Giữa trăm nghề chọn một nghề, từ năm 12 tuổi, Nguyễn Phương Hùng gắn bó với quai búa, chân đe. Để bây giờ ở tuổi 50, giữa những con phố cổ Hà Nội chật chội, đông đúc, ông vẫn ngồi đó ở căn nhà 26 phố Lò Rèn (Hà Nội) tạo nên những sản phẩm giúp ích cho đời.
|
Giữa phố phường đông đúc, chật hẹp, tấc đất tấc vàng như phố cổ Hà Nội, cửa hàng rộng chừng 2m2 của ông Hùng luôn đỏ lửa |
Nối nghiệp cha, kiên trì với niềm đam mê vẽ nên hình thù như có hồn từ những khối sắt vô tri, Nguyễn Phương Hùng luôn nở nụ cười với cái nghề cơ bắp dường như quá lẻ loi ở khu phố nhộn nhịp như phố cổ Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội sắp bước vào tuổi 1.000 năm, nhưng không ít nghề truyền thống đã và đang bị khai tử trước sự thay đổi của nhu cầu cuộc sống. Thật trân trọng và đáng quý với những con người bình dị đã lưu giữ một phần “sắc màu”, cái hồn đô thị.
|
Nhịp sống thay đổi, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ các lò rèn ngày càng giảm sút nhưng 38 năm qua, ông Hùng vẫn “chung tình” với nghề cha truyền con nối. Trước bao biến bố cuộc đời, nhiều khi đứng trước nguy cơ phải giải nghệ, ông vẫn kiên quyết giữ lại tiệm. Những sản phẩm (mũi khoan phá bêtông) từ đôi bàn tay điêu luyện, cần mẫn của ông vẫn hữu dụng trong đời sống lao động hằng ngày |
|
Bên cạnh người thợ rèn là cửa hàng bán tranh đá quý đắt tiền khiến nhiều người không khỏi ái ngại nghề thợ rèn đang bị mai một |
|
Ấm trà, cốc chén và điếu thuốc lào… - những “người bạn” đã sát cánh cùng ông Hùng suốt 38 năm qua cùng với nghề rèn. Công việc cực nhọc, thu nhập chẳng là bao nhưng ông vẫn giữ được tình yêu, sự lạc quan với sự lựa chọn từ thuở thiếu niên. Điều dễ nhận ra ở người thợ này chính là nụ cười lạc quan luôn thường trực trên khuôn mặt lúc nào cũng lấm lem vì bụi than, hợp chất thải từ sắt |
ANH LÊ
|