Một đoạn phố Tạ Hiện, Hà Nội sắp được chỉnh trang mặt tiền nhằm “tôn” nét đẹp, phát huy tác dụng với công tác bảo tồn và phát triển du lịch. Người dân đang hy vọng việc này sẽ không “nửa dơi nửa chuột”.
|
Một góc phố Tạ Hiện
|
Chủ đầu tư dự án "Bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang thí điểm một đoạn phố Tạ Hiện" là Ban quản lý (BQL) phố cổ Hà Nội đơn vị tư vấn là Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng. Dự án này còn nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia từ TP. Toulouse (Pháp).
Bảo tồn kiến trúc đặc trưng
Theo chị Hoàng Lan - BQL phố cổ, trên đoạn phố Tạ Hiện từ điểm giao phố Lương Ngọc Quyến đến ngõ Đào Duy Từ, bên dãy chẵn gồm các nhà từ số 8 đến 18, bên dãy lẻ gồm các nhà từ số 5 đến số 27 sẽ được cải tạo chỉnh trang mặt đứng gồm kích thước cửa chính tầng 1, vị trí đặt máy điều hoà nhiệt độ, biển hiệu quảng cáo, hệ thống thoát nước, màu sơn mặt đứng, màu sơn cửa, mái…
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kỹ thuật trên đoạn phố này cũng sẽ được cải tạo như điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng, hệ thống cấp thoát nước, bố trí bãi đỗ xe, xử lý mặt đường, hệ thống thông tin liên lạc, cây xanh…
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Hà Nội Giang Quân cũng cho rằng, dự án này hợp lý, vấn đề là thực hiện thế nào, ví dụ cột điện mà vẫn để lồi ra trước nhà là không nên. Và đã làm thì nên làm hết cả phố.
Ban quản lý và các nhà tư vấn hy vọng, sau khi chỉnh trang, dự án sẽ tạo ra điểm nhấn kiến trúc và du lịch ẩm thực đối với du khách, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân thông qua việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật, giảm mật độ xây dựng, tăng thêm khoảng sân trời…
Song song với đó vẫn bảo tồn kiến trúc đặc trưng của con phố. Tạ Hiện là phố còn lại nhiều nhà có kiến trúc đồng nhất theo kiểu kiến trúc thuộc địa. Hiện nay, đây cũng là một trong những phố sôi động nhất với nhiều hàng ăn uống, đồ thủ công, lưu niệm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại những năm qua đã có những ảnh hưởng nhất định đến kiến trúc phố cổ Tạ Hiện.
Phải làm "cuốn chiếu"
Thời gian qua, nhiều người dân đã bàn luận, góp ý xung quanh các mẫu trưng bày và phương án chỉnh trang, cải tạo mặt phố. Trong đó có nhiều suy nghĩ thiết thực, xuất phát từ thực tế sinh hoạt và làm việc của người dân. Bà Lý Ngọc Phương ở số 10 Tạ Hiện băn khoăn: “Cửa hàng nhà tôi mặt tiền chỉ có 1,9m, bây giờ làm cửa thế nào để không bị vướng và mất thêm diện tích?”.
|
Người dân xem mô hình phố Tạ Hiện
|
Theo bà Ngô Ánh Ngọc ở số nhà 17, nếu nhà nước đã chỉnh trang mặt tiền thì nên làm cả tuyến phố chứ đừng chỉ làm một đoạn. Hơn nữa, theo bà Ngọc, đoạn sắp được cải tạo đã được nhiều gia đình làm ăn buôn bán, mở nhà hàng, bán quà lưu niệm… sửa chữa, làm đẹp khá đàng hoàng. Còn đoạn chưa định sửa thì lại hơi lộn xộn nhọ nhem, rất cần được chỉnh trang. "Lẽ ra nên làm đoạn này trước!" - bà Ngọc nhấn mạnh.
Nhiều người cho rằng, không nên gọi là thí điểm, đã chỉnh trang là làm thật, cho nên phải nghiên cứu thật kỹ và trong quá trình thực hiện cũng không để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và làm việc của nhân dân. Đặc biệt là kế hoạch, thời gian chỉnh sửa cần có sự thống nhất với các gia chủ và tiến hành nhanh gọn, làm đến đâu xong đến đấy. Nếu để dây dưa, kéo dài như làm ống cống, lát vỉa hè trước đây thì dân lại phải chịu khổ.
Đến xem phương án chỉnh trang, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Hà Nội Giang Quân cũng cho rằng, dự án này hợp lý, vấn đề là thực hiện thế nào, ví dụ cột điện mà vẫn để lồi ra trước nhà là không nên. Và đã làm thì nên làm hết cả phố. Ngoài các mặt tiền thì chỗ nào khác còn nham nhở cũng nên sửa, đảm bảo sự đồng bộ và khuôn mặt chung thoáng đãng cho cả dãy phố.
Dương Xuân
|