36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Hà Nội xưa và nay >
  Hà nội - Xưa và Nay - Phía Tây Hoàng Thành(2) Hà nội - Xưa và Nay - Phía Tây Hoàng Thành(2) , 36phophuong.vn
 
Hà nội - Xưa và Nay - Phía Tây Hoàng Thành(2)

 "Vì đây không phải là vấn đề bí mật Quốc gia cho nên tôi đã quyết định đăng ý kiến đề nghị của tôi lên báo để đồng bào, đồng chí trong cả nước biết, nhưng đáng tiếc là không được đăng."

Sau khi phát lộ những dấu tích vô giá của Hoàng Thành Thăng Long tại khu khai quật khảo cổ 18 Hoàng Diệu dư luận trong nước phản đối việc xây dựng Nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình mới tại đây, Giới chuyên môn gọi đây là sai lầm lịch sử (link:http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=174756&ChannelID=10). Tướng Giáp, ông Võ Văn Kiệt đều có thư phản đối quyết liệt.

Thư ngỏ của ông Võ Văn Kiệt
Nguồn Báo SGGP 04/10/2007
Link:
http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2007/10/123730/

 

Với tư cách một công dân, một cử tri, hiện cư trú tại TPHCM, tôi mong muốn trình bày với ông Chủ tịch và toàn thể Quốc hội một vấn đề mà tôi cùng nhiều người Việt Nam đang rất quan tâm. Đó là: Chủ trương phá bỏ Hội trường Ba Đình, xây dựng công trình kiến trúc Nhà Quốc hội mới.

Trước đây, tôi là người đồng ý chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) tại khu vực này. Bộ Chính trị cũng vậy. Nhưng khi đó, chúng ta chưa phát hiện những dấu tích của Hoàng thành Thăng Long, chưa có điều kiện để chứng kiến và đánh giá những di tích lịch sử quý giá đã nghìn năm tồn tại trong khu vực ấy. Nay, do một phần lớn diện tích thuộc phần di tích phải bảo tồn, nếu xây nhà Quốc hội, khu đất này chỉ còn lại 1,2 ha, thay vì khoảng 6 ha như trước. Mặt khác, không gian kiến trúc khu vực trước lăng Hồ Chủ Tịch cũng không cho phép tòa nhà có thể xây cao lên.

Chỉ trên 19.000m2 được khảo sát khảo cổ, lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học nước ta đã phát hiện dưới lòng đất một kho tàng đang lưu giữ 13 thế kỷ xây dựng kinh đô Thăng Long của người Việt Nam với những bằng chứng không thể phủ nhận rằng: “Cha ông chúng ta đã từng sở hữu một nền nghệ thuật kiến trúc và xây dựng đô thị phát triển ở trình độ cao”.

Cùng với phát hiện đó, các nhà khảo cổ nước ta bước đầu đã chứng minh được rằng Khu Di tích 18 Hoàng Diệu nằm trong một không gian liên tục với khu thành cổ Hà Nội (trong đó có 9.395 m2 vừa được Bộ Quốc phòng bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội ngày 24/11/2006). Hơn nữa, đã bước đầu xác định được khu 18 Hoàng Diệu thuộc phạm vi Cấm thành (trung tâm Hoàng Thành) của nhiều niên đại xây dựng thành Thăng Long cũ.

Những đánh giá này cũng được thể hiện rõ trong báo cáo của sử gia, Tiến sĩ Andrew Hardy (Đại học Quốc gia Úc), Trưởng đại diện Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, lãnh đạo đội nghiên cứu di chỉ Ba Đình (nếu các vị thấy cần, tôi sẽ cung cấp bản báo cáo chi tiết). Sau khi nghiên cứu kỹ di chỉ Ba Đình, lựa chọn mà nhóm nghiên cứu đưa ra là: “Phải chấp nhận các thách thức do phát hiện khảo cổ học mang lại.

Điều này có nghĩa là bảo tồn toàn bộ di tích tại 18 Hoàng Diệu (bao gồm khu A, B, C và D theo sơ đồ của các nhà khảo cổ Viện KHXH Việt Nam). Nó cũng có nghĩa là phát triển khu vực xung quanh có liên quan đến thành cổ Thăng Long (giới hạn bởi các phố Phan Đình Phùng, Thuốc Bắc, Trần Phú và Hùng Vương) như một vùng văn hóa đặc biệt ở trung tâm Hà Nội. Hậu quả trước mắt của quyết định này có thể là đình chỉ tất cả các công trình xây lớn trong phạm vi vùng này, trong khi chờ đợi sự ban hành sắc lệnh bảo vệ di sản trong phạm vi khu vực”.

Như vậy là cùng với những gì còn sót lại trên mặt đất sau biến cố hàng ngàn năm lịch sử, nay nhờ công việc khảo cổ, chúng ta bước đầu biết rằng ngay trong lòng đất khu vực Ba Đình, có thể còn biết bao nhiêu kho tàng quý giá của cha ông. Trong sứ mệnh giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ con em và cho cả ngay chính chúng ta, có di tích nào quan trọng và lớn lao hơn thế?

Nhân đi Hà Nội dự khai mạc Quốc hội, sau khi nghe và trao đổi ý kiến với một số anh em, ngày 01/08/2007, tôi có gửi đồng chí TBT Nông Đức Mạnh một bức thư bày tỏ sự băn khoăn này, xin được trích dẫn một đoạn dưới đây: “Liên quan đến quy hoạch Hà Nội, tôi cũng có trao đổi với một số anh em về chủ trương xây dựng nhà Quốc hội tại Ba Đình, phá hội trường hiện tại. Có mấy vấn đề đặt ra mà còn nhiều ý kiến băn khoăn: hội trường Ba Đình hiện tại gắn với khu di tích, nên nếu hội trường mới làm lớn thì bị hạn chế nhất định, còn nếu làm nhỏ thì không đủ tầm, không phù hợp với xu thế phát triển.

Tôi nghĩ có cách nào mình giữ, tôn tạo được Hội trường Ba Đình, coi như một di tích lịch sử kế tiếp, ở đó gắn liền với quảng trường Ba Đình lịch sử, về ý nghĩa chính trị không đâu thay thế được. Nếu hội trường hiện tại có xuống cấp, hư hỏng thì với kỹ thuật hiện nay, việc khắc phục không mấy khó khăn. Ta kết hợp tôn tạo thành một quần thể di tích có cổ xưa, có đương đại. Thậm chí, nhiều cuộc họp quan trọng, mang ý nghĩa chính trị cao cũng không chỗ nào thay thế được khu trung tâm chính trị lớn này. Cá nhân tôi nghiêng về phía giữ lại khu Ba Đình với hội trường cũ, không thể xây dựng nhà Quốc hội mới đủ bề thế ở đây.

Quyết định này cũng liên quan đến hướng mở rộng quy hoạch Hà Nội. Phải chăng nên nghiên cứu lại ý định trước đây, dời Quốc hội về phía đường lên Hòa Lạc để có một diện tích xứng đáng, như thế vừa giữ lại khu Ba Đình mà vẫn xây nhà Quốc hội tầm cỡ”.

Thiết nghĩ, trước những công việc lớn ở tầm cao trách nhiệm như trên, Quốc hội đã đưa ra quyết định mà tôi cho rằng khá vội vã. Theo đó, Bộ Xây dựng đã gấp rút tiến hành tổ chức một cuộc thi hạn chế mà kết quả đầy khiếm khuyết đã được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia từ ngày 2 đến 15/9/2007.

Việc trưng bày một công trình có tầm quan trọng như thiết kế nhà Quốc hội tại một địa điểm quá xa trung tâm và trong một thời gian ngắn đã vô tình loại bỏ rất nhiều người dân muốn tham gia ý kiến nhưng không có thông tin hoặc không đủ điều kiện tới xem. Công trình nhà Quốc hội là một trong những biểu trưng cho quyền lực toàn dân, không thể vì bất cứ lý do gì mà nhân dân cả nước, đặc biệt, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam không được “Xem và tham gia ý kiến”.

Tôi đề nghị: Ban Tổ chức cần tiến hành trưng bày tại Đà Nẵng và TP.HCM để nhân dân và giới chuyên môn cả ở ba miền có điều kiện đóng góp ý kiến, và cũng để rút kinh nghiệm cho những lần khác, cho những công trình tiêu biểu khác của Quốc gia. Sau triển lãm, cần có tổng kết, công khai minh bạch kết quả và có kết luận cụ thể.

Bản thân tôi cũng như rất nhiều các ý kiến khác nghiêng về giải pháp giữ lại Hội trường Ba Đình trong tổng thể khu di tích. Tôi đồng ý Quốc hội cần có một trụ sở xứng đáng, nhưng không vì thế mà có thể vội vàng. Trước mắt, có thể cải tạo và sử dụng Hội trường Ba Đình, khi cần thiết trưng dụng thêm Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khi ta có điều kiện hơn, và thời gian cũng đủ nhiều để có một công trình kiến trúc Nhà Quốc hội mới đủ tầm, không phụ thuộc vào diện tích hay bị hạn chế mặt này mặt khác.

Đồng thời trong lúc này, ta tranh thủ xúc tiến vận động để UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Việc này sẽ rất có ý nghĩa nhân dịp Hà Nội kỷ niệm nghìn năm Thăng Long vào năm 2010.

Hơn nữa, xây dựng công trình nhà Quốc hội tai đây, các nhà kiến trúc có lường được sự chấn động khi giải pháp thi công cơ giới với thiết bị nặng sẽ làm nứt vỡ các tầng văn hóa rất momg manh của Khu Di tích 18 Hoàng Diệu nằm ngay bên cạnh? Lúc ấy người chịu trách nhiệm sẽ là ai?

Nhân đây, tôi xin lưu ý thêm với các đồng chí. Không thể xây dựng một công trình có ý nghĩa quan trọng như vậy mà lại lấy lý do chào mừng kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, để rồi tiến hành vội vã. Chúng ta đã có kinh nghiệm về những sự trả giá cho những công trình chạy đua để chào mừng lễ lạt. Nhân Thăng Long nghìn năm tuổi, chúng ta càng phải nhận thức rõ hơn về mặt thời gian. Ý nghĩa của một công trình là ở những giá trị bền lâu, chứ không phải ở chỗ, nó được cắt băng khánh thành trong một ngày đại lễ.

Mặt khác, không thể nhân danh lịch sử để cư xử thiếu cân nhắc với những di tích hiện thân của lịch sử. Nếu thấy cần thiết, Quốc hội nên lấy ý kiến nhân dân. Muốn thế, chúng ta phải thực sự cầu thị, tổ chức theo những phương thức mà nhân dân có thể tham gia thực sự chứ không phải chỉ lấy ý kiến nhân dân cho có lệ. Đây là một công việc hệ trọng, các vị đại biểu Quốc hội đang thay mặt Nhà nước và toàn thể nhân dân đưa ra những quyết định tác động đến lịch sử. Cần lắng nghe và cân nhắc rất cẩn trọng.

Nguyên Thủ tướng
Võ Văn Kiệt

Việc đăng bức thư dưới đây là nguyên nhân chính đẫn đến việc TBT Lý Tiến Dũng mất chức

Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết (1-11-07)
Link
 :http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?id=903

 

Ngay từ đầu, khi đặt vấn đề xây dựng Nhà Quốc hội, tôi đã có ý kiến đề nghị với đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng là cần bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình – một di tích không thể thiếu của bề dày lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và tôi có đề nghị hai phương án:

1. Nếu thật sự cần thiết phải xây dựng ngay Nhà Quốc hội lúc này thì nên chọn một vị trí khác, địa thế rộng rãi hơn. Lúc ấy tôi được biết Chính phủ đã có phương án xây dựng Nhà Quốc hội ở khu vực phía Nam quảng trường Ba Đình và chủ trương bảo tồn toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu kể cả Hội trường Ba Đình.

2. Chúng ta đang cần tập trung nguồn lực để xây dựng đất nước và chúng ta vừa xây dựng khu Mỹ Đình khá khang trang hiện đại nhưng sử dụng còn hạn chế. Vì vậy, tôi đề nghị nên nghiên cứu cách vừa sử dụng Hội trường Ba Đình vừa sử dụng khu Mỹ Đình để Quốc hội làm việc, hội họp mà chưa nên xây dựng Nhà Quốc hội ngay lúc này.

Đến tháng 10-2006, tôi rất bất ngờ và sửng sốt được biết Bộ Chính trị và Chính phủ lại chỉ đạo cơ quan nghiên cứu trình Quốc hội phương án xây dựng Nhà Quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu và tôi đã viết thư ngay tha thiết đề nghị các đồng chí xem xét lại chủ trương này. Đến 20-2-2007, tôi đã viết bài đăng báo Nhân Dân và váo Hà Nội Mới nêu ý kiến, thủ đô chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội cần phải giữ gìn, tu bổ bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng Thành xưa và các di tích cách mạng kháng chiến thời đại Hồ Chí Minh như Hội trường Ba Đình, trụ sở Bộ Tồng Tư lệnh Quân đội nhân dân…

Vừa qua, tôi được biết ngành xây dựng lại vẫn đưa ra phương án làm Nhà Quốc hội tại khu 18 Hoàng Diệu và hơn thế nữa còn đề nghị phá bỏ cả Hội trường Ba Đình để làm Nhà Quốc hội trên khuôn viên ấy, có lấn ra xung quanh, với lý do Hội trường Ba Đình đã xuống cấp, sửa chữa rất tốn kém và đã được Bộ Chính trị, Chính phủ đồng ý trình ra Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết với đa số đồng ý. Lý do mà các đồng chí nêu lên không thể biện minh được. Đã là di tích lịch sử mà xuống cấp thì phải tu sửa, bảo tồn chứ không phải phá bỏ đi. Hội trường Ba Đình là một di tích cực kỳ quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh. Nơi đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Là nơi đã diễn ra 7 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nơi họp và làm việc của Quốc hội từ khoá II liên tiếp cho đến ngày nay, nơi đã diễn ra Hội nghị chính trị đặc biệt một kiểu Hội nghị Diên Hồng thời đại Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ… Ấn tượng sâu sắc nhất là tại đây, Bác Hồ đã từng tham dự nhiều cuộc họp quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và cuối cùng, đây là nời toàn Đảng, toàn dân ta đã tiến hành lễ tang Bác, cả nước vô cùng xúc động hướng về Hội trường Ba Đình lịch sử để tiễn biệt Bác ra đi với niềm tiếc thương vô hạn. Di tích lịch sử vô giá ấy sao chúng ta có thể xoá bỏ đi được.

Về mặt kiến trúc, đây còn là một hội trường lớn nhất, đẹp nhất của kiến trúc Việt Nam thời bấy giờ. Chúng ta nghĩ thế nào khi thấy cần phải bảo tồn Dinh Độc lập (Hội trường Thống Nhất) mà lại quyết định phá bỏ Hội trường Ba Đình?

Hiện nay, mặc dầu Quốc hội đã biểu quyết, nhưng cán bộ và nhân dân còn có nhiều ý kiến, lòng dân chưa yên. Nhiều đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ cấp cao, nhà khoa học đề nghị Quốc hội cân nhắc lại và ngay trong Quốc hội vẫn còn trên 30 đại biểu biểu quyết không tán thành phá bỏ Hội trường Ba Đình.

Riêng tôi, một lân nữa xin nêu lại ý kiến dứt khoát không nên làm nhà Quốc hội tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và tuyệt đối không được phá bỏ Hội trường Ba Đình.

Tôi đồng ý với ý kiến của anh Võ Văn Kiệt đã nêu trên báo Thanh Niên là nếu Hội trường Ba Đình xuống cấp thì tu sửa lại. Chúng ta có đầy đủ khả năng làm được việc ấy.

Vì vậy tôi tha thiết đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc lại, bàn lại chủ trương này. Trước khi bàn cần lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân. Hiện nay Ban dự án đang trình bày các mô hình Nhà Quốc hội để lấy ý kiến của nhân dân trong cả nước, tôi đề nghị cần lấy cả ý kiến nhân dân về ý định phá bỏ Hội trường Ba Đình để làm Nhà Quốc hội lên vị trí ấy. Vấn đề này cũng nên đưa ra thảo luận trên báo chí để cán bộ và nhân dân được tham gia ý kiến. Trên cơ sở thu thập ý kiến rộng rãi của cán bộ và nhân dân, tôi đề nghị Bộ Chính trị có cuộc họp bàn lại vấn đề này. Đề nghị Quốc hội tổ chức một phiên họp toàn thể đặc biệt (không thể chỉ thảo luận ở tổ) để bàn bạc, thảo luận thực sự dân chủ, phân tích kỹ những ý kiến khác nhau, lợi và hại của việc để và phá bỏ Hội trường Ba Đình, trước khi đi đến biểu quyết và có quyết định cuối cùng.

Đây là một chủ trương cụ thể, nhưng là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng về chính trị, lịch sử, văn hoá, tình cảm của nhân dân Thủ đô và của cả dân tộc. Chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng ta càng cần phải bảo tồn thật tốt toàn bộ khu di tích 18 Hoàng Diệu và Hội trường Ba Đình. Việc xây dựng Nhà Quốc hội không nên quá lệ thuộc vào thời gian làm chỉ kịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội để quyết định vội, xây dựng vội, làm ảnh hưởng đến chất lượng và thẩm mỹ kiến trúc của công trình Thế kỷ quan trọng này.

Những nội dung đề nghị trên đây tôi đã có thư gửi đến Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ngày 23 tháng 9 năm 2007.

Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh ý kiến : lúc này ta cần tập trung tiền của và lực lượng để ra sức phát triển kinh tế văn hoá, thiết thực nâng cao đời sống nhân dân mà chưa xây dựng Nhà Quốc hội. Quốc hội tiếp tục sử dụng Hội trường Ba Đình và khu Mỹ Đình (hiện chưa sử dụng hết công suất, còn lãng phí) để hội họp và làm việc. Công sở làm việc của cơ quan nhà nước cũng cần được xây dựng khang trang, nhưng hãy chờ một thời gian nữa, khi đất nước thoát khỏi cảnh một nước nghèo, một nước kém phát triển rồi ta hãy xây dựng.

Trong lúc đó chúng ta tiếp tục nghiên cứu địa điểm xây dựng, chọn mô hình Nhà Quốc hội đáp ứng các yêu cầu của một công trình tiêu biểu của đất nước, có quy mô tương xứng, có chất lượng bền, đẹp vừa dân tộc vừa hiện đại, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Một thư khác

1.
Kính gửi:
Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh
Và các đồng chí trong Bộ Chính trị , Ban bí thư
Đồng chí Nguyễn Minh Triết Chủ tịch nước
Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng Thủ tướng Chính phủ
Và các đồng chí thành viên Chính phủ
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng Chủ tịch Quốc Hội
Và các đồng chí đại biểu Quốc Hội

Tôi xin gửi đến các đồng chí bài báo tôi đã gửi đến một số báo để đăng ngày 10-10-2007, nhưng đã bị ngăn lại không cho báo đăng. Một việc làm mất dân chủ và vi phạm quyền công dân.

Tôi vẫn cho rằng, chủ trương phá bỏ Hội Trường Ba Đình, một di tích lịch sử quan trọng nhất của thời đại Hồ Chí Minh để xây dựng Nhà Quốc Hội lên vị trí ấy là sai lầm, chưa phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.

Tôi nghĩ vấn đề này không phải là vấn đề phải đòi hỏi phải quyết định nhanh nếu không thì thất bại. Do đó mặc dầu đã quyết định, nhưng khi thấy vấn đề phải cân nhắc, có vấn đề lòng dân và còn thời gian thì ta nên cân nhắc lại, dân chủ bàn bạc thêm để tìm ra phương án tối ưu. Trong lịch sử cũng đã từng có những sự kiện quyết định rồi , nhưng có lúc vẫn phải cân nhắc lại và thay đổi ý kiến. Làm như vậy càng thể hiện Đảng và Nhà nước ta rất có trách nhiệm trước nhân dân, tôn trọng nhân dân.

Vì trách nhiệm đối với lịch sử, đối với dân tộc, một lần nữa tôi vẫn đề nghị Bộ Chính trị cần cân nhắc lại. Sắp tới Quốc Hội họp cũng cần cân nhắc lại, chưa vội phá bỏ Hội Trường Ba Đình, thực hiện mở rộng dân chủ bàn bạc công khai kể cả trên báo chí, trưng cầu ý kiến cán bộ và nhân dân trong cả nước về chủ trương này, rồi mới đi đến quyết định. Bảo đảm thuận lòng dân đối với vấn đề này là cực kỳ quan trọng.

Tôi đã có thư gửi các đồng chí, nhưng vừa qua nhiều cán bộ gọi điện đến Văn phòng hỏi: Ý kiến anh Văn về vấn đề này như thế nào? Vì đây không phải là vấn đề bí mật Quốc gia cho nên tôi đã quyết định đăng ý kiến đề nghị của tôi lên báo để đồng bào, đồng chí trong cả nước biết, nhưng đáng tiếc là không được đăng.

Chào thân ái,
Hà Nội ngày 11-10-2007
Võ Nguyên Giáp

Và thêm một thư nữa

2.
Kính gửi: Đồng chí Nông Đức Mạnh
Và các đồng chí trong Bộ Chính trị

Một lần nữa tôi lại viết thư kiến nghị đến các đồng chí về vấn đề Hội Trường Ba Đình và Nhà Quốc Hội. Có lẽ chưa có vấn đề nào mà tôi lại kiên trì nêu ý kiến với các đồng chí như thế này.

Tôi hoan nghênh Bộ Chính trị đã chỉ đạo các ngành có liên quan tổng hợp ý kiến các đồng chí lão thành, cán bộ, nhân dân về vấn đề này để Bộ Chính trị họp cân nhắc xem xét. Tôi mong các đồng chí cân nhaqức một cách thật nghiêm túc, lắng nghe các ý kiến khác nhau một cách khách quan khoa học; đặc biệt là trực tiếp nghe ý kiến các Hội chuyên ngành, các chuyên gia , các nhà khoa học đầu ngành có liên quan đến vấn đề này.

Tôi được biết vừa qua Chính phủ đã giao cho Bộ xây dựng tổ chức cuộc họp với hơn 20 cán bộ khoa học đầu ngành về kiến trúc, xây dựng, quy hoạch, lịch sử… Tại cuộc họp này, đại đa số ý kiến đều cho rằng trong phạm vi khuôn viên Hội Trường Ba Đình rộng 1,2 ha không thể nào xây dựng Nhà Quốc Hội đúng với tầm cỡ của Công trình này và đã có nhiều kiến nghị đề nghị tìm một địa điểm ngoài lô D để xây dựng Nhà Quốc Hội, đồng thời bảo tồn Hội Trường Ba Đình là một di tích lịch sử quý giá của thời đại Hồ Chí Minh.

Ý kiến các chuyên gia ấy tôi cho là đúng, và tôi cũng nhận được nhiều thư của các đồng chí lão thành, các nhà khoa học nói lên kiến nghị như vậy. Vì vậy, tôi cho rằng chủ trương đã quyết định về vấn đề này là một sai lầm kép: Vừa làm mất đi một di tích cực kỳ quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh, vừa làm Nhà Quốc Hội vào một vị trí không phù hợp; diện tích chật hẹp phá vỡ sự hài hoà của cảnh quan khu Ba Đình và khi sử dụng sẽ gây nên khó khăn về giao thông, trật tự.

Việc cần giữ lại Hội Trường Ba Đình không những là ý kiến của nhiều đồng chí lão thành mà các cháu thanh niên cũng nghĩ như vậy. Có cháu nhà báo trên 20 tuổi đã nói với tôi: Bác ơi, nếu phá Hội Trường Ba Đình là có tội với dân tộc. Tôi cũng nghĩ như vậy. Chúng ta phá Hội Trường Ba Đình là có tội với lịch sử. Bộ Chính trị năm 2003 đã kết luận phải lưu giữ Hội Trường Ba Đình làm di tích lịch sử (Thông báo số 126 – TB/TW 05-11-2003). Nay Bộ Chính trị lại thay đổi quyết định trước đây, phá bỏ Hội Trường Ba Đình mà không cho bàn bạc gì thêm. Nếu Bộ Chính trị hiện nay cho rằng phải giữ nguyên tắc tập thể đã bàn, đã quyết định rồi thì không bàn lại, không nghe ý kiến gì nữa, vậy là nguyên tắc máy móc. Mọi quyết định đều phải đặt lợi ích của dân tộc , của nhân dân lên trên hết.

Trong lịch sử cũng đã có chủ trương bàn rồi, đã có nghị quyết rồi, nhưng khi phát hiện còn có vấn đề quan trọng phải cân nhắc thì đã bàn lại và thay đổi chủ trương đúng đắn hơn. Ví như, sự thay đổi của Nghị quyết Trung ương 8 năm 1941 về đường lối cách mạng Việt Nam so với Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7, ví như thay đổi phương châm tác chiến trong trận Điện Biên Phủ, thay đổi kế hoạch giải phóng Miền Nam , thay đổi Báo cáo Chính trị của Đại Hội 6, thay đổi cao trình đập thủ điện Sơn La vv… Điều đó chứng tỏ Đảng ta có trí tuệ và luôn nêu cao trách nhiệm trước nhân dân , trước dân tộc. Chúng ta đừng lập lại sai lầm như quyết định thay đổi Quốc ca trước đây.

Vấn đề thì đã rõ. Tôi cho rằng đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là người có trách nhiệm chính về vấn đề này. Một lần nữa, tôi mong đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí trong Bộ Chính trị hãy thay đổi ý kiến, lãnh đạo Chính phủ và Quốc Hội bàn lại, thay đổi chủ trương này, đừng để lịch sử và các thế hệ mai sau phê phán thế hệ lãnh đạo hiện nay đã phá bỏ Hội Trường Ba Đình, một di tích lịch sử cực kỳ quan trọng của thời đại Hồ Chí Minh.

Đây là một vấn đề lớn, gắn với tình cảm và trách nhiệm của nhân dân Thủ đô, nhân dân cả nước, nên tôi đề nghị lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân. Tôi đề nghị đăng bài của tôi lên báo, nếu tôi nói không đúng thì độc giả sẽ có ý kiến, đừng bưng bít, đừng độc quyền chân lý, vừa mất dân chủ, vừa vi phạm Hiến Pháp, gây ảnh hưởng xấu đến nền dân chủ Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng ta.

Chào thân ái,
Hà Nội ngày 24-10-2007
Võ Nguyên Giáp

Và cuối cùng ... toà nhà này đã trở thành quá khứ giống như những toà cung điện đã từng tồn tại nơi này hàng nghìn năm về trước.

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

Photobucket

 

  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
43283

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Sông, hồ ở Hà Nội xưa và nay (22/07/2011)
  + Café cổ Hà Nội xưa và nay (22/07/2011)
  + Quá trình đô thị hóa trong thời Pháp thuộc (15/07/2011)
  + Hà nội - Xưa và Nay - Sứ quán Trung Quốc (14/06/2011)
  + Hà nội - Xưa và Nay - Toà soạn báo Hà Nội Mới (14/06/2011)
  + Chợ phiên Thăng Long-Hà Nội xưa và nay (15/04/2011)
  + Số phận tượng thần tự do Hà nội (10/04/2011)
  + Chùa Hòe Nhai xưa và nay (23/03/2011)
  + Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội 65 triệu năm trước (04/11/2010)
  + Lịch sử Thăng Long- Hà Nội với vùng châu thổ sông Hồng và Việt Nam (04/11/2010)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang