Phố Hàng Phèn là đoạn từ phố Thuốc Bắc đến phố Cửa Đông. Thời Pháp thuộc gọi là Rue du Vieux Marché ( Phố Chợ cũ) .
Phố Hàng Phèn ngắn chỉ độ trăm mét, song hai bên mặt phố toàn là nhà kiểu mới, nhà hai ba tầng, xây liền nhau; đi ngoài phố, chỗ này không còn vết tích ngôi nhà cổ như những phố khác.
Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, chỗ này có một cái chợ, gọi là chợ Đông Thành thuộc thôn Đông Thành Thị, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Do đó thời Pháp thuộc phố này còn được gọi là phố chợ cũ (Rue du Viex Marché). Từ năm 1945 phố được mang tên chính thức là Hàng Phèn.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, phố Hàng Phèn còn là một phố cổ nhỏ. Tên gọi là Hàng Phèn vì ở đây có bán phèn, các loại phèn đen, phèn xanh, phèn chua nhất là phen chua để lọc nước sông, nước hồ. Thời kỳ đó nhiều phố Hà Nội chưa có mấy nước máy nên dân phố phải đi gánh nước ở sông hồ về dùng ( một số nhà có giếng trong sân), hoặc thuê người gánh nước, nước sông phải đánh phèn cho lắng đất phù sa trước khi về cất hàng. Phèn cục to, mua về phải đập nhỏ ra mới dùng được. Phèn một phần nhỏ bán cho người Hà Nội còn lại bán cho người các tỉnh. Ngoài phèn ra, phố này còn có bán các loại hàng tạp hoá, giấy bút như bên phố Hàng Bút cũ ở liền đó.
Quang cảnh một cửa hàng thời kỳ đầu không khác gì ở những phố khác: nhà cửa lùa, ban ngày hạ cánh cửa xuống bậu cửa làm quầy bày hàng; trên quầy bày những thúng phèn, thúng hạt móng chó, mã tiền, thuỷ ngân đựng trong những ống tre khô; cạnh những thúng mủng đó là những chồng giấy bản, những hộp mực tàu, bỏ bút lông. Các bà bán hàng ngồi trên sạp, phía sau là tủ ngăn đựng hàng. Mấy tháng giáp Tết, ở đây bán thêm cả pháo, chè tàu. Sau này lại có cả giấy tây. Trước năm 1930, phố Hàng Phèn hầu hết là nhà một tầng cũ kỹ. Sau này những ngôi nhà cũ kỹ được xây lại theo kiểu mới với những vật liệu sắt thép xi măng, nhưng vì giá trị đất của một phố buôn bán rất cao nên diện tích không thể mở rộng được và nhà nọ xây liền tường nhà kia.
Biên tập 36phophuong.vn
|