Bộ sưu tập bản đồ cổ Hà Nội và vùng phụ cận mà Thư viện Quốc gia trưng bày gồm 55 bản đồ, có niên đại khác nhau từ năm 1873 đến năm 1965. Các bản đồ được phục chế và số hoá trong khuôn khổ Quỹ Đoàn kết ưu tiên Phát huy hệ thống thư tịch cổ của các nước Đông Nam Á đã cho thấy sự thay đổi đô thị của thủ đô Việt Nam trải qua trong hơn một thế kỷ.
Bản đồ Thành phố Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873. Đây là một trong những bản đồ đẹp nhất của bộ sưu tập.
Nếu như kinh tế thành phố Hà Nội đã chuyển biến rõ rệt từ mười lăm năm trở lại đây, ít ai còn nhớ được rằng thành phố cũng đã mở rộng địa lý với tốc độ rất nhanh. Qua cuộc triển lãm, chúng ta có thể nhận thấy quá trình tiến triển này, cũng như những thay đổi trong cách thể hiện không gian bằng hình ảnh.
Có thể sắp xếp 55 bản đồ này thành 3 phần, tương ứng với giai đoạn lịch sử của Thăng Long Hà Nội:
1. Gồm 19 bản đồ, với bản đồ có niên đại sớm nhất là của Phạm Đình Bách vẽ năm 1873 và 18 bản đồ khác có cùng niên đại Đồng Khánh (1886 – 1888). Có thể coi đây là các bản đồ thuộc loại cổ, do người Việt Nam vẽ, chưa theo tỷ lệ chính xác mà còn mang tính ước lệ. Tuy nhiên, các bản đồ này vẫn cho chúng ta hình dung tương đối về quang cảnh Thăng Long – Hà Nội lúc bấy giờ với những đình, chùa, đền miếu, những khoảng mặt nước ao hồ xanh, và đặc biệt là hình ảnh Hà Nội xây theo kiểu Vauban đầu thời Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn. Các bản đồ này được vẽ trước sau nhau hơn một chục năm nhưng đều hiện lên một hình ảnh phường – thị của Hà Nội chưa có những chuyển biến theo hướng đô thị hóa hiện đại.
2. Phần phong phú nhất của sưu tập này chính là các bản đồ có niên đại từ 1883 đến 1941, phần lớn đều được chú thích bằng tiếng Pháp, do người Pháp vẽ hoặc xuất bản. Đặc điểm đầu tiên nổi bật của các bản đồ này là có phương hướng chính xác, tỷ lệ rõ ràng, theo đúng nguyên tắc vẽ bản đồ hiện đại. Giai đoạn này Hà Nội có những thay đổi về nhiều góc độ: Hà Nội đang dần chuyển mình từ thành phố nhượng địa đến thành phố Hà Nội, Hà Nội được qui hoạch và xây dựng theo kiểu phương tây…Và vì vậy, diện mạo Hà Nội qua những tấm bản đồ cũng có nhiều đổi thay. Nếu trong các bản đồ trước năm 1894, chúng ta còn thấy rất rõ hình ảnh thành Hà Nội vuông vắn, nằm ở phía tây của khu phố cổ thì từ bản đồ 1899 trở đi, bóng hình tòa thành này đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó dần dần là các con phố được qui hoạch dọc ngang hình bàn cờ.
3. Phần thứ ba của sưu tập được bắt đầu bằng tấm bản đồ năm 1945, năm thứ nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây là tấm bản đồ đầu tiên (sắp theo thứ tự thời gian) trong sưu tập được ghi hoàn toàn bằng tiếng Việt, do phòng Công thự toàn Thị chính và phòng ấn loát địa chính thực hiện. Cũng chỉ có 3 bản đồ (1945, 1946 và 1949) có niên đại trước năm 1954 là viết hoàn toàn bằng tiếng Việt, do người Việt in ấn và phát hành.
Bản đồ Hà Nội năm 1945
Ngay trong những ngày đầu trưng bày, triển lãm đã giành được cảm tình của đông đảo bạn đọc tham quan.Trong sổ ghi cảm tưởng của triển lãm, một sinh viên đã viết “Những bản đồ xưa đẹp như những bức tranh quý...cách bài trí triển lãm thật tinh tế với không gian ấn tượng, với hoa cúc vàng, với mùi hương tinh khiết của hoa sứ... “
Một góc trưng bày của triển lãm
Cuộc triển lãm này cho chúng ta một cái nhìn lịch sử xuyên suốt gần một thế kỷ về những biến đổi diện mạo cũng như những bước chuyển mình trong quá trình quy hoạch, xây dựng và đô thị hoá của Hà Nội và vùng phụ cận.Tư liệu bản đồ cũng là một trong nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu về Thăng Long Hà Nội.
|