Tô Châu là một thành phố có lịch sử lâu đời nằm ở hạ lưu sông Dương Tử và trên bờ Thái Hồ thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, xưa kia vốn là kinh đô của nước Ngô cổ đại.
Tô Châu thu hút khách du lịch bởi vô số các danh lam thắng cảnh như 168 cây cầu xây bằng đá và gỗ, núi Thiên Đình, Linh Nham, chùa Hàn Sơn, chùa Tây Viên và cả tơ lụa. Thành phố đặc biệt nổi tiếng với những “khu vườn cổ” (lâm viên). Xưa kia, chính do sự nở rộ của những lâm viên này, Tô Châu đã từng được gọi là “Hoa Viên chi thành."
Hiện thành Tô Châu còn giữ được 180 vườn hoa mang phong cách kiến trúc vườn cổ của các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Các vườn hoa cổ Tô Châu lấy khuôn viên tư gia là chủ đạo, bắt đầu từ thời Xuân Thu (năm 514 trước Công Nguyên), hình thành thời Ngũ Đại và nở rộ thời nhà Tống.
Các vườn hoa được xây dựng theo vẻ đẹp của sơn thủy hữu tình, vận dụng nghệ thuật thi họa cổ truyền, mô phỏng phong cách thiên nhiên sông núi, trong đó lấy đền, đài, chùa tháp, hồ, ao, núi nhân tạo, cỏ cây hoa lá…làm chủ thể. Ngoài ra, để làm cho lâm viên thêm sinh động, thêm mộng mơ, người ta tạo ra những con đường quanh co, uốn lượn; những cây cầu uốn cong xinh xắn bắc qua dòng suối trong xanh, lơ thơ nhành liễu buông rủ.
Trong các năm 1997 và 2000 có 9 khu vườn cây cảnh ở Tô Châu và khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là Chuyết Chính Viên, Lưu Viên, Võng Sư Viên, Hoàn Tú Sơn Trang, Thương Lãng Đình, Sư Tử Lâm, Nghệ Phố, Ngẫu Viên và Thoái Tư Viên.
- Thương Lãng Đình là vườn hoa cổ nhất nằm ở phía Nam thành Tô Châu, mang phong cách kiến trúc vườn thời Tống. Thượng Lãng Đình có nhiều núi đất, quanh đó dựng thêm những khối đá, trông rất nên thơ. Du khách đến đây có thể leo núi đi vào các hang động hoặc tản bộ dưới rừng cây tre trúc, như lạc vào chốn thiên thai.
- Lưu Viên có nghệ thuật kiến trúc vườn theo phong cách nhà Thanh. Do mới xây dựng gần đây, nên kết cấu vườn Lưu Viên rất phong phú với núi non, sông nước, đình, tạ, lầu, các…vườn được chia làm 4 khu vực. Khu Đông gồm đình, quán, đường…với ngọn núi Quán Vân Phong cao 9m; khu Trung gồm hồ ao, sông suối hữu tình, đình đài, lầu các soi bóng lung linh; khu Tây chủ yếu là núi giả, trên núi trồng cây Phong, mỗi độ thu về, rừng Phong đổ mầu vàng rực rỡ; khu Bắc trồng nhiều đào, liễu, xuân về hoa nở rực trời.
- Võng Sư Viên xây năm 1174 (đời Tống), là công trình kiến trúc tiêu biểu cho thể loại nhà vườn (tức là nhà kết hợp hoa viên). Võng Sư trong Hán ngữ là người chài lưới (ngư phủ). Tên hoa viên gợi nhớ nhân vật ngư phủ đã từng gặp gỡ thi nhân Khuất Nguyên (khoảng 340-278 trước Công nguyên), nghĩa là chủ nhân có tâm sự ngao ngán tình đời, muốn tiêu dao, vui thú điền viên như một ngư phủ. Thế kỷ 18, Võng Sư Viên được trùng tu như là nơi hưu trí của một vị quan. Võng Sư Viên gồm ba khu vực: phía Đông là nhà nghỉ ngơi, phía Tây là vườn hoa nhỏ với thư phòng của chủ nhân và phần chính yếu là vườn lớn với nhiều loại kỳ hoa dị thảo.
- Sư Tử Lâm nằm ở phía Bắc thành Tô Châu, được xây dựng vào cuối thời Nguyên do nhà sư Thiên Như dựng lên để tưởng nhớ về một sư thầy của ông có tên là Trung Phong. Sở dĩ vườn có tên là Sư Tử Lâm vì ở chỗ nào ta cũng gặp những tảng đá, những hòn núi giống như những con sư tử. Trong vườn sư tử, người ta xây dựng nhiều hang động nhân tạo rất kỳ ảo chẳng khác nào những mê cung.
Quy hoạch vườn Sư Tử rất chặt chẽ, tinh tế. Phía Đông Nam là núi non, phía Tây Bắc là sông suối ao hồ, các tòa lâu đài đặt ở hai cánh Đông và Bắc. Các quần thể kiến trúc này được nối với nhau bằng một hành lang dài, trên vách hành lang có nhiều bút tích của tự đại gia đời Tống như Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Thái Nhượng.
- Chuyết Chính Viên được xây theo phong cách nghệ thuật kiến trúc vườn đời nhà Minh. Vườn có diện tích khá rộng trên 70 mẫu ta. Trung tâm của vườn Chuyết Chính Viên là các hồ ao. Các hồ ao đều thả sen. Khi mùa hè tới, hương sen tỏa ngát. Giữa hồ Chính Chuyên Viên có một con thuyền bằng đá, trong khoang thuyền có đặt một chiếc gương lớn phản chiếu mọi cảnh đẹp trên bờ.
Mọi công trình kiến trúc, đình, đài, các, tạ đều tọa lạc xung quanh, soi bóng mặt hồ. Về kiến trúc đáng chú ý nhất là Viễn Hương đường có kết cấu khá đặc biệt, lòng nhà không có cột nào, các cột nhà được bố trí ở 4 hàng lang xung quanh. Bốn mặt của Viễn Hương đường lắp kính nên trông rất thoáng đãng.
- Nghệ phố là lâm viên nhỏ nhất. Khu vườn nằm bên trong một con hẻm nhỏ và quanh co nên muốn vào được vườn, du khách phải tản bộ và như thế, du khách có cơ hội tìm hiểu về hoạt động của những người dân đang sinh sống trong một con hẻm nhỏ ở Tô Châu là như thế nào. Trong vườn bố cục giữa đá và núi được lắp đặt, lưu truyền từ đời Minh. Khu vườn được bảo tồn một cách kỳ công, hoãn mỹ nhất.
- Hoàn Tú Sơn Trang là khu vườn có thác nước và kiến trúc đá đẹp nhất tại Tô Châu. Các lâm viên theo kiểu xưa rộng lớn là nơi thư giãn tuyệt vời cho du khách. Nhiều người thường tụ tập đến đây dùng trà và trò chuyện./.
Bảo Châu (Vietnam+)
|