôn viên chùa chiền từ truyền thống “tam giáo đồng nguyên” xa xưa, còn có Phủ Tây Hồ soi bóng nước luôn sống động trong không khí tâm linh.. Muộn hơn Phật giáo, một số tôn giáo khác cũng thâm nhập vào Hà Nội để lại những cơ sở tín ngưỡng, kiến trúc tôn giáo cuả các đạo Thiên Chúa, Cao đài hay Hồi giáo, mà thời gian đã đủ để trở thành cổ tích.
Đền Quán Thánh
Dấu tích của Thăng Long - Kẻ Chợ nơi hội tụ dân cư “tứ chiếng xưa” còn để lại giữa phố phường đông đúc những ngôi đình làng đưa nét đẹp làng quê vào nơi đô hội. Sức ép của đô thị hoá đã làm biến dạng hay xoá sổ nhiều ngôi đình cổ nhưng những ngôi đình nổi tiếng như Đình Yên Phụ, Vạn Phúc, Liễu Giai, Hạ Yên Quyết, Lệ Mật, Thổ Khối, Yên Thái v.v.. tạo nên một sắc thái văn hoá mà không phải đô thị nào cũng có thể có được. Sắc thái ấy vừa tạo nên vẻ cồ kính thấm đẫm chất dân gian vồn có tự làng quê với nếp sống đô thị ngày càng lấn lướt. Cùng một phạm trù với những kiến trúc cổ còn phải kể tới một di sản không nhỏ những quán xá, văn chỉ, nhà thờ họ, hay các ngôi miếu cổ. Và mọi kiến trúc đều được đặt vào những không gian đặc sắc của cảnh quan Hà Nội với núi Nùng Sông Nhị, với Tây Hồ hay Hoàn Kiếm...
Đền Ngọc Sơn
Nét cổ kính xa xưa của kinh thành Thăng Long chẳng còn lao bao so với những gì đã từng có, nhưng chỉ với những di tích còn lại, mặc dù về kiến trúc đã bao lần được tôn tạo như Văn Miếu - Quốc Tử Giám có nền móng từ thời Lý, nơi có những tấm bia đá ghi lại dấu tích sự nghiệp giáo dục liên tục hơn 3 thế kỷ của triều Lê; hay nền điện Kính Thiên với hàng Rồng đá đang gọi là những cổ tích xưa nhất người nay còn được chiêm ngưỡng. Rồi dấu tích thành Hà Nội với Cửa Bắc, Cột Cờ, hay những Đoan Môn, Hậu Lâu của tỉnh thành cũ và Ô Quan Chưởng dấu tích của các cửa ô xưa làm cho tỉnh thành Hà Nội vẫn giữ được những cốt cách của một cố đô dù cho kinh đô triều Nguyễn đã bị di dời vào Huế từ đầu thế kỷ XIX.
Văn Miếu Quốc Tử Giám
Một phần cổ tích còn gắn với những giá trị phi vật thể, do vậy dù cho khu phố cổ nay cái vỏ kiến trúc chỉ còn mang dấu ấn của những con phố cũ, nhưng cả quần thể kiến trúc gắn với phần cốt lõi của 36 phố phường xưa nay đã đựơc xếp hạng thành một di tích quốc gia. Và ngay những công trình kiến trúc gắn với quá trình chế độ thuộc địa quy hoạch lại Hà Nội thành một đô thi thị hiện đại ngày nay chúng ta cũng trân trọng như những di sản của dân tộc bằng chứng của cuộc giao lưu với văn hoá phương Tây. Còn có những kiến trúc vượt ngưỡng trăm tuổi, như quy định của Luật Di sản xếp vào cổ vật như Phủ Toàn Quyền hay những công trình đặc sắc của toà nhà Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Bộ Ngoại giao v.v tuy chưa đủ trăm năm nhưng nay đã trở thành những di sản của thời “thuộc địa”.
Không nệ vào thâm niên trăm năm, cả một pho sử oai hùng chống mọi thế lực xâm lược từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ cũng để lai biết bao di tích cách mạng và chiến tranh đáng được lưu giữ lâu dài. Từ những dấu tích liên quan đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc từ ngôi nhà khai sinh ra tổ chức cách mạng (5D Hàm Long) hay 90 Bông Ruộm cho tới ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập hay ngôi nhà sàn của Bác... là cả một kho tàng lớn. Sự nghiệp chống Mỹ cứu nước còn đó những trận địa pháo và tên lửa đánh bại không lực Hoa Kỳ đến Tổng Hành dinh cuộc chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược kề bên Điện Kính Thiên v.v...
Khuê Văn Các
Tất cả cho thấy một bề dầy lịch sử để lại một Di sản lịch sử vô cùng phong phú của quá khứ rất xa xưa đến những gì đã và đang diễn ra của một Hà Nội cách mạng, chiến tranh, xây dựng và đổi mới hàng ngày hàng giờ đang trở thành di tích và cùng với thời gian sẽ trở thành cổ tích trong tâm thức của các thế hệ mai sau.
Thăng Long, Hà Nội có một pho sử dày dặn nằm dưới mặt đất và trên mặt đất, trong ký ức đã qua và trong ý chí quyết tâm dựng xây một Thủ đô to đẹp hơn, đàng hoàng hơn trong hiện tại và trong cả tương lai.
Dương Trung Quốc
|