36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Hà Nội xưa và nay >
  Hà nội - Xưa và Nay - Phía Tây Hoàng Thành (1) Hà nội - Xưa và Nay - Phía Tây Hoàng Thành (1) , 36phophuong.vn
 
Hà nội - Xưa và Nay - Phía Tây Hoàng Thành (1)

 Nếu so sánh về các công trình kiến trúc nổi thì Hoàng Thành Thăng Long không còn được bao nhiêu (nghĩa là thua xa Huế), nhưng việc phát lộ những phế tích chìm sâu hàng nghìn năm trong lòng đất tại số 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long 

 

 

Trước khi thực hiện dự án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình, trên khu vực nằm giữa các đường phố Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, theo luật Di sản văn hoá, tháng 12/2002 Chính phủ cho phép Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật trên diện rộng. Đây là cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và cũng vào loại lớn nhất ở Đông Nam Á.  Việc phát lộ một phức hệ di tích – di vật vô cùng phong phú, đa dạng từ thành Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thành Thăng Long (thế kỷ Xl -XVIII) và thành Hà Nội (thế kỷ XIX) đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.  Nhiều chuyên gia quốc tế, chủ yếu từ Nhật Bản trực tiếp tham gia dự án đặc biệt này

 

Theo các chuyên gia trong lịch sử hàng nghìn năm của mình La thành, thành Thăng Long, Hoàng Thành trải qua nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng Thành, đặc biệt là vị trí, qui mô của Cấm Thành thì gần như không thay đổi, chỉ có kiến trúc bên trong, dĩ nhiên, trải qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Nhưng nhờ việc người xưa khi xây dựng cung điện chủ yếu là san nền rồi xây lên, có đào móng trụ cho các chân cột cũng chỉ trên dưới 1m, nên các nền kiến trúc cũ được lấp đi và được lòng đất bảo quản cho tới ngày nay. Chính điều này giải thích tại sao trên khu di tích 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử.

Photobucket

Trên toàn khu vực, vị trí nào cũng xuất lộ các tầng văn hóa có chứa các dấu tích lịch sử và văn hóa của Thăng Long - Hà Nội trong khoảng hơn 1.300 năm lịch sử. Nhìn chung lớp đất văn hóa này thường xuất hiện ở độ sâu khoảng từ 1m trở xuống và dày từ 2,0-3,50m.

- Gần mặt đất nhất là lớp văn hóa thời Lê có niên đại thế kỷ XV-XVIII.

- Ở độ sâu hơn là lớp văn hóa thời Lý (thế kỷ XI - XII) và thời Trần (thế kỷ XIII -XIV)

- Dưới cùng là lớp văn hóa thời Đại La (thế kỷ VII-IX).

Photobucket

 

Dấu tích kiến trúc sớm nhất thuộc thời Đại La, cách đây 1300 năm. Đó là vết tích của các nền kiến trúc xếp bằng gạch màu xám, các chân tảng đá và những cột gỗ đang dựng trên các chân đá tảng (ảnh trên)

Photobucket

 

Dấu vết nền cung điện thời Lý

Photobucket 

 

Các chân tảng được làm bằng đá xám, trên mặt có chạm cánh sen mang phong cách nghệ thuật thời Lý. Căn cứ vào đường kính trong của vành hoa sen và dấu vết cột dựng còn để lại trên mặt chân tảng người ta xác định được đường kính của cột gỗ dựng trên đó, từ đó dựng những giả thuyết về sức nặng, độ lớn của toà nhà.

Photobucket

Photobucket

Vị trí và khoảng cách giữa các chân cột (được thay thế bằng những người đứng) cho phép xác định quy mô kiến trúc của toà nhà

hoang thanh thang long

Dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần

Photobucket

Con đường lát gạch hoa chanh thời Trần. Dấu tích như thế này cũng đã tìm thấy ở Đoan Môn

 

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Hệ thống rãnh hứng nước mưa rơi thẳng xuống từ hàng ngói lợp cuối cùng của mái (dân gian thường gọi là giọt gianh) giúp xác định giới hạn của mặt bằng mái. Nói cách khác, số đo giữa các rãnh thoát nước này cho biết về chiều rộng và chiều dài của công trình kiến trúc. 

Hệ thống giếng nước

Một hệ thống các di tích giếng nước đã tìm thấy 11 chiếc gồm: 2 giếng thời Đại La, 2 giếng thời Lý, 2 giếng thời Trần, 3 giếng nước thời Lê và 2 giếng nước thời Lê - Nguyễn.

Photobucket

Photobucket

Giá trị nhất là chiếc giếng cổ thời Đại La phát lộ ở độ sâu 5,9m. Trước đây ở Thăng Long không tìm ra kiến trúc Đại La cho đến khi lật nền đất 18 Hoàng Diệu. Trên chiếc giếng cổ này lại có lớp gạch xây thêm thời Lý, điều này minh chứng rõ thêm vị trí của kinh thành Thăng Long khi Vua Lý Thái Tổ dời đô. Theo GS Phan Huy Lê: "Điều đó cho thấy khi vua Lý Thái Tổ dời đô về đây, đúng như nhà vua nói trong "Chiếu dời đô" là dời đô về "thành Đại La" của Cao Vương. Buổi đầu, nhà vua sử dụng thành Đại La cùng một số cung điện, kiến trúc có sẵn rồi cải tạo và mở mang thêm."

Hình chi tiết giếng nước cổ Đại La

Giếng cổ thời Trần

Giếng nước cổ thời Trần

Photobucket

 

Giếng nước cổ thời Lê

Dấu tích dòng sông cổ

Tại công truờng khai quật các nhà khảo cổ còn tìm thấy xác một con thuyền cổ còn khá nguyên vẹn cùng với một mảnh mái chèo bị vỡ. Tại sao giữa Hoàng Thành lại có thuyền này? Theo PGS Tống Trung Tín, người phụ trách công trường khai quật: vị trí của con thuyền chính là cạnh của dòng sông cổ chảy xuyên qua khu vực Hoàng Thành. "Con sông này khá rộng, hai bên bờ chúng tôi cũng đã tìm được dấu vết của những thân cây gỗ, đó chính là "đường giao thông" giữa các cung điện thời xưa, đồng thời cũng là nơi tiêu nước. Điều này trùng hợp với chi tiết chép trong sử cũ là vào đời Trần, có năm Hoàng Thành bị ngập nước, một vị trong hoàng tộc còn đi thuyền để tới các cung điện..." (*)Cũng theo ông Tín, xét về niên đại thì con thuyền này bị chìm vào thời Lê. Chung quanh nó có nhiều đồ gốm mang niên đại này, có cả một mảnh mái chèo phủ sơn... Rõ ràng việc đi lại trên dòng sông cổ đã kéo dài đến tận thế kỷ 17, sau đó mới chấm dứt.

Photobucket

(*) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1236, Trần Liễu, nhân nước to, vỡ tràn vào cung, đã đi thuyền vào chầu Vua, nhân thấy người cung phi, bèn cưỡng dâm. Đình thần hạch tội, giáng xuống làm Hoài Vương.

Gạch cổ

Hàng vạn viên gạch tìm được của rất nhiều thời kỳ, trong đó sớm nhất là gạch "Giang Tây quân" từ thời thành Đại La (thế kỷ VII đến IX), rồi gạch Long Thụy Thái Bình từ năm 1057... Qua những chữ khắc trên gạch ngói trang trí, người ta “đọc” ra niên đại của từng loại gạch, biết được về tổ chức sản xuất của xã hội từng thời, qua việc nghiên cứu các nơi sản xuất ghi trên gạch người ta có thể thống kê bao nhiêu đơn vị tham gia xây dựng thành.

Hoang thanh thang long

Gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" thời Đinh - Tiền Lê.

Thế kỷ 10. Tiêu biểu nhất là viên gạch bìa màu đỏ, mặt gạch in chữ ''Đại Việt quốc quân thành chuyên'' (gạch xây quân thành của nước Đại Việt). Đây vốn là loại gạch rất phổ biến trong các kiến trúc thời Đinh - Lê ở Kinh đô Hoa Lư

Gạch "Giang Tây Quân"

Gạch "Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo" (1507) - chế tạo năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) đời vua thứ ba nhà Lý (vua Lý Thánh Tông).

Chữ của Champa khoảng thời Lý

"Vĩnh Ninh Tường" thời Trần

"Trang Phong Quan" thờ Lê Sơ

Gạch đất nung trang trí hình hoa cúc vô cùng tinh xảo

Vật liệu trang trí xây dựng

 

Photobucket

Dầy đặc trên bãi khai quật những vật liệu trang trí nóc cung điện

Photobucket

Ngói úp nóc lớn hình lá đề trang trí hình chim phượng, thời Lý.

Photobucket 

Ngói ống đầu lá đề hình rồng thời Lý (TK XI-XII).

Ngói ống đầu lá đề hình rồng thời Lí

Tượng chim uyên ương thời Trần (TK XIII-XIV).

Tượng chim uyên ương thời Trần (TK XIII - XIV)

Lá đề hình rồng thời Lý - Trần.

Lá đề hình rồng thời Lí - Trần

Tượng "Đầu rồng ngậm châu" thời Trần (TK XIII-XIV).

Tượng "Đầu rồng ngậm châu" thời Trần (TK XIII - XIV)

Photobucket

Tượng đầu chim phượng thời Trần

Sự phong phú chỉ riêng của các loại ngói ống, ngói úp nóc gắn hình rồng, hình uyên ương, hình lá đề trang trí hình chim phương... giúp ta hình dung về mức độ nguy nga tráng lệ của những toà cung điện từng tồn tại nơi này

 

Trình độ tay nghề cao của người xưa thể hiện qua độ tinh xảo đến tuyệt mỹ của các hoạ tiết rồng, phượng, uyên ương, hoa sen, hoa cúc...trên vật liệu xây dựng.

Đồ gốm

Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Sự xuất hiện phong phú các loại hình đồ gốm, bao gồm đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung với nhiều nguồn gốc: gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc, gốm Nhật Bản, gốm Tây Á, có niên đại từ thế kỷ VII - IX đến thế kỷ XIX đã được góp phần minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục trên nhiều phương diện về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử

Những đồ dùng trong hoàng cung như bát, đĩa, chum, vại đều ở trình độ cao, như đồ gốm sứ cao cấp thời Lý, Trần, gốm mỏng thời Lê trình độ không kém gì Trung Quốc, hoa văn rất đẹp, biểu trưng cho các quyền uy của hoàng gia. Khảo cổ học còn tìm thấy những "đồ ngự dụng" chỉ dành cho nhà vua như bát có hình rồng 5 móng.

Việc xác định niên đại của những đồ dùng trong cung giúp các nhà khảo cổ xác định tên của những cung điện nơi này. Ví dụ nhờ những đồ dùng có ghi rõ Trường Lạc khố, Trường Lạc cung (đồ ở cung Trường Lạc) các nhà khảo cổ đã xác định cung của hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ vua Lê Thánh Tông, sau là Hoàng thái hậu thời vua Lê Hiển Tông

Đồ gốm men trắng trang trí rồng và hoa sen thời Lý, thế kỷ XI.

Đồ gốm men trắng trang trí rồng và hoa sen thời Lí

Vò men xanh nhạt Đại La (TK VII-IX).

Vò men xanh nhạt thời Đại La (TK VII- IX)

Đĩa men ngọc thời Lí (TK XI-XII)

Bình vòi men trắng thời Lê Sơ (TK XV).

Bình vòi men trắng thời Lê sơ (TK XV)

Photobucket

Di cốt mộ cổ

Tại công trường khai quật khảo cổ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, 18 Hoàng Diệu, ngoài số lượng lớn các loại hình di tích, di vật, trong một số hố khai quật các nhà nghiên cứu còn phát hiện được nhiều di cốt người cổ. Những di cốt mộ cổ này đang còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn vì nó được phát hiện ngay trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Chẳng hạn như ngôi mộ trẻ em song táng chôn ngay sát dưới chân tảng cột kiến trúc ở hố B16, đây có phải là kiểu táng thức liên quan đến tín ngưỡng hiến sinh như Nhật Bản hay Trung Quốc cổ đại hay không?... là vấn đề đang được quan tâm nghiên cứu. Ngoài ra còn nhiều vấn đề xung quanh nguyên nhân cái chết của những di cốt chôn ở khu vực này.

Photobucket

Photobucket

 

Photobucket

Entry này kết thúc bằng loạt ảnh của một sinh viên nước ngoài vào thăm khu khai quật khảo cổ 18 Hoàng Diệu trong chương trình tìm hiểu Di sản văn hoá các nước.

Trước năm 2004 để được vào Hoàng thành thấy Đoan Môn, Hậu Lâu và đặc biệt là nền điện Kính Thiên với đôi rồng đá có tuổi sấp sỉ 700 năm, người ta phái có thẻ loại A (loại thẻ cấp cho đối tượng đặc biệt). Ngay cả sau khi Cấm thành được trả lại cho thành phố, việc thăm quan nơi đây cũng chỉ là hiện thực vào các dịp lễ tết mặc dù biển di tích đề ngoài bằng vài ba thứ tiếng. Quan tâm, hứng thú mấy rồi cũng nản sau vài lần nhận được lời khước từ vì không phải ngày mở cửa. Người Hà nội thường xuyên có cơ hội qua nơi này còn vậy, nói chi tới người dân nơi khác về.

Rồi đến năm 2003 giới chuyên môn hân hoan với việc phát hiện vết tích Hoàng thành ở khu 18 Hoàng Diệu, nhưng tới tận bây giờ khu vực đó vẫn bị được rào kín, ngoài giới chuyên môn chỉ các đoàn khách nước ngoài mới được vào thăm. Chắc có lẽ người nước ngoài cần đựợc ưu tiên biết về lịch sử nước Việt, hoặc thành phố Hà nội đang cần những lá phiếu ngoại vote cho quyết định của UNESCO công nhận di tích Hoàng thành là di sản văn hóa thế giới?

Không biết người khác thế nào chứ bộ nhớ của tôi tẩy rất nhanh những mớ kiến thức nhạt nhòa, chữ này vào, chữ kia tìm đường ra nếu không có những ấn tượng đem lại từ những yếu tố mang tính trực quan.

 

 
 

  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
81775

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Sông, hồ ở Hà Nội xưa và nay (22/07/2011)
  + Café cổ Hà Nội xưa và nay (22/07/2011)
  + Quá trình đô thị hóa trong thời Pháp thuộc (15/07/2011)
  + Hà nội - Xưa và Nay - Sứ quán Trung Quốc (14/06/2011)
  + Hà nội - Xưa và Nay - Toà soạn báo Hà Nội Mới (14/06/2011)
  + Chợ phiên Thăng Long-Hà Nội xưa và nay (15/04/2011)
  + Số phận tượng thần tự do Hà nội (10/04/2011)
  + Chùa Hòe Nhai xưa và nay (23/03/2011)
  + Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội 65 triệu năm trước (04/11/2010)
  + Lịch sử Thăng Long- Hà Nội với vùng châu thổ sông Hồng và Việt Nam (04/11/2010)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang