Phố xưa thuộc phường Hà Khẩu (còn gọi là Giang Khẩu), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, nơi cửa sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng. Đến thế kỉ 19, người Hoa Quảng Đông từ khu vực phố Hàng Ngang mở rộng đến tận đây, và dần dần thao túng cả phố. Hội quán Quảng Đông lập tại phố này. Trước kia trên phố, cạnh đền Bạch Mã có chợ Bạch Mã, sau chợ này cùng với chợ Cầu Đông dồn về chợ Đồng Xuân.
Thời Pháp thuộc, phố có tên tiếng Pháp là “Rue des Voiles”, dịch ra tiếng Việt là phố Hàng Buồm. Sau 1954, phố chính thức được gọi tên là phố Hàng Buồm.
Phố Hàng Buồm xưa chuyên bán các loại buồm. Đó là buồm được may bằng vải hay đan bằng cói dùng cho thuyền bè. Sản phẩm xưa kia của phố là các loại bị, túi, vỉ buồm, chiếu buồm... đan bằng mây, cói. Nguyên liệu được các thuyền chở vào tận sát phố, và cũng các thuyền ấy chở sản phẩm đi các khu vực khác. Sau người Hoa chiếm lĩnh phố thì các mặt hàng này dần biến mất. Hoa Kiều mở nhiều hiệu ăn ở phố này.
Theo các tài liệu còn lưu lại thì sự có mặt của Hoa thương ở Hàng Buồm bắt đầu từ rất sớm và có lẽ từ thế kỉ thứ 19 phố này đã trở thành một phố Tàu. Từ khi người Pháp đặt chân đến Hà Nội năm 1872 thì Hàng Buồm đã rất đông Hoa Kiều và có nhà Hội Quản. Thời kì này, nhiều lái buôn người Hoa cũng đã bất chấp luật pháp của triều đình, lén buôn bán với các lái buôn Pháp và có người còn làm nội gián. Vì thế, những năm biến động từ 1873 - 1882, Hà Nội xảy ra nhiều cuộc chiến, thành trì 2 lần bị hạ, các phố đều bị đốt phá, cướp bóc, riêng khu người Hoa ở phố Hàng Ngang, Hàng Buồm thì vẫn giữ được cảnh ồn ào, đông vui của một phố chợ. Ở phố Hàng Buồm thời kì này còn có cổng dựng chắc chắn ở đầu phố, có người canh gác ban đêm. Trong thời kì đầu này, Pháp vẫn chưa xây dựng được công trình kiến trúc nào nên đã sử dụng Hội Quản Hàng Buồm làm chỗ hội họp, tiếp tân khi có đại lễ. Giai đoạn này, các thương nhân Hoa Kiều làm giàu nhanh chóng và tập trung ngày càng đông ở các phố này, người Việt ở phố đã dần dọn nhà sang các phố khác, biến Hàng Buồm thành một "phố khách" với những cửa hàng buôn bán của người Hoa giàu có, phát đạt.
Ngày nay trên phố có nhiều cửa hàng bán bánh kẹo, hạt dưa hạt bí các loại, phong phú đa dạng. Cùng với đó là các loại rượu bia, nước giải khát. Các dịp Tết và Trung thu, nơi đây rất tấp nập. Và trên phố Hàng Buồm vẫn còn nhiều di tích tôn giáo cũng như di tích cách mạng: Ngôi đền Bạch Mã nổi tiếng nằm ở số nhà 76, Đền thờ thần Long Đỗ, là trấn phương Đông của kinh thành Thăng Long xưa, Đền Bạch Mã là công trình kiến trúc khá lớn, quy hoạch theo chiều sâu, bắt đầu từ phố Hàng Buồm đến phố Ngõ Gạch, xây dựng theo hướng Đông Nam, sát hè phố Hàng Buồm. Ngoài ra, trên phố Hàng Buồm còn có ngôi đình Tử Dương nằm ở nhà số 8, dân gian vẫn gọi là đình Hàng Thịt vì do phường Hàng Thịt gốc ở làng Kim Ngưu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ra Thăng Long hành nghề lập nên.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, Hàng Buồm nằm ở trung tâm Liên khu I. Do Ủy ban Kháng chiến Liên khu cho phép các cửa hàng buôn bán của Hoa Kiều được tự do mở cửa nên phố này là nơi duy nhất ở Hà Nội có các hoạt động dịch vụ nhộn nhịp. Một trong hai trạm quân y của Liên khu I cũng được đặt ở số 26 Hàng Buồm.
Hàng Buồm là con phố giữ được vẻ sầm uất lâu bền nhất qua những thử thách lịch sử. Ngay trong thời kỳ 60 ngày đêm mở đầu kháng chiến chống Pháp đây là khu vực được cả hai bên lâm trận đều chừa ra làm nơi"phi chiến địa".
Biên tập: 36phophuong.vn
|