- Hàng Đào vẫn được coi là phố chính của Hà Nội. Phố Hàng Đào là nơi buôn bán lụa là vóc nhiễu với nhiều màu sắc đẹp đẽ, và người Hàng Đào vẫn được tiếng là người thanh lịch, con người của “kinh kỳ” kiểu cách đến thành cầu kỳ hào nhoáng.
Phố Hàng Đào tại thành Thăng Long xưa thuộc phường Đồng Lạc và Đại Lợi, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương đời Hậu Lê. Phường Đại Lợi tập trung người làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương), làng Đình Loan, Đông Cao (Bắc Ninh) chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần, Hồ, đến đời Lê đã rất sầm uất. Các nhà bán vải chủ yếu là bán lẻ. Phiên chợ tơ của phố mở vào ngày mồng 1 và 6 âm lịch hàng tháng.
Có lẽ những dân Hàng Đào thứ nhất là người Đan Loan (Hải Dương), quê ông Phạm Đình Hổ. Sau này nghề nhuộm màu dọn sang phố Cầu Gỗ. Hàng Đào chuyển thành phố bán các hàng tấm: the, lượt, lụa, là, cấp, đũi, bǎng, sa, xuyến, chồi. Lượt để chít khǎn. The có nhiều thứ: the đơn, the kép (dầy), the La Cả ( mỏng nhất). Sa trong suốt, cũng có sa hoa. Bǎng như sa, có hoa gọn. Xuyến như sa, có cát nổi ngang. Vǎn nhân hay mặc sa đơn. Phố bán cả vóc, gấm, nhiễu, kỳ cầu, cố y, đoạn. Làng La dệt được gấm đẹp, nhiễu mua từ Bình Định. Đoạn, kỳ cầu, mua của khách thương Hàng Ngang Lãnh ( lĩnh) thâm rất thông dụng, may quần phụ nữ, dệt ở Bưởi và Trích Sài.
Hàng Đào là hàng nhuộm màu đỏ. Ở Trường Yên thành Hoa Lư xưa, bây giờ người ta còn trỏ một chỗ là Hàng Đào. Từ bờ Bắc Hồ Gươm, chỗ Bãi Dừa, nay là "Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục" trở lên là Hàng Đào. ở chỗ này, sau khi hạ thành Hà Nội, Jean Dupuis và Puginier đã đem ông cử Tạ Vǎn Đình ra chém. Rồi sau đấy, kinh lược Bắc Kỳ, nǎm 1887, cũng lôi ông thủ khoa Nguyễn Cao ra hành hình.
Thời Pháp thuộc, phố mang tên là Rue de la Soie (phố bán lụa). Khi đó dọc phố có lắp đặt đường ray tàu điện bánh sắt chạy từ bờ hồ Hoàn Kiếm đi vườn hoa Hàng Đậu. Ngày nay đường ray tàu điện không còn nữa. Khoảng năm 1925, vải tây thắng thế, quá nửa phố cho thuê bán vải tây, hàng truyền thống vắng hẳn. Rồi dần dần phố không còn bán vải nhuộm màu nữa, các chủ hàng có nhiều vốn chuyển sang các loại hàng cao cấp, xa xỉ.
Nghề nhuộm màu tạo nên loại sản phẩm đặc trưng trở thành tên gọi của một trong những con phố nằm trên trục đường thuộc loại sầm uất nhất của người bản xứ, chạy dọc từ Bờ Hồ cho đến Chợ Đồng Xuân.
Sách “Dư Địa Chí” của danh nhân Nguyễn Trãi gọi tên gốc của phố này thuộc địa phận “phường Đại Lợi”, tâp trung dân làng Đan Loan chuyên nghề nhuộm tơ lụa có từ thời Trần - Hồ, rồi quy tụ đến đây như một khu chợ vải vóc cũng họp theo phiên. Phiên chợ thu hút các làng dệt tứ xứ đến mua bán, như the từ La Cả, La Khê, lĩnh từ làng Bưởi ven Hồ Tây, gấm vóc của Vạn Phúc, rồi các giao dịch của thợ nhuộm, thợ cửi, người bán tơ, bán sợi…
Về sau, vải vóc còn giao dịch với miền Trung hay miền Nam, cũng như việc nhập hàng vải bông từ nước ngoài vào nội địa. Kể từ sau Đại chiến I, lại có thêm người Ấn Độ đến sinh sống với các cửa hàng “Tây Đen bán vải”, càng làm cho phố phường thêm sinh động, cạnh tranh với cái sầm uất của dãy phố liền kề là Hàng Ngang - có nhiều cửa hàng người Hoa giàu có nhưng không buôn bán loại hàng dùng làm đồ mặc này.
Từ năm 2006, UBND Quận Hoàn Kiếm cho phép thành lập tuyến phố đi bộ Chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân vào tối các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật. Chợ đêm bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, một số đặc sản của Hà Nội phục vụ du khách du lịch. Tuyến phố đi bộ trên chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân đã tạo nên một nét văn hóa mới của Thủ đô, thu hút được sự quan tâm của nhân dân thủ đô và du khách đến Hà Nội.
Hiện nay Hàng Đào là phố một chiều cho các phương tiện giao thông và vẫn được coi là phố buôn bán chính, đặc trưng của người Hà Nội.
Biên tập: 36phophuong.vn
|