Hà Nội, thủ đô, trái tim của đất nước Việt Nam bước vào Năm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm trong một tâm thế có thể gọi là “vận hội ngàn năm chưa từng có” đã đặt Thủ đô của đất nước trước những vận hội và thách đố mới. Chuyên mục Hào hoa Thăng Long xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc về diện mạo văn hoá Thăng Long-Hà Nội.
Hà Nội, thủ đô, trái tim của đất nước Việt Nam bước vào Năm kỷ niệm Đại lễ 1000 năm trong một tâm thế có thể gọi là “vận hội ngàn năm chưa từng có” đã đặt Thủ đô của đất nước trước những vận hội và thách đố mới. Hãy nhìn lại tiến trình ngàn năm ấy ta có thể tìm thấy những nhân tố căn bản đã tạo nên diện mạo văn hoá của Thăng Long-Hà Nội quá khứ và tương lai.
Một thiên niên kỷ trôi qua kể từ quyết định rời đô của Đức Lý Công Uẩn đưa ra chỉ vài tháng sau lên ngôi, khởi lập triều Lý. Cái quyết định mà sử chép đương thời đã được tất cả bá quan văn võ khẳng định “việc lợi như thế ai dám không theo” (Đại Việt sử ký toàn thư), còn sử gia đời sau bình phẩm : “Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp” (Ngô Thì Sĩ- Đại Việt sử ký tiền biên)
Hãy nhìn nhận quyết định này từ góc độ văn hoá. Trong lịch sử cả ngàn năm dựng nước và giữ nước kinh đô nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng nằm trên đỉnh cái tam giác hợp lưu của những con sông trước khi đổ xuôi về lưu vực sông Hồng, mang tên Phong Châu. Sự hợp sức giữa Âu Việt và Lạc Việt thành quốc gia Âu Lạc đã đưa kinh đô của An Dương Vương về xuôi trên đất Cổ Loa phía bên kia sông Hồng.
Trải hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc, các cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng đã chọn đất Mê Linh, cũng ở bên kia sông làm kinh đô; riêng Lý Bí nổi dậy xưng đế thì tiến sát đến Hồ Tây và dòng Tô Lịch đã ở bên này sông . Tuy nhiên, thời gian ngắn ngủi của các triều vua này khiến chúng ta hiểu rất sơ sài với những dấu ấn mờ nhạt về những địa thế mang tên các địa danh này.
Nhưng điều đáng được phân tích là việc Cao Biền đã chọn vùng đất đã được định danh bằng một biểu trưng cho một không gian vốn mang tên “Long Đỗ” (tức Rốn Rồng) để đắp thành Đại La làm trị sở cho chế độ cai trị của các triều Phương Bắc, xếp nước ta chỉ như các quận huyện của Trung Hoa. Cao Biền không chỉ là một viên quan cai trị mà còn là một nhà phong thuỷ được lưu danh trong sử sách.
Thế nhưng, khi Ngô Vương Quyền, người sau này được nhà yêu nước Phan Bội Châu tôn vinh là “vị Tổ trung hưng thứ nhất” của nền tự chủ Đại Việt nhờ chiến công đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) đã khẳng định vị thế nền tự chủ của nước ta để thoát ly ra khỏi chế độ cai trị như quận huyện của phương Bắc, đã chọn Cổ Loa để làm kinh đô như sự trở về với thời đại “tiền Bắc thuộc” của An Dương Vương gắn với nhà nước Âu Lạc từ hơn thiên niên kỷ trước...
Một nền tự chủ mới được tái lập sau hơn ngàn năm Bắc thuộc đã phải trải qua những thử thách khắc nghiệt để tạo nên sự thống nhất quốc gia và tôi luyện thêm sức đề kháng với mối đe doạ truyền kiếp. Đinh Tiên Hoàng “dẹp loạn sứ quân” và Lê Đại Hành một lần nữa đánh thắng giặc Tống cũng trên sông Bạch Đằng . Trong bối cảnh ấy , kinh đô nước ta phải lui về phương Nam tìm nơi có địa thế thích hợp và Hoa Lư chính là nơi các triều Đinh và Tiền Lê lựa chọn.
Một góc chợ đồ sắt
Ý thức được sự trưởng thành của dân tộc, Lý Công Uẩn đã quyết định rời đô khỏi Hoa Lư, nhưng không trở về Cổ Loa mà lại quyết định chọn chính thành Đại La , trị sở nền cai trị của phương Bắc năm xưa. Hơn thế, trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ còn khẳng định “thành Đại La nằm chính giữa trời đất có cái thế rồng cuộn hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện thế nhìn sông tựa núi...” và nhiều yếu tố được coi là đắc địa khác để kết luận rằng “đáng đặt làm kinh sư cho muôn đời”.
Điều đáng nói hơn nữa là, cũng trong văn kiện mang tính chất lịch sử này, Lý Thái Tổ vẫn trân trọng gọi viên quan cai trị là “Cao Vương” cùng ca ngợi thành Đại La “xem khắp đất Việt. đó là đất danh thắng,thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất”. Đó chính là cái khôn ngoan và sáng suốt của người đứng đầu nhà nước Đại Việt đã tạo dựng nên nền Văn hiến Thăng Long, tạo nên bản lĩnh để gìn giữ nền tự chu trường tồn.
Vấn đề quan trọng hơn cả liên quan đến việc chọn Đại La làm kinh đô chính là cái thông điệp mà Lý Thái Tổ đã đưa ra khi chọn tên cho thành Đại La xưa thành “Thăng Long”. Nếu như những kẻ cái trị đã chọn nay chính nơi “Rốn Rồng”, cái huyệt linh thiêng của một quốc gia nhằm trấn trị, thì cái tên “Thăng Long” (Rồng bay lên) chính là sự tự giải phóng để vươn lên chân trời tự do và thịnh vượng của quốc gia Đại Việt đã tự chủ. Từ cái thế đất “rồng cuộn” nay đã thành “Rồng bay lên”, đó cũng là niềm tự hào của thời đại nhà Lý và cái ước vọng muôn đời của dân tộc và Thủ đô ta.
Tên gọi “Thăng Long”chính là biểu tượng cho bản lĩnh Đại Việt, phát huy ý chí tự chủ nhưng luôn biết cách hoà hiếu với thiên hạ và sẵn sàng tiếp nhận cái hay, cái văn minh của thiên hạ để bồi đắp và làm phong phú nền Văn hiến của mình. Ông cha ta từng dựng đền thờ Thái thú Sỹ Nhiếp và tôn là “Nam Giao học tổ” cũng thể hiện cái bản lĩnh ấy. Trên phương diện ngôn ngữ, hàng ngàn năm chúng ta đã lấy “Hán tự” làm chữ viết chính thống của quốc gia, nhưng vẫn giữ nguyên ngôn ngữ nói vốn có của mình, nỗ lực sáng tạo ra chữ Nôm nhưng vẫn trân trọng giữ lấy thứ “chữ của Thánh hiền”, sáng tạo ra âm “Hán-Việt” làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ dân tộc .
Và chính cái ngôn ngữ này đã chuyển tải cái tư tưởng “Nam Quốc sơn hà Nam đế cư” hay “Đại cáo Bình Ngô”... cất lên từ Thăng Long, kinh đô của Đại Việt. Và cũng như vậy, ở thời cận đại, khi tiếp cận với văn minh phương Tây, dân ta cũng chấp nhận cách ghi âm bằng chữ la tinh vốn là công cụ truyền giáo để biến thành thứ ngôn ngữ hiện đại phù hợp với nhu cầu tiến bộ của nhân dân và thời đại, coi đó là “quốc ngữ”. Và chính ngôn ngữ này cũng đã viết lên bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra chế độ Dân chủ-Cộng hoà 1945 vào thời điểm Hà Nội trở lại với vị thế Thủ đô sau ngót một thế kỷ rưỡi bị triều Nguyễn chuyển rời vào Huế.
Một con phố Hà Nội xưa
Chính cái bản sắc “đô hội” của Thăng Long-Hà Nội đã hội tụ được tinh hoa của cả nước và rộng hơn là của thiên hạ tạo nên nền Văn hiến của Dân tộc Việt Nam trải suốt ngàn năm qua. Nó cũng tạo nên tính khoan dung của Thủ đô một quốc gia chịu đựng nhiều đau khổ do chiến tranh và các cuộc chống trả ngoại xâm nhưng lại rất khoan dung, chuộng sự hoà hiếu. Truyền thuyết “Hoàn Kiếm”và Hội thề sau chiến thắng Giặc Minh ở đầu thế kỷ XV là một biểu tượng của Thăng Long xưa nay là Hà Nội, vào cuối thế kỷ XX đã được thế giới tôn vinh là “Thành phố vì Hoà bình”.
Thêm một bằng chứng , bản sắc này cũng thể hiện rất rõ khi nhận thấy trong lịch sử của mình, ngay sau khi rời đô ra Thăng Long những công trình sớm nhất Lý Thái Tổ và cá triều kế tục xây dựng không phải là thành cao hào sâu hay những cung điện nguy nga, tráng lệ mà trước tiên là đắp đê Cơ Xá, chọn dựng “tứ trấn”, xây Chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột), Văn Miếu rồi lập Quốc Tử Giám...Và nhiều lần giặc đến đều bỏ thành về...quê, rồi dùng sức mạnh của thời gian, của toàn dân, kể cả sức trời đất (thuỷ thổ), sức của thần linh , và tài nghệ đánh giặc của những anh tài mà phục hồi nền tự chủ, giải phóng Kinh đô. Duy chỉ nhà Nguyễn, phá thành cũ xây lại theo kiểu phương Tây (Vauban) tưởng kiên cố mà khi giặc đến, cố thủ trong thành là những vị anh hùng lẫm liệt như các vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương hay Hoàng Diệu đều phải tuẫn tiết chết theo thành...
Thăng Long-Hà Nội đến nay bước vào tuổi ngàn năm, tính từ thời điểm Đức Lý Thái Tổ định đô vào năm 1010. Nhưng Thành phố Hà Nội hiểu theo thiết chế của một đô thị hiện đại đến nay mời ngoài 12 giáp (122 tuổi) kể từ khi Vua Đồng Khánh ra sắc dụ trao một phần tỉnh Hà Nội (ứng với không gian của Thăng Long trước thời Nguyễn) cho thực dân Pháp làm “nhượng địa” (cùng với Hải Phòng và Đà Nẵng-Tourane) để lập thành phố theo mẫu hình hiện đại của phương Tây.
Những thiết chế hạ tầng của một đô thị, kể từ đó mới hình thành. Từ một Kẻ Chợ nơi các làng nghề cùng phường hội tứ xứ đến buôn bán phục vụ cho bộ máy cai trị của triều đình (thành) và những cư dân của nó (thị và thị dân) đã hình thành một đô thị ngày càng có sức sống cùng với quá trình thâm nhập của phương thức sản xuất mới của xã hội hiện đại. Phải nói rằng bên cạnh những cổ tích ngoài một ít dấu tích thành quách và chủ yếu là những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thì diện mạo của Hà Nội nghìn năm lại đọng lại sâu đậm nhất là những khu phố cổ và công trình kiến trúc đều có dấu ấn của văn minh phương Tây gắn với thời “Pháp thuộc”. Đã có lúc chúng ta chỉ nhìn nhận cái di sản đó bằng lập trường chính trị nên đã làmmất đi không ít những giá trị mà đến nay ta ứng xử như một di sản của văn hoá phương Tây, một thành phần giá trị của Hà Nội ngày nay.
Chủ nghĩa thực dân mang đến một nền chính trị phản động, nhưng quá trình giao thoa và tiếp nhận nền văn minh Tây phương tạo ra diện mạo một đô thị hoàn toàn mới và có xu thế hiện đại. Chống chủ nghĩa thực dân, giành lại nền độc lập chính trị, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu phấn đấu và chiến đấu hơn một thế kỷ dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, đánh đổ cả chế độ quân chủ từng tồn tại ngàn năm lẫn chế độ thuộc địa cai trị ngót trăm năm. Và một thành tựu của cuộc cách mạng này lại cũng chính là việc khôi phục lại vị thế Thủ đô của Hà Nội. Và sự phục hưng này gắn với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh.
Một buổi chợ chiều
Nền văn hoá của Thủ đô hiện đại, được xây dựng trong bối cảnh vừa đánh đổ cái cũ lại phải bắt tay vào xây dựng cái mới trong bối cảnh chiến tranh liên miên hơn 3 thập kỷ tiếp theo và trong quá trình dân tộc ta hội nhập với thế giới trong một bối cảnh khắc nghiệt của đời sống chính trị quốc tế phức tạp đã để lại cho ta nhiều bài học sâu sắc.
Biết phân biệt rạch ròi giữa cái cũ và cái mới theo tinh thần mà Bác Hồ đã vạch ra rất rõ ngày từ ngày đầu xây dựng nền Dân chủ-Cộng hoà “không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ...cái gì cũ mà không xấu những phiền phức thì ta phải sửa đổi lại cho hợp lý...Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm ...Cái gì mới mà hay thì ta phải làm...”(Đời Sống mới -1947).
Kể từ sau khi Hà Nội được giải phóng, chúng ta mới có điều kiện thực sự để xây dựng Thủ đô. Thực hiện cái nguyên lý trên trong bối cảnh đất nước chưa giải phóng, vẫn phải tiếp tục mục tiêu thống nhất đất nước không phải là đơn giản.
Không chỉ có chiến tranh mà kể cả những ấu trĩ trong nhận thức và hành động gắn với công cuộc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đã làm mai một phần nào nhiều giá trị tốt đẹp của Hà Nội văn hiến, tạo nên không ít những thay đổi tiêu cực và làm mất mát phần nào những tài sản văn hoá của Thủ đô.
Tuy nhiên sức trưởng thành của Hà Nội vươn lên trong khói lửa chiến tranh về một chủ nghĩa anh hùng cách mạng với những thử thách tiêu biểu của 60 ngày đêm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” (cuối 1946 đầu 1947) hay “12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không”(12-1972) và những thành tựu xây dựng Thủ đô Hà Nội từ một “thành phố tiêu thụ” thời thuộc địa, thành một trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị của cả nước đã tạo nên những nền tảng văn hoá mới gắn với quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá và hội nhập với văn hoá thế giới.
Đó là những thay đổi to lớn mà những thế kỷ trước trong tiến trình ngàn năm không thể có được. Hà Nội từng bước mở rộng về không gian, thu hút các nguồn nhân lực và dân cư từ cả nước. Mối giao lưu văn hoá đươc kích thích bởi những thành tự của công nghệ tác động mạnh mẽ theo cả hai chiều vào diện mạo và đời sống văn hoá của Thủ đô đã tạo nên sự sôi động nhưng cũng nhiều thách đố cho việc phát huy và phát triển những giá trị Văn hiến vốn là cốt cách truyền thống của Thăng Long-Hà Nội.
Nếu như tinh thần của Nghị quyết 5 khoá VIII của Đảng đã khẳng định mục tiêu xây dựng một nền văn hoá tiền tiến đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc ban hành Luật Di sản đã góp phần vào việc gìn giữ và phát huy những giá trị của quá khứ, khắc phục được những sai sót một thời, góp phần tạo nên những diện mạo tương xứng phần nào với một thủ đô ngàn năm tuổi . Vào thời điểm này, khi Thủ đô Hà Nội, theo nghị quyết của Quốc hội đã mở rộng không gian gấp 3 lần và ôm vào trong lòng nó cả một vùng đất giàu truyền thống của Văn hoá Xứ Đoài thì thách đố không đơn giản chỉ là một con tính cộng mà phải tạo ra nguồn lực làm tăng têm hàm lượng và sắc thái văn hoá của Thủ đô.
Tuy nhiên những giá trị văn hoá truyền thống dù quan trọng đến đâu thì trên mặt bằng chung của một đô thị giờ đây đã trở nên rất lớn, tầm mức thế giới, vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu vì nó vừa là một khiếm khuyết của quá khứ vừa là đòi hỏi của hiện tại và tương lai chính là “văn hoá đô thị”.
Cảnh sắc những ngôi làng quanh Hồ Tây
Trong lịch sử nhân loại sự hình thành các đô thị gắn với nhiều nhân tố về chính trị, kinh tế, cư dân những cốt lõi của nó chính là một mô hình (thiết chế xã hội) mang yếu tố dân chủ, khác biệt với thiết chế các công xã, làng xã cổ truyền và phổ biến.
Xuất phát từ nền tảng của một nền kinh tế và xã hội tiểu nông, cái thử thách đầu tiên của các đô thị ở nước ta là nguy cơ bị “nông thôn hoá” đời sống và văn hoá đô thị. Hà Nội từng là và có thể vẫn đang chịu tác động của nguy cơ đó, đặc biệt khi mới dung nạp vào không gian Thủ đô những thành phần và nhân tố “phi đô thị” rất lớn về con người, cơ sở hạ tầng cũng như lối sống và tập quán.
Nhìn vào mọi mặt hoạt động của Hà Nội, chứng ta thấy phổ biến những biểu hiện của nguy cơ này, từ lĩnh vực xây dựng,đến hoạt động thương mại, giao thông cho đến cung cách sinh hoạt và làm việc từ người công chức đến người dân thường..
Lại nhớ lại thời kỳ Hà Nội trở thành thủ đô của nước Việt Nam hiện đại, ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên “những nhiệm vụ cấp bách” phải thực hiện. Bên cạnh những nhiệm vụ như chống giặc đói, giặc dốt, tổ chức tổng tuyển cử để xây dựng Hiến pháp, vị nguyên thủ quốc gia đã để ra một nhiệm vụ cấp bách là “phải giáo dục lại nhân dân”. Để trở thành một công dân của nước Việt Nam độc lập không thể tự nhiên mà thành sau một biến cố chính trị. Nó đòi hỏi sự giáo dục dày công và lâu dài. Đáp ứng điều đó Bác đã phát động Đời Sống Mới (1946), Sửa đổi lối làm việc (1948)... rồi “Người tốt việc tốt”... Liên tưởng đến việc xây dựng Thủ đô, vấn đề con người vẫn là hàng đầu, không thể có một thành phố hiện đại của những con người chưa hiện đại.
Vì thế việc xây dựng “văn hoá đô thị” thực sự trở thành một nhu cầu cấp bách, nó sẽ quyết định thành công của mục tiếu xây dựng một thủ đô hiện đại và đậm đà sắc thái của một Thủ đô đã có bề dày lịch sử ngàn năm tuổi đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới.
Làng chài trên sông Hồng
Dương Trung Quốc