1.Giới thiệu Đình Chu Quyến:
Đình Chu Quyến, còn có tên là đình Chàng, ở làng Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.
Đình lớn nhất xứ Đoài, có ba gian chính và hai gian phụ, dài 30m, bố cục hình chữ nhật. Có tám hàng cột dọc và sáu hàng cột ngang. Bốn cột cái ở gian giữa có chu vi 2m, kê trên bốn viên đá tảng vuông mỗi cạnh 1m. Bốn cột bên có bốn bức tượng gỗ, một người cưỡi hổ, một người cưỡi voi, một người cưỡi ngựa và một người cưỡi con công.
Các vì kèo có cấu trúc theo lối chồng rường, thượng thu hạ cách. Mái lợp ngói ta, bờ nóc có gắn hai hàng gạch, trong đó có một hàng gạch hộp có hoa, các đầu đao uốn cong tạo nên dáng thanh thoát, không nặng nề, trên bờ đầu đao có gắn tượng rồng và dây cuốn. Không có tường vách, trong đình có sàn gỗ chia thành ba tầng cao thấp để phân ngôi thứ trong làng thời xưa.
Gian chính giữa là gian thờ, có cửa võng chạm trổ tinh vi hình hoa, lá, rồng, phượng, trên có ván lát trần.
Điêu khắc đình Chu Quyến gồm nhiều tượng tròn và hoạt cảnh kéo dài, tuy không lớn. Các tượng chim, phượng, người cưỡi báo cao từ 0,6m đến 0,9m, gắn trên các giá đỡ ở cột là các tác phẩm độc lập và hoàn thiện. Trên các xà cốn, ván nong, cửa võng, bàn thờ và tám cánh cửa đều có chạm trổ hoa văn rồng phượng chầu mặt nguyệt, rồng vờn châu ngọc, rồng và người, rồng và hổ, hình chim phượng mẹ và đàn phượng con quấn quýt bên nhau. Cảnh sinh hoạt của con người gồm có cảnh người dắt voi đứng hầu, người uống rượu, cảnh nộp gà cho quan trên, cảnh gảy đàn, hát múa chọi gà, xen kẽ với hình hoa, lá, mây... Chung quanh đình, xây tường thấp bằng mặt sàn, có trổ các ô hình chữ nhật đứng, đỡ hàng lan can bằng gỗ.
Đình thờ Nhã Lang, con trai đầu của Lý Phật Tử và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang.
Chưa rõ niên đại xây dựng, đã qua nhiều lần trùng tu. Theo các chữ ghi trên xà có các niên đại sau : "Lý triều Nhân Tông nguyên niên tạo" (Năm thứ nhất đời Nhân Tông triều Lý dựng), "Bảo Đại thập niên trùng tu" (Trùng tu năm Bảo Đại thứ 10). Trên bia đá trong đình cũng ghi : "Ngày 18 tháng 3 năm Âởt Hợi, niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1935) trùng tu". Theo phong cách điêu khắc của đình, có thể đoán rằng đình được dựng vào thế kỷ XVII.
2.Giải pháp thiết kế với quan điểm bảo tồn nguyên gốc:
- Tất cả những tài liệu ghi chép và đánh giá qua việc tu bổ đình Chu Quyến sẽ được nghiên cứu để từ đó xây dựng một quy trình cụ thể và chi tiết cho tu bổ di tích
- Khi quy trình này được Bộ VH-TT&DL phê duyệt và ban hành, các công trình tu bổ di tích gỗ sau này đều có thể dựa vào đó để thực hiện từng bước một.
- Trước khi bắt tay vào hạ giải, mọi dữ liệu, cấu kiện của di tích đều được lưu giữ đầy đủ bằng hình ảnh, bản vẽ, số liệu... Tất cả các cấu kiện gỗ, những hoa văn, mảng chạm, đầu đao... đều được vá lại rất chi tiết vì thế hầu như không có sự thay mới.
- Sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công nhân xây dựng cùng đội ngũ thợ truyền thống ở các địa phương.
Một số hình ảnh bản vẽ kết cấu gỗ đình chuyền thống
Minh họa một số hình ảnh kết cấu gỗ cần phục hồi nguyên trạng
VietArch biên tập
|