Từ Hàng Ngang - Hàng Đường rẽ vào Ngõ Gạch, đường phố cong một khúc ngắn, chỗ uốn khúc có ngôi đền cổ kính dưới bóng một cây đa rễ tua tủa xum xêu. Cổng Đền (số 14) dáng kiêm tốn, nhưng bên trong lại khá rộng, gồm đình Thành Hà và chùa Đồng Môn, lại thờ thêm cả chư vị: phật của Phật Giáo và thần tiên của đạo Lão cùng tồn tại.
Cả phố dài trên một trăm mét mà mỗi bên mặt phố không có quá năm ngôi nhà làm riêng biệt; những số nhà (số lẻ từ 5 đến 21, số chẵn từ 2 đến 20) lẫn cả số của nhà chính và số của nhà sau nhà bên phố khác. Là một phố bán vật liệu xây dựng - do thế mà có tên là Ngõ Gạch - mà nhà cửa lại thấp nhỏ cũ kỹ vì đa số đã xây từ lâu năm chưa mấy nhà được cải tạo lại, nhà kiểu cũ một hay hai tầng nhỏ (vài nhà cao là làm vào thời kỳ 1948). Cửa hàng có cửa lùa, hàng hoá bày bán ngay trên mặt nền nhà sát ngưỡng cửa: bao xi măng, gói giấy bột màu, từng bó chổi đót; gạch ngói xếp bên ngoài hiên một ít làm mẫu. Chỗ đầu phố giáp Hàng Ngang - Hàng Đường là hai dãy tường dài; giữa phố là ngôi đền cổ cũng chiếm một khoảng dài mặt đường. giáp phố Hàng Giày một bên là kho cũ của nhà Vạn Bảo (nay là Sở Lương thực Hà Nội) cũng chiếm một đoạn dài; đối diện bên kia đường là cổng sau của rạp Kim Môn, tường kéo dài đến mấy chục mét. Nhà số 20 Ngõ Gạch là cổng sau của ngôi nhà lớn bên trong cửa trước là Hàng Chiếu, hiệu Anh Hoa của Ngô Lê Đông, nơi mà Tết 1947 các chiến sĩ thủ đô đã tổ chức lễ giao thừa trong cảnh khói lửa chiến tranh trước sự ngạc nhiên của đại biểu ngoại giao nước ngoài có mặt ở Hà Nội lúc đó. Một đường phố nhỏ và ngắn như Ngõ Gạch ở thời thuộc Pháp cũng không tránh khỏi có vết nhơ của xã hội thuộc địa, tức là sự có mặt của một “nhà thổ” có đăng ký và nộp thuế môn bài hành nghề cho chính con em trong nhà.
Biên tập: 36phophuong.vn
|