Những lô cốt được xây dựng nổi, nửa nổi nửa chìm hoặc lợi dụng sườn núi… làm chìm hẳn. Thời kháng chiến chống Pháp, cả một hệ thống lô cốt kiên cố được Pháp thiết lập khắp vùng đồng bằng sông Hồng nhằm đối phó với quân dân ta.
Những dấu tích cuối cùng của người Pháp trên đất Hà Nội. |
Thời chiến tranh, Hà Nội có hệ thống lô cốt dày đặc. Ở khu vực Hồ Tây, hiện giờ không nhiều người biết nơi đây từng có một hệ thống lô cốt rất đẹp. Lớn nhất là "lô cốt mẹ", có tầm nhìn khống chế cả khu vực phía bắc hồ và cùng hệ thống với nó còn có các "lô cốt con". Ước lượng tầng 1 "lô cốt mẹ" có chiều dài khoảng 6m, rộng chừng 4m, chiều cao từ nền đất hiện nay khoảng 3m, cửa cách nền đất 1 m. Độ dày tường bê tông cốt thép vào khoảng 0,5- 0,8 m. Trên tầng 2 lô cốt mẹ, có một ụ chiến đấu tròn đường kính khoảng 1,5 m, cao 2m.
Cách khoảng 6m từ lô cốt này, có một lô cốt phụ, tức "lô cốt con", diện tích khá nhỏ, khoảng 5, 6 m2. Trước kia, hai lô cốt này được thông với nhau bằng những đường hào. Theo thời gian, đường giao thông hào này đã bị lấp, và "lô cốt con" cũng bị bịt kín.
Hầu hết, những lô cốt này đều "trơ gan cùng tuế nguyệt" |
Sau khi đường ven Hồ Tây được mở, cạnh phía Bắc "lô cốt mẹ" đã bị bịt lại. Phía Tây "lô cốt mẹ" nằm sát mép đường, nhìn ra "bến Hàn Quốc", nơi giới trẻ Hà Nội tâm tình mỗi buổi chiều về. Từ "bến Hàn Quốc" nhìn lên, lô cốt cao sừng sững, bám đầy dây dợ, cây bụi và cả kim tiêm của dân tiêm chích, gạch, rác…
Cụm "mẹ con" nói riêng và hệ thống lô cốt rải rác nhiều nơi nói chung được nhiều người gọi là French villá, nghĩa là biệt thự Pháp.
Vài năm trước, "lô cốt mẹ" đã được trưng dụng để mở quán bar có tên khá ngộ: Block house (quán lô cốt) bằng tấm biển sơn đen, to như cánh cửa in tên treo trên tường. Chủ nhân của Block Huose là một người dân sống cạnh lô cốt đã cầu kì xây tường bao, chăng thép gai, làm tán cọ ở khoảnh sân tự tạo dưới chân lô cốt và làm cả cầu thang dẫn lên ụ chiến đấu bên trên với ý định biến đây thành một nơi hút khách.
Lô cốt này đang có người manh nha cải tạo để "tái sử dụng" |
Nghe nói, khi "tái thiết" lô cốt để làm quán bar, riêng việc đập nửa mét khối bê tông bậc dẫn vào lô cốt cũng đã mất 400 nghìn đồng. Lô cốt Pháp hầu như được xây bằng đá trắng nên cứng, vô cùng chắc chắn. Tuy nhiên, "ông chủ" này than thở là chỉ "cải tạo" đến thế thôi, chứ không được "đưa vào sử dụng" vì cơ quan chức năng đã đến yêu cầu chấm dứt "thi công" và nghiêm cấm kinh doanh.
Hà Nội còn rất nhiều lô cốt rải rác khắp nơi. Những lô cốt dọc sông Đuống được xây dựng có mục đích kiểm soát trục lộ, trung bình cứ 2 km có một cái. Do phải phù hợp với địa hình nên lô cốt được xây có hình dáng không giống nhau.
Tại Hà Đông, Pháp xây dựng cạnh trường THCS chuyên Lê Lợi bây giờ 2 lô cốt. Trên đuờng vào Kim Giang (Thanh Xuân) cũng có mấy lô cốt "giơ" góc ra đường. Đường lên Sơn Tây có cái lô cốt kiêm tháp canh ở Phùng và đập Đáy; lô cốt cạnh cầu Phù Lỗ (Đông Anh), khá đẹp và cách đây chưa lâu... còn nguyên bản...
"Block house" - một lô cốt ven hồ Tây "suýt" trở thành một quán bar! |
"Ông chủ" hụt của quán bar khá thơ mộng này đã cải tạo cầu thanh lên và ụ pháo trên nóc của lô cốt làm một điểm uống cafe và... ngắm hồ Tây. |
Nếu thành công, quán bar này cũng khá... độc! |
Những ụ lô cốt nằm rải rác dọc triền đê. |
Người dân biến nó thành điểm... chăn bò. |
Nhiều lô cốt, người dân đã cải tạo để lắp đặt... bồn rửa tay. Một lỗ pháo trên lô cốt. |
Vạch lá tìm... lô cốt. |
Khung cảnh bình yên... |
Kiên Trung