Phố Nguyễn Thiếp mang tên một nhà văn hóa lớn của Việt Nam, thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), có chiều dài 272m. Phố gồm ba đoạn: từ Nguyễn Trung Trực đến Hàng Đậu; từ phố Hàng Đậu đến Cầu Sắt và từ Cầu Sắt đến Hàng Khoai. Đây nguyên là phần đất thôn Phúc Lâm, tổng Tả Túc, huyện Thọ xương (Hà Nội xưa).
Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) người làng Nguyệt Áo, nay là Can Lộc, Hà Tĩnh, được mọi người gọi là La Sơn phu tử. Năm 1756 đỗ hương cống. Năm 1788 trên đường ra bắc đánh quân Mãn Thanh, vua Quang Trung dừng ở Nghệ An và có cho mời Nguyễn Thiếp đến hỏi chuyện. Năm 1791 Quang Trung giao cho ông giữ chứ viện trưởng Viên Sùng Chính, là cơ quan phụ trách việc biên dịch sách kinh, truyện chữ Hán ra chữ Nôm, đồng thời ủy cho ông nghiên cứu kế hoạch xây dựng kinh đô mới ở Nghệ An, gọi là "Phượng hoàng trung đô". Khi vua Quang Trung từ trần, công việc của ông không được triều đình chú ý nữa. Khi Gia Long lên ngôi có mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối.
Thời Pháp thuộc, phố Nguyễn Thiếp có tên là phố Rue Duranton.
Sau năm 1945, phố được đổi thành phố Nguyễn Mậu Kiến (tên một nhà văn hóa nổi tiếng ở Bắc Kỳ) và đến năm 1947 được đổi là phố Nguyễn Thiếp cho đến ngày nay.
Ở giữa phố có một ngôi chùa cổ tên là “chùa Bà Móc” ở số nhà 27 Nguyễn Thiếp. Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1690 nhưng bị bom tàn phá trong thời kỳ chiến tranh.
Hiện nay, trong chùa không còn cổ vật, mà chỉ có tấm bia mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4 (năm 1795) do Nguyễn Cát Định làm Đốc học ở Quốc Tử Giám soạn, nói về việc tu sửa chùa.
Tấm Bia còn có tên là “Bà Móc tự phụng sự bi ký," có thể giúp các nhà khoa học trong việc nghiên cứu chính sách tôn giáo đời Tây Sơn.
Chùa Bà Móc hiện là một trong sáu ngôi chùa ở Hà Nội mang tên các Bà./.
Biên tập: 36phophuong.vn
|