Phố Hàng Giấy dài 228m, trước kia là hai phố: đoạn Hàng Chiếu đến Ngõ Gạch là phố Hàng Màn (tên tiếng Pháp là Rue Lataste) và và đoạn phố Hàng Giầy, còn có tên là phố Nguyễn Duy Hàn, tên một tuần phủ Thái Bình.
Sau 1945, đổi là phố Tán Thuật. Đến 1947 đổi lại thành phố Hàng Giầy (cũng là tên mặt hàng kinh doanh chủ yếu lúc bấy giờ) và vẫn giữ nguyên tên gọi này cho đến ngày nay. Ngày nay, phố này không còn buôn bán giầy mà chỉ còn những cửa hàng bán bánh kẹo và hàng vặt. Đoạn Hàng Màn trước đây là phần đất thôn Cổ Lương, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, nằm trên bờ Bắc sông Tô Lịch. Phần Hàng Giầy là đất thôn Hài Tượng, thuộc tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương.
Đoạn cuối phố từ Hàng Buồm đến đầu Lương Ngọc Quyến được coi là phần phụ thuộc của Hàng Buồm vì nơi đây cũng tập trung nhiều cửa hàng ăn uống của người Tàu, những hiệu ăn nhỏ không phải là cao lâu.
Đoạn phố này trước kia có tên là Hàng Giầy vì một thời có những cửa hàng bán giày da lộn dép quai ngang của thợ giày làng Chắm làm ra; những thứ giày dép đó không còn khách mua nữa và cửa hàng giày cũng không còn; chủ đất cho phá những ngôi nhà cũ kỹ xây lại thành dãy nhà gác cho Tàu thuê làm cửa hàng ăn uống, bên trên là chỗ gia đình họ ở.
Ngày nay giữa phố Hàng Giầy ở số nhà 30 còn giữ lại được một ngôi đền là Nội Miếu của thôn Hài Tượng. Đền này sau đã bán cho dân các phường Hàng Bạc làm nơi thờ vọng về Trâu Khê (vào năm 1895).
Biên tập: 36phophuong.vn
|