Những tư liệu quý về quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội từ năm 1873 tới 1954 lần đầu tiên được tập hợp, giới thiệu trước công chúng từ nay tới hết năm.Điều đáng nói là sau hơn một thế kỷ, giới làm quy hoạch hiện tại vẫn có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đây.
Một Hà Nội xưa hài hòa, có điểm nhấn
Đây là lần đầu tiên, các cán bộ thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I “rút” các tư liệu về quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội từ năm 1873 tới 1954 thành một chủ đề. Theo một cán bộ phụ trách khối độc giả tra cứu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, ngoài một số chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước thì lâu nay, không có nhiều người tìm kiếm tư liệu này.
Trong khi đó, với 68 tấm bản đồ Hà Nội và một số văn bản tiêu biểu, Giám đốc Trung tâm Hà Văn Huề cho rằng, đây là những tài liệu có giá trị đặc biệt về mặt sử liệu đối với các nhà nghiên cứu, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội.
Bản đồ HN tỷ lệ 1/10.000 có đánh dấu khu vực không được làm nhà tranh do Sở Công chính lập năm 1928 (Ảnh chụp từ tư liệu của TTLT QG 1- T.Linh)
Từ năm 1873, người Pháp đã đánh dấu sự ảnh hưởng của mình trong việc xác định ranh giới TP Hà Nội và kế hoạch mở rộng, xây dựng Hà Nội thành một TP châu Âu bằng một loạt văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền thuộc địa các cấp. Sau đó, hàng loạt các nghị định của Tổng trú sứ mà sau này là Toàn quyền Đông Dương và Đốc lý Hà Nội, chính quyền thuộc địa đã phân TP làm hai khu vực: dành cho người Âu và người bản xứ.
Từ năm 1895 tới năm 1927, người Pháp tập trung phục vụ tốt nhất cho việc quy hoạch, xây dựng và mở rộng Hà Nội nhằm khuếch trương ảnh hưởng của nước Pháp tại Đông Dương, phục vụ công cuộc viễn chinh của Pháp.
“Chính quyền thuộc địa đã cho sáp nhập nhiều tổng, xã vào TP Hà Nội để mở rộng quỹ đất, tạo thuận lợi cho việc quy hoạch theo kiểu ô bàn cờ, hình thành những đại lộ và khu phố khang trang với tên gọi Khu phố Tây” – ông Huề cho biết.
Thời điểm này, ngoài nhu cầu về sử dụng, người Pháp đã quan tâm nhiều đến thẩm mỹ kiến trúc của từng công trình, tiêu biểu là công trình trường ĐH Đông Dương.
Năm 1928, Tổng thống Pháp có sắc lệnh về quy hoạch và mở rộng các TP ở Đông Dương thì năm 1931, TP Hà Nội đã được giao cho Sở Địa chính nghiên cứu và xây dựng bản đồ quy hoạch, mở rộng theo dự án trước đây của Kiến trúc sư Enest Hébrard.
Theo đó Hà Nội phát triển về phía Tây, lấy các đại lộ xanh làm trục chính, nối các khu vực như khu 36 phố phường, khu hồ Hoàn Kiếm và xây dựng các khu nhà ở cho công chức, khu vui chơi, giải trí.
Đồng thời, có các quy định rất cụ thể về các công trình xây dựng phải tuân thủ đồ án quy hoạch và phải có sự phối hợp, tạo ra điểm nhấn, đô thị cân đối với bố cục chặt chẽ.
Còn từ năm 1946 tới năm 1954, Hà Nội đã gặp phải vấn đề hết sức phức tạp và cấp bách như tái tạo, kiến thiết, đảm bảo trật tự và an ninh, y tế, vệ sinh. “Cũng có một số chương trình quy hoạch TP ra đời nhưng vì nhiều lý do khác nhau, việc quy hoạch hầu hết chỉ nằm trong kế hoạch” – ông Huề nói.
Kinh nghiệm cho quy hoạch Hà Nội mới
Theo Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng Hà Nội, người Pháp có quan điểm quy hoạch rất rõ ràng và thực hiện theo nó đó là: quy hoạch phải đi trước một bước.
Ông Nghiêm cho biết, các bản quy hoạch của họ những năm 1924, 1943 thực sự là những cấu trúc quy hoạch hiện đại nhất thời đó và trở thành xu thế mà nhiều nước, trong đó có Việt Nam hiện tại vẫn đang kế thừa và phấn đấu.
“Đó là cấu trúc đô thị xanh, diện tích vườn xung quanh, mật độ xây dựng thấp, đường phố cây xanh và hạ tầng kiến trúc nhịp nhàng, có điểm nhấn, đặc biệt là không gian công cộng như vườn hoa được đề cao. Có thể kể một số ví dụ như vườn hoa Hàng Đậu, sau này có thêm Bách Thảo…” – ông Nghiêm nói.
Thứ hai, người Pháp đã đưa ra hệ thống giao thông khá hiện đại và đồng bộ với cách bố trí như bàn cờ, trục chính và các trục phụ: Bắc – Nam, Đông – Tây. Ông Nghiêm cho rằng, đây là hệ thống giao thông điển hình mà sau này Hà Nội đã không kế thừa được. Ngoài ra, hệ thống điện, cống ngầm cho tới bây giờ vẫn tận dụng được.
“Cách quy hoạch của người Pháp đã tạo ra một TP xanh, trên cơ sở đó tạo ra nhiều không gian kiến trúc đa dạng nhưng phù hợp với khí hậu Việt Nam. Họ cũng mang kiến trúc địa phương của Pháp sang thành kiến trúc Đông Dương” – ông Nghiêm nói.
Ông Nghiêm cũng cho biết mặt trái của các quy hoạch của Pháp tại Hà Nội, đó là việc phá đi nhiều di tích lịch sử của Hà Nội trước đây như chùa, Tháp Báo Thiên…
Trong khi đó, nguyên Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, ĐH Kiến trúc Hà Nội, Kiến trúc sư Nguyễn Minh Sơn cho rằng, quy hoạch mới phải học từ Pháp cách thiết kế các công trình hạ tầng như cống ngầm hay định hướng không gian ngầm.
“Người Pháp thiết kế hệ thống cống thoát nước chỉ để phục vụ bộ máy chiến tranh của họ mà họ làm tốt, còn chúng ta hiện thiết kế phục vụ dân sinh mà không làm được hệ thống cống hộp. Hạ tầng không ai chịu trách nhiệm, Bộ Xây dựng quy định không rõ thì khi thực hiện đô thị hóa sẽ gây ra ngập lụt thôi” – ông Sơn phân tích.
Quy hoạch mới cũng không có định hướng không gian ngầm rõ ràng, trong khi đây là lối thoát cho giao thông trên bề mặt hiện tại, chưa kể còn nhiều công trình ngầm khác nữa.
Về mặt thực hiện quy hoạch, theo ông Sơn, Pháp dùng cách cai trị nhưng tới thời nay, thì ý thức của người dân khi thực hiện quy hoạch cần phải nâng lên rõ rệt. “Nhà nước cần đưa ra luật nghiêm khắc, chặt chẽ, phạt nặng, đi vào đời sống và quản lý từ dự án trở đi để người dân dựa vào đó để thực hiện” – ông Sơn nêu quan điểm.
Còn theo ông Nghiêm, Đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội tới năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã bước đầu nhìn nhận những giá trị của quy hoạch cũ nhưng chưa thực sự đầy đủ. Như việc bảo tồn khu phố cổ không được cấy thêm các công trình cao tầng vào đây.
Việc quản lý quy hoạch hay rộng ra là quản lý đô thị là yếu tố quan trọng mà quy hoạch mới cần giữ lại. Trong đó, theo các kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Nguyễn Minh Sơn, cần đề cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện quy hoạch. “Đô thị giờ đây không phải chỉ riêng của người quản lý mà nó là của người dân. Nhà nước công khai, cụ thể hóa quy hoạch để người dân tham gia, thực hiện và giám sát” – ông Nghiêm bày tỏ./.
Thái Linh
|