Con phố dài 180m, nối phố Đồng Xuân, chỗ ngã tư Hàng Chiếu - Hàng Mã, cắt ngã tư Ngõ Gạch - Hàng Cá tới phố Hàng Ngang, chỗ ngã tư Hàng Buồm - Lãn Ông, thuộc quận Hoàn Kiếm.
Hàng Đường là cái tên có từ trong ca dao xưa và không bị thay đổi, có chăng thêm cái tên phố Cầu Đông, khi có một chiếc cầu đá bắc ngang con sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch hồi chưa bị lấp chảy dài từ Hàng Lược qua Hàng Cá, dọc Ngõ Gạch ra sông Hồng đoạn cuối Mã Mây.
Phố Hàng Đường đã có từ lâu, chuyên bán các loại đường, mứt. Trước những năm 60 của thế kỷ XX, đây vẫn là trung tâm buôn bán bánh kẹo lớn ở Hà Nội, nhất là vào các dịp Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán. Thời Pháp thuộc, phố này có tên là Rue du Sucre (Hàng Đường). Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc các thôn Vĩnh Thái và thôn Đông Hoa Nội Tự, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ XIX, thôn Vĩnh Thái đổi thành thôn Vĩnh Hanh và thôn Đông Hoa Nội Tự hợp nhất với thôn Đông Hoa Môn và thôn Hậu Đông Hoa thành thôn Đức Môn, còn Tổng Hậu Túc thì đổi thành tổng Đồng Xuân. Dấu vết các thôn xóm này là các ngôi đình, chùa còn sót lại: Đình Vĩnh Hanh nay là số nhà 19B, đã bị dời lên gác 3. Đình Đức Môn là số nhà 38 thờ Ngô Văn Long, một danh tướng đời Hùng Vương thứ18, mà nơi thờ chính là ở chùa Hàm Long. Chùa Đông Môn thì dân chúng vẫn quen gọi là chùa Cầu Đông, nay ở số nhà 28B. Ở đây có nhiều bia, được khắc vào những năm 1633, 1639, 1701. Và có một quả chuông khắc chữ Đông Môn Tự Chung, đúc từ thời Tây Sơn (1800). Cầu Đông là chiếc cầu đá đi qua sông Tô Lịch tại thôn Đông Hoa Môn.
Ngày nay, Hàng Đường bán đủ các loại ô mai nổi tiếng của Hà Nội. Đến khoảng những năm 1940, phố Hàng Đường bắt đầu có vài hàng ô mai nhỏ với vài thứ ô mai đơn sơ, đều chế biến từ mơ. Dù chưa từng là món quà lâu đời được các tài liệu cổ nhắc tên trong kho tàng ẩm thực dân gian của đất Tràng An, khoảng hai chục năm trở lại đây, ô mai nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và niềm yêu thích của người dân Hà Nội. Các cửa hàng lớn mọc lên ngày càng nhiều dọc phố Hàng Đường.
Sản phẩm này ở Hàng Đường vẫn chiếm được lòng du khách. Cả phố giờ chỉ còn vài gia đình giữ được nghề nhưng phố vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người bởi sản phẩm đậm đà hương vị quê hương, góp phần tạo nên bản sắc Hà Nội.
Biên tập: 36phophuong.vn
|