Sống trong sợ hãi ở khu phố cổ Hà Nội
(NHN) Trải qua bao thăng trầm, phố phường Hà Nội đã kịp khoác lên mình một bộ áo mới, đây phải chăng là nguyên nhân kéo dài chặng đường đến đích của việc bảo tồn phố cổ Hà Nội.
Từ xa xưa, khu phố cổ gồm ba loại phường thợ chính là phường nông nghiệp, phường thủ công, và phường buôn bán. Mạng lưới đô thị phản ánh rõ rệt cơ cấu tổ chức thành thị cổ xưa gồm các ngành nghề.
Vào thế kỷ thứ 17 và 18, phường nghề thủ công phát triển rất nhanh, nhất là những làng nghề thủ công mỹ nghệ. Những người thợ tài hoa từ khắp nơi được tuyển mộ về Thăng Long, mỗi tên phố lại có những sản phẩm đặc trưng riêng mang tên một nghề nào đó.
Tuy nhiên, nét đặc trưng nhất của khu phố cổ là những ngôi nhà hình ống thấp, mặt tiền hẹp, chiều dọc lớn làm thành những dãy phố. Đó là di sản kiến trúc của một thời mà theo quy định của các vua quan thì “nhà dân không được xây cao hơn chiều cao của kiệu vua đi”.
Phố cổ Hà Nội xưa
Ngoài ra, cũng do nhu cầu sinh sống của cư dân các phường nghề phải dành mặt tiền để làm ăn buôn bán còn phía trong làm nơi ăn ở, sản xuất. Cuộc sống của cư dân phố cổ không chỉ có buôn bán và làm nghề mà còn gắn liền với văn hóa đô thị cổ truyền.
Ngoài các công trình kiến trúc vật thể, di tích của những ngôi chùa cổ, đình cũ, những đền miếu, quán xưa, hay những nhà thờ họ, mà sự hấp dẫn của những khu phố còn là những lễ hội phong phú với phần trình diễn linh thiêng kì lạ.
Những cái tên đền Bạch Mã, chùa Quán Thánh, chùa Một Cột.. luôn hiện hữu trong tâm tưởng của những người yêu Hà Nội. Chỉ bằng vài nét điểm qua đã có thể thấy khu phố cổ đúng là nơi chứa đựng rất nhiều giá trị tiêu biểu của kinh đô Thăng Long nay là Thủ đô Hà Nội.
Qua những biến động lịch sử, một số ngôi nhà cổ đã và đang dần biến dạng và mai một. Cuộc sống của một đô thị hiện đại đổi mới và hội nhập cũng khiến cho Hà Nội không thể giữ để sống nguyên vẹn với các giá trị cổ truyền đó.
Phố cổ không còn mang vẻ yên bình nữa, thay vào đó là sự ồn ào, náo nhiệt của một trung tâm buôn bán nhộn nhịp bậc nhất Thủ đô. Những mặt hàng ở đây không còn gắn với tên phố nữa mà thay vào đó là những khách sạn mini cao tầng, quán ăn, quầy rượu, cửa hàng bán đồ lưu niệm chỉ chuyên phục vụ khách du lịch.
Vấn đề bảo tồn nhà phố cổ luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, bảo tồn những gì? phát triển theo chiều hướng nào? Thực tế là đã có rất nhiều phương án nhưng cho đến giờ dân khu phố cổ vẫn “sống trong sợ hãi” với bao nhiêu dự án “dậm chân tại chỗ”.
Một ngôi nhà cổ luôn trong tình trạng sập bất cứ lúc nào
Đơn cử như ngôi nhà số 47 Hàng Bạc của ông Đỗ Ngọc Thanh, cả gia đình mấy chục con người sống trong ngôi nhà xập xệ giữa trung tâm Thủ đô với cái mác “nhà cổ”, luôn nơm nớp lo sợ nhà sập lúc nào không biết. Để rồi “sửa không được, giữ không xong”.
Mật độ dân số ở khu phố cổ hiện vào hàng cao nhất nước (khoảng 100.000 dân số sống trong khoảng 1km2) . Những hộ gia đình hiện đang sinh sống 20 người trong một ngôi nhà mà trước kia chỉ có 6 người ở, kéo theo đó là hệ quả những ngôi nhà truyền thống vốn mang đặc trưng chung là thấp tầng nay buộc phải trở thành nhà “chuồng cọp” một cách lộn xộn.
Một góc nhà phố cổ bị xuống cấp
Tất nhiên để giúp khu phố cổ bảo tồn được những nét truyền thống mà vẫn bắt kịp sự phát triển của đất nước quả thật là rất khó. Người dân ở đây cần khu phố cổ để kinh doanh và sinh sống, trên thực tế nhà nước có thể hỗ trợ cho họ một chỗ ở rộng rãi hơn nhưng lẽ thường mấy ai lại “bỏ phố về rừng”?
Mặc dù vấn đề bảo tồn vẫn còn là chặng đường dài chưa tới đích nhưng điều có thể làm ngay từ bây giờ là giúp người dân phố cổ, nhất là thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của khu phố cổ nhận thức được rằng cần phải giữ gìn và phát huy những tinh hoa cổ truyền của dân tộc để xứng đáng với truyền thống cha ông để lại.
Dạ Thảo(http://nguoihanoi.com.vn)
|