Phố Đào Duy Từ dài 290m, đi từ cửa Ô Quan Chưởng, đến phố Lương Ngọc Quyến, cắt ngang qua các ngã tư với phố Nguyễn Văn Siêu-Chợ Gạo, Hàng Buồm- Mã Mây, thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Xưa kia, đoạn đầu, từ cửa ô đến ngã tư phố Chợ Gạo là đất thôn Hương Bài, thuộc tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm), tiếp đó là cửa sông Tô Lịch (gồm cả chiều ngang của phố Chợ Gạo). Qua lòng sông cũ, từ ngã tư hàng Buồm cho tới phố Lương Ngọc Quyến là đất thôn Ngư Võng, tổng Hữu Túc (sau đổi ra là tổng Đông Thọ).
Thời Pháp thuộc đây là hai phố khác nhau: Phố Sông Cũ (rue de l’Ancien canal) đi từ cử ô Quan Chưởng tới phố Hàng Buồm và phố Đào Duy Từ đi từ phố Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến. Sau cách mạng, hai phố gộp lại là một, gọi là phố Đào Duy Từ. Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến, phố này là phòng tuyến phía Đông của Liên khu I anh hùng và đứng vững cho tới đêm cuối cùng trước khi rút ra ngoài.
Dọc phố Đào Duy Từ hiện nay chỉ còn một di tích lịch sử cũ, đó là đình Hương Nghĩa ở số nhà 13B, Hương Nghĩa là tên một thôn mới thành lập từ giữa thế kỷ 19, trên cơ sở hợp nhất hai thôn Kiên Nghĩa và Hương Bài.
Đình thờ Cao Tứ, một nhân vật đời Thục An Dương Vương. Cao Tứ là em Cao Lỗ (người đã sáng chế ra nỏ thần), cũng là một tướng tài của Thục Phán, được giao trấn giữ vùng cửa sông Tô, đóng quân tại giáp Hương Bài. Thục Phán đã gả con gái thứ hai là Phượng Minh cho ông. Khi quân Tần xâm lược, ông chỉ huy thủy quân và đã thắng chúng. Khi Triệu Đà tới, ông lập năm đồn ở trên sông Tô để chống cự. Nhưng sau đó không kháng cự được, ông bị tử trận. Hiện nay ở đình này còn câu đối minh họa sự tích đó:
"Duyệt ngã Nam tiền thông giám di biên, thủy hóa cô trung tiêu tiết nghĩa
Kiến La Thành tam danh từ trĩ lập, địa linh thắng tích đối hinh hương."
Nghĩa là:
"Đọc sử Nam, sách cũ còn ghi, nước lắng cô trung nêu tiết nghĩa
Ở La Thành, ba đền được dựng, đất thiêng thắng tích đượm hương thơm."
Phố Đào Duy Từ vốn có nghề buôn thóc gạo là chính. Tại đây có những hiệu buôn lớn của người Hoa kiều và người Việt Nam. Ngoài gạo người ta bán cả ngô, khoai...
Những cửa hiệu buôn bán thóc gạo của người Việt Nam ở phố Đào Duy Từ có số nhà 4-6 (nhà Triệu Ngọc Hồ), 8 - 10 - 12 (gia đình Nghiêm Tử Trình). Đoạn dưới chỉ có nhà chàn (kho hàng) của người Hoa.
Về mặt xây dựng, trừ mấy nhà ở sát ô Quan Chưởng là những nhà cũ một tầng kiểu cổ còn cả phố Đào Duy Từ hầu hết là những ngôi nhà hai hoặc ba, có khi bốn tầng, cao to. Có những nhà gồm nhiều gian (như dãy từ số 6 đến số 14). Các nhà kho đều một tầng nhưng diện tích rộng, mái nhà cao, bên trong có nhiều lớp, trong kho có đặt máy xay xát.
Một số người Hoa nghèo cũng sống ở đây, họ làm công cho các cửa hiệu lớn người đồng hương, lao động khuân vác rất nặng nhọc. Cũng có nhiều phu khuân vác là người Việt Nam. Ban ngày họ đến đây làm việc, buổi tối ngủ ngoài bãi Phúc Xá, thường có cai thầu đứng ra nhận việc cho cả nhóm./.
Biên tập: 36phophuong.vn
|