Chiến thắng Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) của Hoàng đế Quang Trung thần tốc đánh tháng giặc Mãn Thanh quét sạch chúng ra khỏi thành Thăng Long là một chiến công hiển hách. Dấu ấn để lại trên chiến trường Ngọc Hồi, Đống Đa xưa là những gò xác giặc được vun đắp thành núi đất, trồng cây và lập miếu thờ cô hồn.
Tuy nhiên, triều đại Tây Sơn chỉ tồn tại rất ngắn ngủi. Năm 1802 Chúa Nguyễn Phúc Ánh sau khi đánh bại Nhà Tây Sơn, thiết lập triều Nguyễn, lên ngôi lấy vương hiệu là Gia Long, rời đô vào Phú Xuân - Huế. Triều Nguyễn coi Tây Sơn là cố thù bất cộng đái thiên nên tìm cách xoá bỏ tất thảy mọi tàn tích của Tây Sơn. Do vậy các gò ở Đống Đa cũng chỉ là nơi hương khói những cô hồn và tướng giặc Sầm Nghi Đống của Mãn Thanh mà cộng đồng Hoa kiều ở đây tổ chức cúng lễ hàng năm.
Sau khi giặc Pháp đánh thành Hà Nội, sau Nguyễn Tri Phương, tổng đốc Hoàng Diệu cũng tuẫn tiết tại đây. Thân sĩ Bắc Hà dựng ngôi đến thờ Trung Liệt để thờ các bậc liệt sĩ của mình, kín đáo kỷ niệm chiến thắng của Quang Trung vào ngày 5 mỗi Tết, gọi chung là Giỗ Trận. Triều Nguyễn vẫn cấu kết với thực dân nên thời thuộc địa cũng không ai dám đề cao Anh hùng Dân tộc Quang Trung.
Ngày 5 Tết năm Bính Tuất, nhằm ngày 6/2/1946, nước nhà đã độc lập, triều Nguyễn đã sụp đổ, lần đầu tiên nhân dân Hà Nội nô nức đến Gò Đống Đa kỷ niệm lần thứ 157 (1789 - 1946) Chiến thắng Đại phá quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung.
Dân chúng leo lên gò, thắp nhang trong Đền Trung Liệt và đám đông lan đến Ấp Thái Hà, nơi xây sinh phần của Tổng đốc Hoàng Cao Khải. Đó là một nét mới của đời sống lễ hội Thủ đô kể từ ngày đất nước độc lập được duy trì cho đến nay.
DTQ
|