Đình Thanh Hà là ngôi đình của thôn Thanh Hà, toạ lạc tại số 10 Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, thờ đại vương họ Trần, tên Lựu. Ông sống dưới triều Trần, có công đánh dẹp giặc phương Bắc. Tương truyền, khi giặc phương Bắc tràn sang, nhà vua ra lệnh cho văn võ bá quan ai có thể cầm quân đánh giặc thì sẽ phong quan cao tước hậu. Các quan đều lo sợ nên không ai dám nhận.
Lúc đó, Đại vương Trần Lựu xin đi. Vua lập tức phong cho tước Ứng Chỉ hầu, lại ban tước Quận công. Đại vương đem quân đến đóng tại trấn Vũ Ninh, tìm ra những kế sách kì diệu để đẩy lui quân giặc. Địa điểm đóng quân quân lệnh uy nghiêm, quân lính rất chỉnh tề.
Quân giặc phương Bắc nghe uy danh chấn động nên thanh thế dần suy yếu. Đại vương bày binh bố trận, chống cự với quân giặc khiến chúng thua chạy tan tác. Sau khi chiến thắng, Đại vương cắt binh trấn thủ các đồn sở và khải hoàn trở về. Khi về đến thôn Thanh Hà, phường Đồng Xuân, kinh thành Thăng Long, Đại vương truyền khao thưởng quân sĩ và các bậc phụ lão quanh vùng. Ngay lúc đó, mây mù ảm đạm, sấm chớp dữ dội, Đại vương lập tức hoá. Nhà vua hay tin vô cùng thương xót nên truyền dựng đình để thờ. Dân làng suy tôn Đại vương lên làm thành hoàng làng. Đại vương cũng được vua sắc phong là Thượng đẳng thần, Thiên Đô đại thành hoàng, tức Thanh Hà linh ứng Đại vương.
Nói về công lao của thành hoàng được thờ ở đình Thanh Hà, dân gian có thơ truyền lại như sau:
Thần linh vốn bẩm sinh do hoá công tạo ra
Giúp đỡ triều Trần trong lúc rất nguy nan
Tuấn mã rong ruổi tiếng tăm lừng lẫy
Ngọn giáo vàng chỉ thắng thế ào ạt
Người phương Bắc khiếp sợ mất hết tham vọng xâm lăng
Bờ cõi nước Nam đặt vững như bàn thạch
Anh linh từ vạn cổ được ghi trong sử sách
Tiếng oai hùng vang khắp giang sơn.
Kiến trúc
Tương truyền đình xây dựng từ thời Trần, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nay đình còn giữ lại được nhiều mảng chạm khắc, cửa võng và đồ thờ tự bằng gỗ sơn son thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Đình được dựng ngay sát chân La Thành của kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay, di tích chỉ còn Nghi môn, vào trong là một sân nhỏ cùng ba nếp nhà được xếp theo hình chữ Công. Đình quay hướng Đông, mặt quay ra đường phố cổ (phố Ngõ Gạch).
Đình Thanh Hà là một công trình kiến trúc theo kiểu đình làng truyền thống của vùng quê Bắc Bộ Việt Nam. Đình quay mặt về hướng Đông, nhìn ra phố cổ, kiến trúc theo kiểu chữ Công. Kiến trúc đình bao gồm tam quan, nhà tiền bái, phương đình và hậu cung. Cổng tam quan được xây sát hè phố, có ba cửa ra vào rộng hẹp khác nhau. Qua sân hẹp là đến tiền bái. Toà tiền bái được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, gồm ba gian. Bộ vì kèo kết cấu kiểu chồng rường, con rường thứ hai được thay bằng hai con rường nhỏ đỡ đầu rường trên, theo kiểu giá chiêng trốn cột (giá chiêng không cột chống). Cửa bức bàn bao kín cả mặt ba gian. Hai gian bên, trước kia có sàn cao hơn mặt nền 0,5m, nay đã được đổ đất cao, lát gạch. Gian giữa thấp. Ba gian được ngăn cách bằng chắn song hình con tiện. Quá giang được chạm trổ hình rồng, hoa cúc, mây xoắn, tia chớp, lá cách điệu. Nối liền với toà tiền bái và hậu cung là toà thiêu hương, được dựng theo kiểu phương đình bốn mái. Phương đình được dựng bằng bốn cột cái, hai bộ vì kèo, bốn mái, trên các con rường có chạm nổi hoa lá, dưới rường lắp ván kín, chạm nổi hình phượng vũ hàm thư. Lồng giữa các xà đai hai bên là bốn con lân lớn chạm theo kiểu nửa hình tròn. Toà hậu cung cũng làm theo kiểu bốn hàng chân. Bên trong hậu cung đặt khám thờ, có cửa võng được chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng.
Bộ di vật của đình Thanh Hà nhiều về số lượng, đa dạng về chất liệu. Đặc biệt, đình hiện có 50 viên gạch gốm sứ mang nét trang trí thời Mạc là những hiện vật quý hiếm có giá trị về mỹ thuật, lịch sử. Đình còn có 9 tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn, trong đó có tấm bia nêu rõ sự tích cùng lịch sử xây dựng ngôi đình, trong đó, quan trọng hơn cả là bia Thanh Hà ngọc phả bi ký khắc lại một bia thời Lê và bia Trùng tu Thanh Hà đình bi ký ghi lại sự tích và lịch sử xây dựng.
Đình Thanh Hà - điểm đến của du khách tới Hà Nội
Ở nhà số 10 hiện có một ngôi đình cổ. Đó là đình Thanh Hà, thờ đại vương Trần Lựu - một vị tướng có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc thời Trần (thế kỷ 13).
Đình Thanh Hà từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của người dân Hà Nội. Đặc biệt, Đình còn là nơi diễn ra các nghi thức tín ngưỡng thờ Thành hoàng của nhân dân địa phương, là nơi tưởng niệm những người có công với đất nước.
Đình Thanh Hà là một công trình kiến trúc theo kiểu đình làng truyền thống của vùng quê Bắc bộ Việt Nam. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nay đình còn giữ được nhiều mảng chạm khắc, cửa võng và đồ thờ tự bằng gỗ sơn son thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Bộ di vật của đình Thanh Hà ngoài giá trị về nghệ thuật còn là văn bản, tài liệu hiện vật rất có giá trị góp phần tìm hiểu lịch sử nghệ thuật, lịch sử thủ đô cũng như lịch sử làng xã Việt Nam.
Đình Thanh Hà hiện có 50 viên gạch gốm sứ mang nét trang trí thời Nhà Mạc là những hiện vật quý hiếm có giá trị về mỹ thuật, lịch sử. Đình còn có chín tấm bia đá có niên đại thời Nguyễn, trong đó có tấm bia nêu rõ sự tích cùng lịch sử xây dựng ngôi đình.
Lễ hội đình Thanh Hà được tổ chức hàng năm vào các ngày 4/4 và 15/9 âm lịch.
Ngày 21/1/1989, đình đã được nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc.
(Theo 1000 năm Thăng Long-Hà Nội)
|