Hàng Đậu là một đường phố khá quan trọng, đi từ trên đê Yên Phụ, tức là bờ sông Bến Nứa, vào đến ngã năm đầu Hàng Than – Hàng Giấy - Quan Thánh - Hàng Cót.
Phố Hàng Đậu là một yếu hầu của Hà Nội, dẫn đến cả một vùng bao la phía Đông và Đông Bắc bên kia sông Nhĩ Hà. Thời ấy, ngã tư Hàng Đậu – Nguyễn Thiếp (thường đọc nhầm là Nguyễn Thiệp) là cửa ô Phúc Lâm (không phải ô Phúc Lâm phía sau) vì đây là đất thuộc các thôn Phúc Lâm, Nghĩa Hưng của tổng Tiền Túc và Hậu Túc (sau là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương.
Hàng Đậu, dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19) được coi như đường ranh giới giữa hai khu Cửa Bắc và Cửa Đông. Chỗ đất đó thuộc về hai thôn Phúc Lâm và Nghĩa Lộc đều của huyện Thọ Xương; còn quãng phía bắc giáp với thôn Hoà Giai và Yên Thuận lại theo về huyện Vĩnh Thuận, tổng Yên Thành.
Sở dĩ gọi là Hàng Đậu vì ở đường phố đó, những ngày phiên chợ, người nông thôn ngoại thành gánh các thứ đậu tụ tập bán ở hai bên vỉa hè: đậu xanh, đen, trắng, đậu nành...và người trong những ngõ quanh đấy mua về chế biến làm đậu phụ, ngân giá đỗ.
Thời Pháp thuộc, gọi là “Phố các hạt”, ngụ ý là các hạt đậu. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền ta khôi phục lại tên gọi cổ truyền.
Phố Hàng Đậu nay không ai buôn bán đậu mà phần lớn là buôn bán lốp ôtô, sửa chữa và bán phụ tùng ôtô, xe máy, là một phố tiếp khách đầu tiên khi khách tiếp xúc với Hà Nội, khi vừa rời khỏi cây cầu Long Biên hai mươi nhịp. Ngày nay phố Hàng Đậu kinh doanh nhiều mặt hàng: Tân dược, điện thoại di động, có cả một ngân hàng Bắc Á và khá nhiều hàng bán cá cảnh, bể cá các loại.
Biên tập: 36phophuong.vn
|