Trước năm 1964 phố Phạm Phú Thứ gồm cả hai phố Nguyễn Quang Bích và Hội Tin Lành bây giờ. Phố Phạm Phú Thứ trước kia dài gần hai trăm mét, và phố Nguyễn Quang Bích ngày nay chỉ có một trăm hai mười mét.
Nguyễn Quang Bích, sinh năm 1832, hiệu Ngư Phong, quê ở xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ngay từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi nhất trong vùng. Ông đỗ Đình Nguyên Hoàng Giáp năm 1869.
Khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), ông giữ chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hóa và là người cương quyết chống lại đường lối thỏa hiệp của triều đình.
Năm 1883, quân Pháp tấn công Hưng Hóa, ông đã anh dũng, chỉ huy binh lính giữ thành. Khi kinh thành rơi vào tay giặc, ông không tuân lệnh bãi binh của triều đình bắt về Huế nhậm chức, mà rút lên vùng Tây Bắc lập căn cứ chống Pháp lâu dài.
Năm 1885, vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, Nguyễn Quang Bích trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào kháng chiến ở Bắc Kỳ, được phong làm Lễ Bộ Thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ.
Nghĩa quân của ông gồm người Kinh, người Mường, người Thái... đã biết dựa vào rừng núi hiểm trở để đánh du kích, lập được nhiều chiến công oanh liệt, gây cho kẻ địch nhiều tổn thất nặng nề.
Không chỉ là một nhà quân sự tài hoa, Nguyễn Quang Bích còn là một nhà văn tiên phong về Tây Bắc. Cuộc đời, sự nghiệp cùng những vần thơ về cảnh vật và con người Tây Bắc của ông là một tài sản quý và niềm tự hào của nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Tây Bắc nói riêng.
Trong những tác phẩm của ông để lại có nhiều bài văn xuôi, trong đó giá trị nhất là tác phẩm “Ngư Phong thi văn tập” gồm 97 bài thơ chữ Hán, viết từ năm 1884 đến 1889.
Đây là những áng văn chương thấm đượm tinh thần yêu nước, thương dân, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn thơ yêu nước thời cận đại.
Ông mất đầu năm 1890 tại căn cứ của nghĩa quân ở vùng núi Tôn Sơn thuộc xã Mộ Xuân, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Phố Phạm Phú Thứ có một đặc điểm là gãy góc ở đoạn ngắn giáp phố Phùng Hưng.
Nhà cửa phố Phạm Phú Thứ hoàn toàn xây để ở hoặc làm dãy nhiều gian để cho thuê. Nhà nào cũng cao ráo đẹp đẽ cho thuê cao giá; người thuê cũng phải là những công chức lương cao. Vì thế người quanh đấy đã gọi phố Phạm Phú Thứ là “ phố các ông tham” .
Hai ngôi nhà lớn ở hai góc ngã ba Phùng Hưng là nhà ở bên phố đó; còn nhà của phố Phạm Phú Thứ (Nguyễn Quang Bích) bên số chẵn có một dãy sáu gian nhà hai tầng đến chỗ gãy góc ở quãng đường cong; bên số lẻ chỗ gãy góc là cổng sau của dinh cơ Hoàng Thụy Chi, rồi đến mươi ngôi nhà hai tầng làm riêng lẻ. Ngôi nhà số 14 Phạm Phú Thứ cũ 9 nay là nhà số 11 Nguyễn Quang Bích, thời kỳ mặt trận dân chủ 1937 - 1939 là trụ sở của báo Thế Giới, cơ quan của Đoàn Thành niên Dân chủ).
Cả phố Phạm Phú Thứ chỉ có hai ngôi nhà một tầng (số 20 và số 22) xây theo kiểu villa, chung quanh có sân, hàng rào trước cửa; đó là những nhà riêng của tư nhân có cửa hàng buôn bán trên phố.
Đầu phố Phạm Phú Thứ giáp với phố Nguyễn Trãi (nay là Nguyễn Văn Tố), hai góc bên đường cũng là hai ngôi nhà lớn nhiều gian quay cả ra hai mặt phố; nhà xây hình thước thợ, mỗi cạnh có bốn gian.
Biên tập: 36phophuong.vn
|