Đoạn đầu phố Lương Ngọc Quyến ngày nay tên thời thuộc Pháp là phố Nguyễn Khuyến, đi từ Hàng Giấy đến ngã tư Tạ Hiện nằm trong khu tứ giác Hàng Buồm - Hàng Giầy - Tạ Hiện, thuộc đất phường Hà Khẩu, đồng thời mang tính chất chung của khu vực cửa hàng ăn uống của Hà Nội.
Từ chỗ rẽ Hàng Giày đầu phố chỗ bẻ thước thợ đến ngã tư Tạ Hiện, dãy phía bắc bên số chẵn, bắt đầu từ một dãy chín gian hai tầng của một chủ làm thuê (từ số 36 đến số 52) đều là những gia đình khách trú, gần như tất cả tầng dưới nhà gian ngoài là cửa hàng bán phở, cháo , quẩy, bánh bao, xen kẽ có vài ba nhà làm nghề thợ may, chữa máy móc nhỏ. Tiếp đến là dãy tường bên của nhà ngõ Quảng Lạc (Tạ Hiện), bên trong là nhà ngang nhà phụ thuộc có cửa mở phố, thế mà cũng có những mẹt hàng, chõng hàng bán xôi chả, bánh cuốn, bánh rán, chè vừng chè khoai. Dãy bên phía Nam, số lẻ, chỗ gíap với ngõ Nội Miếu là một kho hàng lớn bên trên có kẻ hàng chữ “Chi Long y trạm” (Kho thuốc hãng Chi Long); cạnh đó có một cơ sở nấu sì dầu - nay là xưởng sản xuất đậu phụ - chiếm một khoảng rộng. Rồi đến hai dãy gồm bốn năm nhà hai tầng, ba tầng và một nhà khá rộng (số 55) nay là cơ sở của mậu dịch quốc doanh. Tiếp theo còn lại là những nhà một tầng nhỏ cũ kỹ một hoặc hai gian, mở cửa hàng điểm tâm nhỏ như cà phê, cháo, phở, xôi chả, bánh cuốn, quán nước chè. Qua ngã tư phố Lương Ngọc Quyến bây giờ, phân làm hai đoạn mang tính chất khác nhau rõ rệt: một bên là phố Nguyễn Khuyến (thời Pháp) thuộc khu vực cửa hàng ăn uống Hàng Buồm; một bên là phố Galet (thời Pháp) thuộc khu cư dân Ngư Võng, nơi trú ngụ của dân lao động và dân nghèo thành thị. Khu vực Lương Ngọc Quyến - Mã Mây ngày nay ở trên đất trước kia là thôn cũ Ngư Võng, một thôn của tổng Hữu Túc, ở trên bờ phía đông bắc phố Hàng Buồm. Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, khu này vẫn còn dấu vết nhiều hồ ao đất trũng đầy bèo tây, dân làng còn gọi là làng Chài (và sau thành phố xá rồi còn mang tên phố Chài). Dân ở đó sống một phần nhờ ở nghề đánh bắt tôm cá; một số người Tàu nghèo cũng sinh sống ở quanh đây bằng nhiều nghề mọn. Trong xóm nhà tranh lụp xụp, ngõ nhỏ quanh co; có mấy chỗ người Tàu bên Hàng Buồm đặt chàn nấu xì dầu. Chính quyền thành phố cho lấp hết hồ ao, vạch đường phố theo qui hoạch trên đất Làng Chài cũ,phố mới mở có tên là phố Galet, song người ở đây vẫn gọi bằng tên thông thường là phố Chài. Phố Galet còn kéo dài thêm một đoạn ngắn ra đến bờ sông.
Phố Galet thời thuộc Pháp chỉ là đoạn phía đông của phố Lương Ngọc Quyến bây giờ, đoạn phía tây ra đến đầu Hàng Giầy được gọi là phố Nguyễn Khuyến nay hợp nhất gọi là một. Đoạn Lương Ngọc Quyến phía đông có hai đoạn: Đoạn giáp bờ sông chỉ là phụ vì rất ngắn và hai bê đường phố chỉ là tường bên của nhà phố khác. Đình Hương Tượng cổng phố quay sang Mã Mây, nhà san sát đến ngã ba Đào Duy Từ (cộng hậu số 10). Đoạn chính từ ngã tư Mã Mây - Đào Duy Từ đến ngã tư Tạ Hiền: đoạn phố đó mới có sau khi hồ Ngư Võng được san bằng nên nhà cửa xây lên đều theo kiểu mới và có diện tích tương đối rộng.
Biên tập:36phophuong.vn
|