Phố Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, Tổng Hậu Phúc, huyện Thọ Xương. Từ thời nhà Lê, nơi đây tập trung nhiều nhà sản xuất lược chải đầu nên có tên phố Hàng Lược.
Đến đầu thế kỷ XX, không còn ai bán lược nữa, nên phố có tên Cống Chéo - Hàng Lược (ở giữa phố có một cái cống bắc chéo qua sông Tô Lịch).
Trước đây được gọi với tên Phố Sông Tô Lịch. Phố Hàng Lược phía Bắc giáp với phố Hàng Cót, từ cầu Sắt xe lửa đi xuống đầu ngã năm Hàng Mã - Chả Cá - Hàng Đồng - Thuốc Bắc, dọc theo bờ sông Tô Lịch cũ ở phía bắc. Vì thế mà thời thuộc Pháp, chính quyền thành phố đặt tên phố đó là phố Sông Tô Lịch. Dòng sông Tô Lịch từ chỗ cửa sông thông với sông Hồng theo hướng đông tây, đến phố Hàng Cá thì quặt lên hướng tây bắc đến sát tường thành Hà Nội để làm thành con hào thiên nhiên bảo vệ thành trì; chỗ quặt đó ở ngang số nhà 14 Hàng Lược, những năm thập niên mười trước kia người bên Hàng Đồng (phố cũ) sang chợ vẫn phải qua chiếc cầu tre, cầu đó được thay thế bằng một chiếc cổng lớn, vì lòng sông đã cạn chỉ còn như một lạch thoát nước, do đó mà đường phố này còn một tên nữa là phố Cống Chéo Hàng Lược.
Dân phố Hàng Lược khi không còn bến sông, sống nhờ cả vào chợ Đồng Xuân; họ là những người buôn bán nhỏ, thợ thủ công. Trong phố cũng có một số gia đình công chức và nhân viên sở tư, những gia đình công chức nhỏ thì thường chồng đi làm ở công sở, vợ buôn bán trong chợ, ở nhà bày bán loại chọn riêng thứ xấu bán lẻ cho người qua đường.
Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/1954, phố trở lại tên cũ Hàng Lược, có chiềudài 264m, từ ngã ba Hàng Cót đến ngã năm Hàng Mã. Phố vẫn còn 2 ngôi đình: Đình Phủ Từ ở số 19 và đình Vĩnh Trù số 59, đều thờ "Tứ vị Hồng Nương". Tương truyền, vào thời nhà Trần, bà con dân chài ở cửa bể Càn Hải (Nghệ An), vớt được 4 xác phụ nữ, đem chôn cất và lập đền thờ. Về sau dân thuyền mành xứ Nghệ ngược xuôi buôn bán trên sông biển thờ "Tứ Vị" trên thuyền để cầu yên sóng gió. Ở Hà Nội, dọc sông Tô, sông Hồng cũng có tới mười ngôi đền thờ như vậy.
Cứ như tên gọi thì phố này là nơi tập trung các nhà buôn bán mặt hàng lược chải đầu. Lược sừng thì từ Thụy Ứng (Thường Tín) đem lên. Lược bí thì từ Hoạch Trạch (Bình Giang-Hải Dương) đem sang. Lược gỗ từ làng Tiên Nhị Khê cũng từ Thường Tín mang đến. Thời đấy người ta quen gọi phố này bằng một cái tên phức hợp là Cống Chéo-Hàng Lược. Vì trước kia, ở khoảng giữa phố, chỗ ngang số nhà 12-14 có một cái cống bắc chéo qua sông Tô. Sông Tô vốn từ cửa sông (nơi phố Chợ Gạo ngày nay) qua các phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch cắt ngang phố Hàng Đường rồi bẻ quẹo lên phía Bắc, qua phố Hàng Lược, nhập vào dãy hào ở ngoài bức tường thành phía Bắc (tức phố Phan Đình Phùng) rồi lên Bưởi… Như vậy là phố Hàng Lược đã chạy dọc trên bờ phía Đông sông Tô, có đoạn lại chính là lòng sông. Tới cuối thế kỷ IX, thực dân Pháp lấp đoạn đầu sông Tô và phá thành Hà Nội. Lúc này chỉ còn vài nhà bán lược ở cạnh đình Vĩnh Trù để đến những năm 1935-1936 trở thành hàng thịt chó và hàng phở…
Từ những năm 20 thế kỷ trước, phố Hàng Lược có một mặt hàng chỉ bán vào dịp Tết: Hàng Hoa. Bắt đầu từ 23 tháng Chạp, Tết ông Công, cho tới tận chiều tối 30 Tết, chợ Hoa họp dọc phố, có người gọi là "phố chợ hoa".
Đi chợ hoa Hàng Lược không những được xem hoa, còn được ngắm những trai, gái Hà Nội, và kể cả các giới thượng lưu, ăn vận rất phong độ đi chơi chợ hoa. Hoa chọn được những cành đào, chậu quất, bó cúc, lay ơn hay những cành hải đường ưng ý lên xe tay, hoặc nhà gần thì đi bộ rước hoa Tết về nhà.
Chợ hoa Hàng Lược còn bày bán cả đồ đồng và đồ cổ ngồi ở phía đầu Hàng Mã, phố Chả Cá, những người chuộng đồ cổ cũng đi đi lại lại ngắm nghía nâng lên đặt xuống xem niên đại xem màu men, khá sành điệu...
Ngay cả những ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) dân tản cư không họp nhưng giở những trang báo cũ còn ghi lại ở những chiến lũy phía Hàng Lược bà con ngoại thành đất làng hoa, vẫn vượt qua nguy hiểm, đồng bào Nhật Tân, Quảng Bá vẫn gửi hoa vào cùng quà Tết tặng chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô đang chiến đấu trong nội thành...
Phố Hàng Lược cổ mà lại mới. Hàng Lược đang tự làm mới mình để hòa nhập vào xu thế chung của thời đại.
Biên tập: 36phophuong.vn
|