Vào những năm đầu của thế kỷ XXI này, dân số của Thủ đô Hà Nội với 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành đã vượt ngưỡng 3 triệu người (năm 2003 là 3.055.300 người, không kể những người vãng lai). Người ta dễ nhận ra cách gọi xưa về dân Kinh kỳ là “dân tứ chiếng” vẫn còn đúng cho đến tận nay. Vậy thì làm sao hiểu được ai là người “Hà Nội gốc” và đâu là nếp sống của “người Hà Nội”?
Vào những năm đầu của thế kỷ XXI này, dân số của Thủ đô Hà Nội với 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành đã vượt ngưỡng 3 triệu người (năm 2003 là 3.055.300 người, không kể những người vãng lai). Người ta dễ nhận ra cách gọi xưa về dân Kinh kỳ là “dân tứ chiếng” vẫn còn đúng cho đến tận nay. Vậy thì làm sao hiểu được ai là người “Hà Nội gốc” và đâu là nếp sống của “người Hà Nội”?
Phố Hàng đào xưa
Đừng khắt khe đòi hỏi phải sống qua ba, bốn hay năm đời ở Hà Nội mới là người Hà Nội, mà phải là dân nội thành và nhất là ở khu “36 phố phường” mới là “Hà Nội chính gốc” mà thời trước ta vẫn mượn tiếng Tây mà gọi là “Hanoien”.
Khảo sát kỹ những dòng họ nổi tiếng sống lâu đời và thành danh tại đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội này như họ Nguyễn ở đất Trung Tự (xưa là làng nay là khu phố thuộc phường Phương Liên) vốn là phường Đông Tác xưa, thì theo gia phả là người gốc Gia Miêu (Thanh Hoá) ra Đông Đô sau ngày vua Thái Tổ lập triều Lê (thế kỷ XV-XVI), đến nay đã 17 đời. Hoặc như họ Phạm nổi tiếng ở Đông Ngạc cũng gốc làng Đông Biên (Thanh Hoá) ra Thăng Long từ cuối thế kỷ XIV, đến nay cũng đã 18 đời v.v...Vậy thì hãy coi những ai đã và đang sống cùng gia đình, lập nghiệp làm ăn ở Hà Nội là người Hà Nội.
Xa xưa, Hà Nội còn được tiếng là Kẻ Chợ và dân ở đây cũng được gọi nôm là “người dân Kẻ Chợ”. Ta biết rằng trước khi đức Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra nơi đây thì ngoài dấu tích thành Đại La xưa của người phương Bắc lập làm trị sở đã có cộng đồng dân cư người Việt trú ngụ đông đúc làm ăn buôn bán khá trù phú, và thực sự nó là một cái chợ lớn của cả một vùng quanh lưu vực sông Hồng. Vì thế lớp cư dân sớm nhất sống ở đây hẳn là hội tụ từ các làng quê tứ xứ tụ họp để làm ăn, sống thành từng phường hội để mang nghề thủ công và sản vật từ làng quê của mình lên trao đổi buôn bán. Vì thế ngay từ xa xưa đã có khái niệm về “phố phường” (sử chép thời Trần có 71 phố phường, thời Lê có 36 phố phường). Phố là nơi buôn bán, phường là lề lối tổ chức làm ăn. Do vậy Hà Nội vừa là tụ điểm của giới công thương, lại là nơi tụ hội các cộng đồng từ các làng xã lên làm ăn đem theo sản vật và nghề nghiệp, cũng như lối sống cùng cả cái đình làng và tổ nghiệp lên Kẻ Chợ.
Nhưng kể từ thế kỷ XI, khi kinh đô nước Đại Việt đã định vị ở Thăng Long thì không những nơi đây là nơi hội tụ quyền lực của quốc gia với thành quách và bộ máy triều đình, hình thành một tầng lớp quan lại được đào tạo qua thi cử, được tuyển chọn theo học vấn. Một trong những công trình được xây dựng sớm nhất và tiêu biểu nhất của Thăng Long là Văn Miếu - Quốc Tử Giám với nguyên lý dựng nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đã khiến Thăng Long - Hà Nội là nơi quy tụ trí tuệ và nhân tài của cả nước.
Lại đừng quên rằng, vùng đất này từng là trị sở của người phương Bắc, cũng nhờ đó mà tiếp thu được nhiều tinh hoa của nền văn minh Trung Hoa. Khi Đại Việt tự chủ vẫn rộng cửa đón nhận người tứ phương. Rồi gần 7 thập kỷ bị thực dân Pháp chiếm đóng cũng là cơ hội để Hà Nội tiếp nhận những tinh hoa của văn minh Tây phương bổ sung vào tri thức và lối sống của người Hà Nội v.v..
Như vậy, Hà Nội vừa là Kẻ Chợ, vừa là Kinh đô, lại là Trường Thi và là nơi tiếp xúc với các nền văn minh bên ngoài đã tổng hoà qua một thời gian rất lâu dài tạo thành một đặc trưng không nơi nào có được để trở thành cái tinh hoa của riêng mình, cũng là cái tinh hoa tiêu biểu cho một quốc gia. Do vậy mà ý niệm về Văn hiến Thăng Long cũng là cốt cách của Văn minh Đại Việt.
Phố hàng Muối
Rất khó mô tả thành tình tiết thế nào là lối sống Hà Nội nếu không dùng đến một ý niệm chung là sự thanh lịch. Thanh là phẩm chất tự thân của mỗi con người, còn lịch là tính cách trong ứng xử, giao thiệp trong cộng đồng. Cái đặc trưng ấy bắt nguồn từ một vùng địa linh mà vị vua lập đô với con mắt tin anh đã nhận ra khi xuống chiếu dời đô là “chỗ tụ hội trọng yếu của bốn phương... muôn vật giàu thịnh đông vui”.
Còn như ngày nay, chúng ta thường diễn đạt: Hà Nội là nơi tụ hội tinh hoa của cả nước và lan toả tinh hoa ra cả nước. Trong thời đại hội nhập này sự tụ hội và sức lan toả của Hà Nội còn rộng ra với cả thế giới.
Sống đàng hoàng, sống tử tế, sống hào hoa, sống thanh lịch, sống có văn hoá, sống văn minh... tất cả những ý niệm tốt đẹp ấy đều thuộc về lối sống Hà Nội. Và cũng chính vì thế mà mỗi người sống ở Hà Nội phải phấn đấu mới thực sự xứng danh là người Hà Nội. Nói cách khác lối sống của người Hà Nội là phấn đấu không ngừng để giữ được cái vinh danh là người Hà Nội.
Dương Trung Quốc
|