NGÕ HÀI TƯỢNG
Nguyễn Vinh Phúc
1. Vị trí
Ngõ Hài Tượng ở đầu nhà số 24 phố Tạ Hiện. Cuối ngõ dễ dàng ra được phố Lương Ngọc Quyến (và có thể ra được phố Hàng Bạc - nhà cụ Chân Hưng, số 86). Nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Đây nguyên là phần đất của thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương xưa. (Đến giữa thế kỉ XIX thôn này nhập vào thôn Dũng Thọ, tổng Hữu Túc đổi là tổng Đông Thọ).
Thời Pháp thuộc là "ruelle Hài Tượng" (ngõ Hài Tượng). Nhân dân thường gọi là ngõ Hàng Giầy.
2. Lịch sử
Trong trường hợp này, "Hài" nghĩa là giày dép, "Tượng" nghĩa là người thợ
.
Thôn Hài Tượng vốn là nơi trú ngụ của những người thợ làm giầy da, dép da và hàng da nói chung.
Những người thợ giầy ở đây vốn quê ở vùng làng Chắm (nay thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương), lên Thăng Long hành nghề từ những thế kỉ XVII, XVIII. Ban đầu họ quây quần ở đất Hài Tượng này, về sau một số người dời xuống trú ngụ ở đất thôn Tả Khánh nay là chỗ ngõ Hàng Hành. Cả hai nơi, họ đều lập đình thở tổ nghề giầy dép da. Cho nên hiện nay ở ngõ Hài Tượng (nhà số 16), và ở ngõ Hàng Hành (nhà số 40) đều là đình thờ ba vị tổ nghề, là Phạm Đức Chính, Phạm Sĩ Bân, Phạm Thuần Chính (Trong thực tế, những người này có thể đã cải tiến kĩ thuật thuộc da, và sáng chế những mẫu giầy dép mới. Chứ nghề da ở nước ta có từ lâu đời (Trong các ngôi mộ cổ cách nay một, hai ngàn năm đã có những đồ tùy táng bằng da thuộc).
Ngôi đình Hài Tượng này là do dân làng Chắm Giữa (tức Phong Lâm) lập ra. Ngôi đình ở phố Hàng Hành là của dân làng Chắm Trên (Văn Lâm).
(PHỐ VÀ ĐƯỜNG HÀ NỘI - Nhà xuất bản Giao thông vận tải - Năm 2004)
|