Hàng Cân là một trong những phố nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Phố bắt đầu từ ngã tư phố Lãn Ông - Chả Cá đến ngã tư phố Hàng Bồ, nối với phố Lương Văn Can. Phố dài 104m, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Thời Pháp, phố được gọi là phố Des Balances. Tên phố Hàng Cân xuất hiện vào khoảng cuối thế kỉ XIX. Trước đó, đoạn phía Bắc phố này gọi là Hàng Sơn dưới, quãng phố Chả Cá hiện nay thuộc phía Nam có tên là Hàng Sơn trên.
Đây nguyên là đất thôn Hữu Đông Môn và thôn Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đến giữa thế kỷ XX, thôn Xuân Hoa hợp với thôn Yên Hoa thành thôn Xuân Yên và tổng Tiền Túc đổi là tổng Thuận Mỹ. Dấu vết xưa của hai thôn là đền Xuân Yên của thôn Xuân Hoa, ở số 44 và đền Xuân Yên của thôn Yên Hoa cũ ở nhà số 6A phố Lương Văn Can. Dấu tích làng Hữu Đông Môn thì nay là đình Đông Môn, chỗ nhà số 8 phố Hàng Cân.
Khi còn sông Tô Lịch, thuyền chở sơn Phú Thọ về Hà Nội, ghé ở khúc này, hai bên bờ có nhiều nhà buôn sơn. Sông Tô Lịch bị lấp thì thuyền buôn sơn ghé ở bến Lò Sũ và sơn bán nhiều ở phố Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu. ở phố này, xuất hiện một số cửa hàng làm và bán cân nên gọi là phố Hàng Cân.
Lịch sử nghề làm và bán cân ở Hà Nội cũng mới bắt đầu vào những năm thập niên cuối thế kỷ XIX. Ngày ấy những người buôn cân ở Phủ Lý lên bán ở chợ Đông Thành và Cầu Đông, có mấy người quen trọ tại nhà ông Tưởng Văn Phong ở đầu phố. Ông Phong gốc người làng Tó, học được nghề làm cân và thước gỗ thợ may, mở cửa hàng thuê người giúp việc ( cửa hàng ở cạnh đền Xuân Hoa). ít lâu sau, phố này có thêm dăm bày nhà cũng mở cửa hàng làm và bán cân, bán thước gỗ có đóng đinh đồng chia phân li của thợ may. Những cửa hàng làm và bán cân ở số nhà 8-32-44-52-56.
Cân có nhiều loại: Cân tiểu ly dùng để cân vàng, bạc, thuốc bắc, loại cân này có hộp gỗ bảo vệ bên ngoài. Cân cán gỗ có đóng đinh đồng để cân hàng khô, gọi là cân tạ, mỗi cân chỉ bằng 0,006kg. Vào những năm 40 của thế kỷ XX các loại cân cán sắt, cán treo, cân đĩa, cânbàn ngoại tràn vào làm cho nghề làm cân ta bị mai một. Phố Hàng Cân chỉ còn tên, không còn cửa hàng nào sản xuất và bán cân.
Từ thời bao cấp giấy vụn “có giá”. Phố Hàng Cân xuất hiện nhiều cửa hàng thu mua giấy vụn, giấy mua về được phân loại, loại nhỏ bán cho các cửa hàng xôi, lạc rang, ô mai... làm giấy gói hàng, loại lớn hơn bán cho mấy "chú hoa nan" nhuộm phẩm màu xanh đỏ tím vàng làm hàng mã, loại "khổ to" được dán thành "bao bì". Từ bao bì giấy đến bao bì các tông, xốp đủ kích cỡ để đóng kiện hàng vô cùng tiện lợi, vừa đẹp, lại bảo vệ hàng họ, vận chuyển thuận lợi. "Bao bì Hàng Cân" trở thành thương hiệu có uy tín.
Phố Hàng Cân là một phố nhỏ, trải qua thời gian nhưng phố hiện nay không có nhiều biến đổi, vẫn giữ được nét cổ xưa với nhà nhỏ, một tầng, nếu có gác thì được xây theo kiểu chồng diêm. Hiện nay, nhiều nhà trên phố cũng mở cửa hàng và bày bán các nhu yếu phẩm.
Biên tập: 36phophuong.vn
|