Con phố kéo dài từ phố Trần Nhật Duật đến phố Phùng Hưng, chạy dọc theo chân cầu Long Biên, chân cầu chỗ này xây khá cao, có những vòm cuộn gọi là gầm cầu,
Sở dĩ có tên như vậy vì nó ở dọc gầm chiếu cầu xây dẫn đường xe lửa lên cầu sông Cái ( nay là cầu Long Biên) ; phố Gầm Cầu dài hai trăm mười mét. Thời thuộc Pháp, đường phố đó có tên Leblanc; đến năm 1946 đổi là phố Khúc Hạo; thời tạm chiếm ( 1948- 1954), con đường được chia làm hai đoạn: phố Nguyễn Hữu Huân ở phía Đông, phố Gầm Cầu ở phía Tây; sau 1954 gọi chung là phố Gầm Cầu. Mang danh là một đường phố song đó là hai con đường hẹp men theo bên phía dưới cầu xây. Quãng cầu này sàn cầu cách mặt đất khá cao, từ bốn đến năm mét, nên những vòm cầu có thể coi là một gian nhà. Số vòm cầu ở quãng này có đến mấy chục chiếc. Trước đây, thời thuộc Pháp, không ai được dùng vòm cầu làm chỗ ở. Phố Gầm Cầu có ba đoạn: Đoạn đầu phố Phùng Hưng, chỗ mấy đường phố gặp nhau ở dưới Cầu Sắt, đến Hàng Giấy. Đoạn này là hai lối đi nhỏ gồ ghề đá, mép cỏ bẩn thỉu, một bên còn có thể dắt xe đạp, đưa xe kéo qua còn một bên thì quá hẹp chỉ lọt một người đi. ở đoạn phố này là nơi cư trú cho dân lao động nghèo. Đoạn từ Hàng Giấy đến Nguyễn Thiếp , khác với đoạn nói trên là bên trên sàn cầu còn có thêm hai hành lang hai bên chia ra thành mái hiên cho những vòm cầu bên dưới. Trong có nhiều vòm có nhiều gia đình sinh sống. Bên số lẻ ở phía Nam đường đi, xen kẽ với tường sau những nhà phố Hàng Đậu, có một ít căn nhà một tầng nhỏ bé làm thêm tại sân sau các nhà. Cũng có hai nhà khá lớn có gác ( nhà số 7 và số 13) là những nhà có diện tích rộng ở đầu hai ngõ của Hàng Khoai giáp tường đền Huyền Thiên. Tuy nhiên phố Gầm Cầu cũng có một đoạn đường phố hẳn hoi; đó là đoạn ở bên số chẵn phía bắc đường đi: đường trải đá, mặt đường tương đối rộng, mặt phố có nhà làm liên tiếp, hầu hết là nhà một tầng diện tích đủ cho một gia đình trung lưu, phía giáp phố này cũng có một ngôi nhà gác cao đẹp sân rộng, hàng rào ngoài, có cổng vào ( số 14); đầu cạnh Hàng Giấy là lớp nhà phụ thuộc của ngôi nhà lớn 3 tầng quay ra phố chính. Đoạn từ ngã tư Nguyễn Thiếp đến đường Bờ Sông chỉ là một đoạn phố ngắn, đầu phố là khu đình Phúc Lâm với chiếc tam quan khá lớn trông ra bờ sông; ngoài ra không có nhà cửa nào khác. Phố Gầm Cầu luôn là một khu cư dân của những gia đình nghèo.
Biên tập: 36phophuong.vn
|