Đại hội Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Paris từ 17 tháng 10 đến 21 tháng 11 năm 1992, kỳ họp lần thứ 17.
Nhận thấy rằng di sản văn hoá và di sản thiên nhiên ngày càng bị đe doạ huỷ hoại không chỉ do những nguyên nhân đổ nát cổ truyền mà còn do những biến động xã hội và kinh tế làm trầm trọng thêm bằng những hiện tượng gây tổn hại hoặc huỷ hoại còn kinh khủng hơn.
Suy xét rằng sự xuống cấp hoặc biến mất của bất kỳ khoản mục nào của di sản văn hoá và thiên nhiên đều làm cho di sản của mọi dân tộc trên thế giới rơi vào cảnh nghèo nàn tai hại,
Suy xét rằng việc bảo vệ di sản đó ở cấp quốc gia thường hãy còn bất cập do quy mô các phương tiện mà việc bảo vệ đòi hỏi và do tiềm năng kinh tế, khoa học và công nghệ của đất nước nơi toạ lạc di sản cần bảo vệ hãy còn thiếu thốn,
Nhắc lại rằng Hiến chương của UNESCO ước định sẽ bảo vệ, tăng cường và phổ biến tri thức bằng cách chăm lo đến việc bảo tồn và bảo vệ di sản thế giới, bảo đảm các công ước quốc tế cần thiết cho các dân tộc có liên quan,
Suy xét rằng những công ước, khuyến cáo và quyết nghị quốc tế hiện hữu về tài sản văn hoá
và thiên nhiên đã chứng minh tầm quan trọng, đối với mọi dân tộc trên thế giới, của việc giữ gìn
bảo vệ các tài sản đơn nhất, không gì thay thế được này, dù nó thuộc về bất kỳ dân tộc nào,
Suy xét rằng nhiều mảng của di sản văn hoá và thiên nhiên có một tầm quan trọng nổi bật, vì vậy cần phải được bảo tồn như là bộ phận của di sản thế giới của toàn nhân loại,
Xét rằng, đứng trước quy mô và tính chất nghiêm trọng của những hiểm hoạ mới đang đe doạ các mảng đó, bổn phận của toàn thể cộng đồng là phải tham gia vào việc bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên có giá trị nổi tiếng toàn cầu bằng cách cùng nhau ra sức hỗ trợ, tuy rằng không làm thay cho Nhà nước đương sự, song đó sẽ là một cách bổ cứu hữu hiệu,
Đã quyết định, ở kỳ họp thứ mười sáu trước đây rằng vấn đề này sẽ phải là một đề tài trong công ước quốc tế,
Chấp nhận Công ước này, vào hôm nay, ngày thứ Mười sáu tháng Mười một năm 1972.
I. Định nghĩa Di sản Văn hoá và Thiên nhiên
Điều 1
Để đáp ứng mục đích của Công ước này, những loại hình sau đây sẽ được coi như là ''di sản văn hoá'':
Di tích kiến trúc (monuments): các công trình kiến trúc, các công trình điêu khắc và hội hoạ
kiến trúc, các bộ phận hoặc kết cấu có tính chất khảo cổ học, các bi ký, các hang động cư trú và
những bộ phận kết hợp, mà xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi
tiếng toàn cầu;
Nhóm công trình xây dựng (groups of buildings): các nhóm công trình riêng lẻ hoặc liên kết mà, do tính chất kiến trúc, tính chất đồng nhất hoặc vị thế của chúng trong cảnh quan, xét theo quan điểm lịch sử, nghệ thuật hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
Các di chỉ (sites): các công trình của con người hoặc công trình kết hợp giữa con người và thiên nhiên, cũng như các khu vực có các di chỉ khảo cổ học mà xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
Điều 2
Để đáp ứng mục đích của Công ước này, những loại hình sau đây sẽ được coi là ''di sản thiên
nhiên'':
Các cấu tạo tự nhiên (natural features): bao gồm các thành tạo vật lý hoặc sinh học hoặc các nhóm có thành tạo thuộc loại đó mà, xét theo quan điểm thẩm mỹ hoặc khoa học là có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
Các thành tạo địa chất và địa văn (geological ang physiographical formations) và các khu vực được khoanh vùng chính xác làm nơi cư trú cho các loài động vật và thảo mộc bị đe doạ mà, xét theo quan điểm khoa học hoặc bảo tồn là có giá trị nổi tiếng toàn cầu;
Các di chỉ tự nhiên (natural sites) hoặc các khu vực tự nhiên đã dược khoanh vùng cụ thể mà,
xét theo quan điểm khoa học, bảo tồn hoặc vẻ đẹp thiên nhiên là có giá trị nổi tiếng toàn cầu.
Điều 3
Việc của mỗi Quốc gia tham gia Công ước này là xác định và khoanh vùng các tài sản khác nhau nằm trong lãnh địa của mình như đã nói trong Điều 1 và 2 ở trên.
II. Việc Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên ở cấp quốc gia và cấp quốc tế
Điều 4
Mỗi quốc gia tham gia Công ước này công nhận bổn phận đảm bảo việc xác định, bảo vệ, bảo
tồn, hưng phục và chuyển giao cho các thế hệ mai sau di sản văn hoá và thiên nhiên như đã xác
định trong Điều 1 và 2 và toạ lạc trong lãnh địa của mình, trước hết là thuộc về Nhà nước đó. Họ
sẽ nỗ lực đem hết sức mình vận dụng tối đa các tiềm năng có trong tay để thực thi nhiệm vụ này
và, nếu thích đáng, sẽ nhận được sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế, đặc biệt là về tài chính, nghệ thuật,
khoa học và kỹ thuật.
Điều 5
Để đảm bảo có được những biện pháp hữu hiệu và tích cực cho việc bảo vệ, bảo tồn và phục hưng di sản văn hoá và thiên nhiên toạ lạc trên lãnh thổ mình, mỗi quốc gia tham gia Công ước này sẽ nỗ lực, trong mức độ có thể và trong điều kiện thích đáng của từng nước:
a. Tiếp nhận một chính sách chung nhằm quy định một chức năng cho di sản văn hoá và thiên nhiên trong đời sống của cộng đồng và đưa việc bảo vệ di sản đó vào một chương trình quy hoạch tổng thể;
b. Thiết lập, nếu chưa có, trên lãnh thổ mình một hoặc nhiều Vụ, Sở coi về việc bảo vệ, bảo tồn và giới thiệu di sản văn hoá và thiên nhiên với một đội ngũ nhân sự có đủ phương tiện để hoàn thành chức năng;
c. Phát triển việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật và vạch ra tỉ mỉ các phương pháp hành động để cho mỗi Nhà nước có thể đối phó với những hiểm hoạ đe doạ di sản văn hoá và thiên thiên trên đất nước mình;
d. Có những biện pháp thích hợp về luật pháp, khoa học, kỹ thuật, hành chính và tài chính cần thiết cho việc xác định, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và phục hồi di sản đó; và
e. Khuyến khích thiết lập hoặc phát triển các trung tâm đào tạo, quốc gia hoặc địa phương, về bảo vệ, bảo tồn và giới thiệu di sản văn hoá và thiên nhiên, và khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.
Điều 6
1. Các quốc gia tham gia Công ước này, hoàn toàn tôn trọng chủ quyền các Nhà nước có di
sản văn hoá và thiên nhiên, như đã xác định trong Điều 1 và 2, toạ lạc trên lãnh thổ của mình và
không vi phạm vào luật tài sản quy định bởi pháp chế quốc gia, và cũng công nhận rằng tài sản
đó tạo thành một di sản thế giới mà toàn bộ cộng đồng quốc tế phải có bổn phận hợp tác để bảo
vệ.
2. Các quốc gia tham gia cam kết, theo đúng các điều khoản trong Công ước này, sẽ giúp đỡ về mặt xác định, bảo tồn và giới thiệu giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên như ghi trong đoạn 2 và 4 của Điều 11, nếu Nhà nước có di sản trên lãnh thổ của mình yêu cầu.
3. Mỗi quốc gia tham gia Công ước này cam kết không chủ tâm dùng bất kỳ một biện pháp nào có thể làm phương hại trực tiếp hoặc gián tiếp di sản văn hoá và thiên nhiên đã nói trong Điều 1 và 2 toạ lạc trên lãnh thổ của các Nhà nước tham gia Công ước khác.
Điều 7
Để đáp ứng mục đích của Công ước này, cần phải hiểu việc bảo vệ di sản văn hoá và thiên
thiên thế giới ở cấp quốc tế có nghĩa là xác lập một hệ thống hợp tác và hỗ trợ quốc tế nhằm trợ
giúp các Nhà nước tham gia Công ước trong nỗ lực họ triển khai để bảo tồn và xác định di sản
đó.
II. Uỷ ban liên chính phủ Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới
Điều 8
1. Một Uỷ ban Liên chính phủ Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới có giá trị đặc
sắc toàn cầu, gọi là "Uỷ ban Di sản Thế giới", đã được thành lập trong Tổ chức Giáo dục, Khoa
học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO). Uỷ ban sẽ gồm 15 quốc gia tham gia Công ước, do
các quốc gia tham gia họp toàn thể trong kỳ họp bình thường của Đại hội UNESCO sẽ bầu ra. Số
lượng quốc gia thành viên của Uỷ ban sẽ được tăng lên 21 kể từ thời điểm kỳ họp bình thường
của Đại hội sẽ diễn ra sau khi Công ước này có hiệu lực, chí ít đối với 40 quốc gia.
2. Việc bầu ra các thành viên của Uỷ ban phải đảm bảo công bằng về đại diện của các vùng và văn hoá khác nhau trên thế giới.
3. Một đại diện của Trung tâm quốc tế Nghiên cứu việc Bảo tồn và Trùng tu tài sản văn hoá
(Trung tâm Rome), một đại diện của Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) và một
đại diện của Hiệp hội quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Nguồn lợi tự nhiên (IUCN), và theo yêu
cầu của các quốc gia thành viên họp toàn thể trong các kỳ họp bình thường của Đại hội
UNESCO có thể thêm những đại diện của các tổ chức liên chính phủ hoặc phi chính phủ khác,
có những mục tiêu tương tự, họ có thể tham dự các kỳ họp của Uỷ ban với tư cách tư vấn.
Điều 9
1. Nhiệm kỳ của các Quốc gia thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ kéo dài từ cuối kỳ họp
bình thường của Đại hội mà trong đó họ được bầu ra cho đến cuối kỳ họp bình thường lần thứ ba
sau này.
2. Còn nhiệm kỳ của một phần ba thành viên được bầu ở kỳ họp bình thường lần thứ nhất sẽ kết thúc vào cuối kỳ họp bình thường lần thứ nhất của Đại hội sẽ diễn ra sau kỳ họp mà họ được bầu; và nhiệm kỳ của một phần ba thành viên còn lại sẽ kết thúc vào cuối kỳ họp bình thường lần thứ hai của Đại hội sẽ diễn ra sau kỳ họp mà họ được bầu. Tên của các thành viên đó sẽ do Chủ tịch Đại hội UNESCO chọn bằng bốc thăm sau kỳ họp lần thứ nhất.
3. Các Quốc gia thành viên Uỷ ban sẽ chọn những người am hiểu trong lĩnh vực di sản văn hoá và thiên nhiên làm đại diện cho mình.
Điều 10
1. Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ thông qua Nội quy của mình.
2. Uỷ ban có thể mời bất cứ lúc nào các tổ chức quần chúng hoặc tư nhân hoặc cá nhân tham gia các hội nghị của Uỷ ban để tham vấn về những vấn đề đặc biệt.
3. Uỷ ban có thể lập ra những cơ quan tư vấn nếu thấy cần thiết cho việc thực thi chức năng của mình
Điều 11
1. Mỗi Quốc gia tham gia Công ước sẽ hết sức cố gắng nộp cho Uỷ ban Di sản Thế giới một
danh mục các tài sản hợp thành di sản văn hoá và thiên nhiên toạ lạc trên lãnh thổ của mình và
có thể đưa vào được danh sách như nói ở phần 2 của Điều này. Danh mục này, hẳn chưa được
coi là thật đầy đủ, phải bao gồm hồ sơ tư liệu về địa điểm các tài sản và ý nghĩa của chúng.
2. Trên cơ sở danh mục do các Quốc gia nộp, theo đúng phần 1 của Điều này, Uỷ ban sẽ kịp thời lập và cho xuất bản ''Danh sách Di sản Thế giới''. Đây là các tài sản thuộc di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, như đã xác định trong Điều 1 và 2 của Công ước này, mà Uỷ ban xét thấy có giá trị đặc sắc toàn cầu, theo những tiêu chí được Uỷ ban xác lập. Một danh sách cập nhật sẽ được phân phát ít nhất hai năm một lần.
3. Việc đăng ký tài sản vào Danh sách Di sản Thế giới phải được sự thoả thuận của Nhà nước liên quan. Việc đăng ký tài sản nằm trên một lãnh địa mà chủ quyền và quyền tài phán bị nhiều quốc gia khiếu nại phải là không làm phương hại đến quyền lợi của các bên tranh chấp.
4. Uỷ ban sẽ kịp thời lập và cho xuất bản, khi tình thế đòi hỏi một ''Danh sách Di sản Thế giới đang lâm nguy'', là các tài sản nằm trong Danh sách Di sản Thế giới mà việc bảo tồn cần phải có những thao tác đại quy mô và cần phải có sự hỗ trợ như đã được yêu cầu trong Công ước này. Danh sách sẽ có kèm một dự trù kinh phí cho các thao tác đó. Danh sách chỉ bao gồm những tài sản thuộc di sản văn hoá và thiên nhiên mà bị de doạ bởi những hiểm hoạ nghiêm trọng và cụ thể, ví như đe doạ bị biến tích (biến mất) do tốc độ suy thoái nhanh chóng, do các dự án công cộng hoặc tư nhân quy mô lớn hoặc do các dự án phát triển đô thị và du lịch nhanh chóng; huỷ hoại do những đổi thay trong việc sử dụng hoặc quyền tư hữu đất đai những biến đổi lớn do những nguyên nhân ẩn tàng (không biết được); bỏ hoang phế vì những lý do nào đó; sự bùng nổ hoặc mối đe doạ của một cuộc xung đột vũ trang; thiên tai và tai biến; những vụ hoả hoạn nghiêm trọng, động đất, lở đất; phun trào núi lửa; mực nước dâng lên, lũ lụt, sóng cồn... Uỷ ban, bất kỳ lúc nào và trong trường hợp cấp bách, có thể ghi thêm mục tài sản vào Danh sách Di sản Thế giới đang lâm nguy và công bố mục đó ngay tức khắc.
5. Uỷ ban sẽ xác định tiêu chí để một tài sản thuộc di sản văn hoá và thiên nhiên có thể được đưa vào một trong hai danh sách nói trong phần 2 và 4 của Điều này.
6. Trước khi từ chối một yêu cầu được ghi nhập tài sản vào một trong hai danh sách nói trong phần 2 và 4 của Điều này, Ủy ban sẽ tham vấn quốc gia tham gia có tài sản văn hóa và thiên nhiên (được yêu cầu) đó toạ lạc trên lãnh thổ của mình.
7. Uỷ ban, với sự thoả thuận của những Quốc gia liên quan, sẽ phối hợp và khuyến khích những nghiên cứu tìm tòi cần thiết cho việc lập ra các danh sách như đã nói trong phần 2 và 4 của Điều này.
Điều 12
Sự thể mà một tài sản thuộc di sản văn hoá hoặc thiên nhiên không được ghi vào một trong hai danh sách nói trong phần 2 và 4 của Điều 11 không hề có nghĩa là tài sản đó không có một giá trị đặc sắc toàn cầu đối với những mục đích khác so với mục đích đối với các tài sản được ghi trên các danh sách kia.
Điều 13
1. Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ thu nhận và nghiên cứu các yêu cầu cần sự hỗ trợ quốc tế vốn đã được Các Quốc gia tham gia Công ước này ấn định rõ ràng đối với tài sản thuộc di sản văn hoá hoặc thiên nhiên toạ lạc trên lãnh thổ của họ, và đã được đưa vào hoặc có khả năng được đưa vào các danh sách như đã nói trong phần 2 và 4 Điều 11. Mục đích của các yêu cầu đó có thể là để đảm bảo có được sự bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu giá trị hoặc phục hồi các tài sản kia.
2. Các yêu cầu có sự hỗ trợ quốc tế nói trong phần 1 của Điều này cũng có thể có liên quan tới việc xác định tài sản văn hoá hoặc thiên nhiên được xác định trong các Điều 1 và 2, khi những yêu cầu đó đã được khảo sát sơ bộ để minh chứng cho việc cần phải tiếp tục điều tra.
3. Uỷ ban sẽ quyết định việc cần phải làm đối với những yêu cầu đó, sẽ xác định, khi thích hợp, tính chất và mức độ hỗ trợ của Uỷ ban và sẽ uỷ quyền cho chính phủ có liên quan đưa ra kết luận của những dàn xếp cần thiết đã tiến hành với chính phủ đó.
4. Uỷ ban sẽ xác định một trật tự ưu tiên cho hành sự của mình. Trong hành sự, Uỷ ban sẽ luôn lưu tâm đến tầm quan trọng tương ứng của tài sản yêu cầu được bảo vệ đối với di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, đến sự cần thiết phải có hỗ trợ quốc tế cho tài sản có tính tiêu biểu nhất của môi trường tự nhiên hoặc của thiên tài và lịch sử các dân tộc trên thế giới, đến tính cấp thiết của công việc phải làm, đến các nguồn lực có sẵn của các Quốc gia có tài sản bị đe doạ trên lãnh thổ của mình và đặc biệt là đến mức độ các quốc gia có khả năng giữ gìn bảo vệ tài sản đó bằng phương thức riêng của mình.
5. Uỷ ban sẽ vạch ra, duy trì tính cập nhật và công bố một danh sách các tài sản đã được hưởng tài trợ quốc tế.
6. Uỷ ban sẽ quyết định việc sử dụng các nguồn của Quỹ được thành lập theo Điều 15 của Công ước này. Uỷ ban sẽ tìm cách gia tăng các nguồn đó và sẽ thực thi mọi phương thức hữu dụng nhằm mục tiêu này.
7. Uỷ ban sẽ hợp tác với chính quyền quốc tế và quốc gia và với những tổ chức phi chính phủ có mục tiêu tương tự với mục tiêu của Công ước này. Để thực thi các chương trình và dự án của mình, Uỷ ban có thể kêu gọi những tổ chức đó, đặc biệt là Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu việc Bảo tồn và Trùng tu Tài sản Văn hoá (Trung tâm Rome), Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) và Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên và Tài nguyên (IUCN), cũng như các tổ chức công cộng và tư nhân và các cá nhân.
8. Các quyết định của Uỷ ban phải được một đa số trong hai phần ba thành viên có mặt và biểu quyết tán thành. Đa số thành viên của Uỷ ban là số đại biểu cần thiết.
Điều 14
1. Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ có một Ban Thư ký giúp việc do Tổng Giám đốc UNESCO bổ
nhiệm.
2. Tổng Giám đốc UNESCO tận dụng tối đa các phần việc trong các lĩnh vực chuyên môn và khả năng của Tung tâm Quốc tế Nghiên cứu việc Bảo tồn và Trùng tu Tài sản Văn hoá (Trung tâm Rome), Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS) và Hiệp hội Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên và Tài nguyên (IUCN) để chuẩn bị hồ sơ tư liệu, chương trình nghị sự các cuộc họp của Uỷ ban và đảm bảo việc thực thi các quyết định của Uỷ ban.
IV. Quỹ Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới
Điều 15
1. Lập ra một Quỹ Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới có giá trị đặc sắc toàn cầu, gọi là ''Quỹ Di sản Thế giới''.
2. Quỹ này sẽ là một quỹ uỷ thác (trust fund), theo đúng các điều khoản trong Quy tắc Tài chính của UNESCO.
3. Nguồn tài chính của Quỹ bao gồm:
a. Những đóng góp bắt buộc hoặc tự nguyện của các Quốc gia tham gia Công ước;
b. Các đóng góp, tiền biếu hoặc tiền di tặng có thể có của những Quốc gia khác; UNESCO, các tổ chức khác trong hệ thống Liên Hợp Quốc, đặc biệt là chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và những tổ chức phi chính phủ khác; các cơ quan công cộng hoặc tư nhân hoặc các cá nhân;
c. Mọi lãi suất có được từ nguồn tài chính của Quỹ;
d. Tiền quyên góp và thu nhập từ các hoạt động tổ chức gây Quỹ;
e. Mọi nguồn khác được quy chế, do Uỷ ban Di sản Thế giới vạch ra, cho phép.
4. Các đóng góp vào Quỹ và các hình thức hỗ trợ khác cung cấp cho Uỷ ban chỉ được sử dụng
vào những mục đích do Uỷ ban xác định. Uỷ ban có thể nhận những đóng góp để chỉ sử dụng
vào một chương trình hoặc dự án đặc biệt nào đó, với diều kiện là việc thực thi chương trình
hoặc dự án đó đã được Uỷ ban quyết định. Các đóng góp vào Quỹ không được gắn với điều kiện
chính trị nào.
Điều 16
1. Không kể đến phần tự nguyện đóng góp thêm, các Quốc gia tham gia Công ước này cần
phải đóng góp đều đặn, hằng hai năm một, cho Quỹ Di sản Thế giới; số tiền này, theo một tỷ lệ
đồng nhất áp dụng cho mọi Quốc gia, sẽ được Đại Hội đồng các Quốc gia Tham gia Công ước
xác định trong các kỳ họp Đại hội UNESCO. Quyết định của Đại Hội đồng phải được đa số các
Quốc gia Tham gia có mặt và biểu quyết, nếu các Quốc gia đó không có tuyên bố gì như nói
trong phần 2 của Điều này. Trong bất kỳ trường hợp nào, phần đóng góp bắt buộc của các Quốc
gia Tham gia Công ước cũng không được vượt quá 1% phần đóng góp của họ vào ngân sách
bình thường của UNESCO.
2. Tuy nhiên, mỗi Quốc gia được kể trong Điều 31 hoặc Điều 32 của Công ước này có thể tuyên bố, khi nộp các văn bản phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập, là không bị ràng buộc bởi những quy định trong phần 1 của Điều này.
3. Một Quốc gia Tham gia Công ước nào đã ra tuyên bố nói trong phần 2 Điều này có thể bất kỳ lúc nào rút lời tuyên bố đó bằng cách thông báo cho Tổng Giám đốc UNESCO. Tuy nhiên, việc rút lời tuyên bố sẽ không có hiệu lực gì đối với phần đóng góp bắt buộc của Quốc gia đó cho đến thời điểm Đại Hội đồng tiếp sau đó của các Quốc gia Tham gia Công ước.
4. Để Uỷ ban có thể hoạch định có hiệu quả hoạt động của mình, phần đóng góp của những Quốc gia Tham gia Công ước đã có tuyên bố như trong phần 2 Điều này vẫn phải được thực thi đều đặn, chí ít hai năm một lần, và không được kém hơn phần đóng góp họ vốn phải chi nếu như bị ràng buộc bởi các điều kiện trong phần 1 của Điều này.
5. Bất kỳ một Quốc gia Tham gia Công ước nào mà chậm trễ trong việc đóng góp bắt buộc
hoặc tự nguyện trong năm đó và năm dương lịch kề ngay trước thì sẽ không đủ tư cách làm
Thành viên của Uỷ ban Di sản Thế giới, tuy rằng điều kiện này là không áp dụng đối với cuộc
bầu cử đầu tiên.
Nhiệm kỳ của Quốc gia đó, vốn đã là thành viên của Uỷ ban, sẽ chấm dứt vào các kỳ họp đã nói trong Điều 8, phần 1 của Công ước này.
Điều 17
Các Quốc gia Tham gia Công ước này sẽ cân nhắc hoặc khuyến khích thành lập các tổ chức hoặc hiệp hội quốc gia, công và tư, nhằm động viên đóng góp vào việc bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên như đã được xác định trong Điều 1 và 2 của Công ước này.
Điều 18
Các Quốc gia Tham gia Công ước này sẽ ra sức hỗ trợ các chiến dịch gây quỹ quốc tế do Quỹ Di sản Thế giới tổ chức dưới sự bảo trợ của UNESCO. Họ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quyên góp do các tổ chức nói trong phần 3 Điều 15 tiến hành vì mục đích gây quỹ này.
V. Điều kiện và cách Sắp xếp Hỗ trợ Quốc tế
Điều 19
Mọi Quốc gia Tham gia Công ước này có thể yêu cầu sự hỗ trợ quốc tế đối với tài sản thuộc di sản văn hoá hoặc thiên nhiên có giá trị đặc sắc toàn cầu nằm trên lãnh thổ mình. Họ sẽ phải kèm theo đơn yêu cầu những thông tin và hồ sơ tư liệu, như đã nói trong điều 21, mà họ có trong tay để Uỷ ban có thể đi đến một quyết định.
Điều 20
Dưới các điều kiện ở phần 2 Điều 13, tiểu phần (c) của Điều 22 và Điều 23, sự hỗ trợ quốc tế như quy định trong Công ước này chỉ có thể được cấp cho tài sản thuộc di sản văn hoá và thiên nhiên mà Uỷ ban Di sản Quốc tế đã quyết định, hoặc có thể quyết định, đưa vào một trong các danh sách đã đề ra trong phần 2 và 4 Điều 11.
Điều 21
1. Uỷ ban Di sản Thế giới sẽ xác định thủ tục khảo xét các yêu cầu được hỗ trợ quốc tế, các bên yêu cầu phải nêu cụ thể rõ ràng nội dung yêu cầu, phải xác định thao tác dự kiến, các công việc cần thiết, dự trù phí tổn, mức độ khẩn cấp và lý do tại sao nguồn lực của Quốc gia yêu cầu hỗ trợ lại không cho phép đáp ứng các chi phí. Các yêu cầu hỗ trợ phải được ý kiến ủng hộ của chuyên gia, mỗi khi có thể được.
2. Những yêu cầu xuất phát từ bị tai hoạ hoặc thiên tai, do phải có hành động cứu trợ khẩn cấp, phải được Uỷ ban xét tức thời vì ưu tiên và Uỷ ban phải có một quỹ dự trữ sẵn sàng cho những tình huống đó.
3. Trước khi có quyết định, Uỷ ban sẽ tiến hành những nghiên cứu và tham vấn khi thấy cần
thiết.
Điều 22
Sự hỗ trợ của Uỷ ban Di sản Thế giới có thể cấp dưới những hình thức sau:
a. Những nghiên cứu về các vấn đề mỹ thuật, khoa học và kỹ thuật nảy sinh từ việc bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu giá trị và phục hồi di sản văn hoá và thiên nhiên, như đã xác định trong phần 2 và 4 Điều 11 của Công ước này;
b. Cung cấp chuyên gia, kỹ thuật viên và lao động lành nghề để đảm bảo để thực thi đúng đắn dự án đã được chấp nhận;
c. Đào tạo các nhà chuyên môn ở đủ mọi trình độ trong lĩnh vực xác định, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu giá trị và phục hồi di sản văn hoá và thiên nhiên;
d. Cung cấp thiết bị mà Quốc gia có liên quan không có trong tay hoặc không có điều kiện để có được;
e. Cho vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất những khoản có thể hoàn trả dài hạn;
f. Trong những trường hợp đặc biệt hoặc vì những lý do đặc biệt, tài trợ những khoản không phải hoàn lại.
Điều 23
Uỷ ban Di sản Thế giới cũng có thể có sự hỗ trợ quốc tế cho các Trung tâm quốc gia hoặc khu vực về đào tạo các nhà chuyên môn ở tất cả các trình độ trong lĩnh vực xác định, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu giá trị và phục hồi di sản văn hoá và thiên nhiên.
Điều 24
Một sự hỗ trợ quốc tế trên quy mô lớn chỉ có thể được cung cấp sau khi có những nghiên cứu khoa học, kinh tế và kỹ thuật chi tiết. Những nghiên cứu này phải sử dụng những kỹ thuật tiên tiến thất về bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu giá trị và phục hồi di sản văn hoá và thiên nhiên và phải phù hợp với mục tiêu của Công ước. Việc nghiên cứu cũng phải tìm cách sử dụng hợp lý các nguồn lực có sẵn trong Quốc gia có liên quan.
Điều 25
Trên nguyên tắc chung, cộng đồng quốc tế sẽ gánh chịu một phần phí tổn cho các công việc cần thiết. Quốc gia được hưởng sự hỗ trợ quốc tế phải tham gia chia sẻ một phần có thực chất các nguồn lực dành cho mỗi chương trình hoặc dự án, trừ phi họ không được phép.
Điều 26
Uỷ ban Di sản Thế giới và Quốc gia nhận hỗ trợ sẽ xác định trong một bản thoả thuận được ký kết giữa hai bên những điều kiện theo đó một chương trình hoặc dự án được hưởng hỗ trợ quốc tế, theo các điều khoản của Công ước này, phải thực hiện.
VI. Chương trình giáo dục
Điều 27
1. Các Quốc gia Tham gia Công ước này, bằng mọi phương tiện thích hợp và đặc biệt là bằng
các chương trình giáo dục và thông tin, sẽ nỗ lực tăng cường lòng tôn trọng và gắn bó của dân
chúng đối với di sản văn hoá và thiên nhiên đã được xác định trong Điều 1 và 2 của Công ước.
2. Họ cần chú ý thông tin rộng rãi cho công chúng biết những hiểm hoạ đang đe doạ di sản đó và các hoạt động cần tiến hành theo Công ước này.
Điều 28
Các Quốc gia Tham gia Công ước này mà nhận được sự hỗ trợ quốc tế theo Công ước này sẽ phải có những biện pháp thích ứng giải trình tầm quan trọng của tài sản đã được hỗ trợ và vai trò của sự hỗ trợ đó.
VII. Báo cáo
Điều 29
1. Các Quốc gia Tham gia Công ước này, trong các báo cáo nộp cho Đại hội UNESCO theo thời hạn và hình thức do UNESCO quy định, sẽ ghi rõ các điều quy định về pháp chế và hành chính và những biện pháp khác mà họ đã vận dụng để áp dụng Công ước này, và cả kinh nghiệm mà họ đã thu thập được trong lĩnh vực này.
2. Các báo cáo đó sẽ được thông báo cho Uỷ ban Di sản Thế giới.
3. Uỷ ban sẽ đệ trình một báo cáo về hoạt động của mình vào mỗi kỳ họp bình thường của Đại hội UNESCO.
VIII. Các điều khoản cuối cùng
Điều 30
Công ước này được in ra bằng tiếng Arập, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, năm bản đều có giá trị thực tế như nhau.
Điều 31
1. Công ước này sẽ phải được các Quốc gia thành viên của UNESCO phê chuẩn hoặc chấp nhận theo đúng các thủ tục hợp hiến của mỗi nước.
2. Các văn bản phê chuẩn hoặc chấp nhận sẽ được gửi đến Tổng Giám đốc UNESCO.
Điều 32
1. Công ước này sẽ để ngỏ cửa gia nhập cho tất cả những Quốc gia không phải là thành viên của UNESCO mà được Tổng Giám đốc UNESCO mời gia nhập.
2. Việc gia nhập sẽ được thực thi bằng một văn bản xin gia nhập gửi đến Tổng Giám đốc UNESCO.
Điều 33
Công ước này sẽ có hiệu lực ba tháng sau thời điểm văn bản phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia
nhập thứ hai mươi được gởi đến, song chỉ đối với những Quốc gia đã gửi văn bản phê chuẩn,
chấp nhận hoặc gia nhập của mình vào thời điểm đó hoặc trước thời điểm đó. Công ước sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ một Quốc gia nào ba tháng sau khi văn bản phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập của họ được gửi đến.
Điều 34.
Những điều quy định sau đây sẽ được áp dụng đối với những Quốc gia Tham gia Công ước có một chế độ hiến pháp liên bang hoặc không hợp nhất (non - unitary):
a. Về các điều khoản của Công ước mà việc thực hiện tuỳ thuộc vào quyền lực pháp lý của quyền lập pháp liên bang hoặc trung ương, thì nghĩa vụ của chính quyền liên bang hoặc trung ương cũng giống như đối với các Quốc gia Tham gia không phải là Nhà nước liên bang;
b. Về các điều khoản của Công ước mà việc thực hiện tuỳ thuộc vào quyền lực pháp lý của từng Bang, từng nước, từng tỉnh hoặc tổng (tổng hay bang Thụy Sỹ, hay tỉnh (Luxembourg)) vốn không bị ràng buộc bởi chế độ hiến pháp của liên bang, thì chính quyền liên bang sẽ thông báo cho các quan chức có thẩm quyền ở các bang, nước, tỉnh hoặc tổng đó về các điều khoản vừa nói kèm ý kiến thuận lợi của mình.
Điều 35
1. Mỗi Quốc gia Tham gia Công ước có quyền bác bỏ Công ước này.
2. Việc bác bỏ sẽ được thông báo bằng một văn bản viết gửi đến Tổng Giám đốc UNESCO.
3. Việc bác bỏ sẽ có hiệu quả mười hai tháng sau khi nhận được văn bản bác bỏ. Việc đó sẽ
không thay đổi gì nghĩa vụ tài chính của Quốc gia bác bỏ cho đến chừng nào sự thu hồi có hiệu
lực.
Điều 36
Tổng Giám đốc UNESCO sẽ thông báo cho các Quốc gia thành viên UNESCO, các nhà nước không phải là thành viên như nói trong Điều 32, và cả Liên Hợp quốc việc cất giữ các văn bản phê duyệt, chấp nhận hoặc gia nhập đã quy định trong Điều 31 và 32, và các văn bản bác bỏ đã quy định trong Điều 35.
Điều 37
1. Công ước có thể được sửa đổi bởi Đại hội UNESCO. Tuy nhiên, mọi sửa đổi đó chỉ ràng buộc những Quốc gia Tham gia của Công ước đổi mới.
2. Trong trường hợp mà Đại hội sẽ chấp nhận một công ước mới sửa đổi toàn bộ hoặc từng
phần Công ước này và nếu công ước mới không có quy định gì khác, thì Công ước này sẽ không
còn để ngỏ cho việc phê chuẩn, chấp nhận hoặc gia nhập từ thời điểm công ước mới sửa đổi có
hiệu lực.
Điều 38
Theo đúng Điều 102 Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước này sẽ đăng ký với Ban Thư ký Liên Hợp Quốc theo yêu cầu của Tổng Giám đốc UNESCO.
Lập tại Paris, ngày 23 tháng 11 năm 1972, thành hai bản xác thực có chữ ký của Chủ tịch Đại hội kỳ thứ mười bảy và của Tổng Giám đốc UNESCO, và sẽ được đưa vào hồ sơ lưu trữ của UNESCO, và các bản sao xác nhận đúng của Công ước này sẽ được gửi cho các Quốc gia nói trong Điều 31 và 32 và cũng gửi cho Liên Hợp Quốc.
Nguồn tin: Viện bảo tồn di tích sưu tầm
|