Phố cổ Hà Nội, thường được gọi nôm na là 36 phố phường, nằm trên diện tích khoảng 100 hécta ở quận Hoàn Kiếm, trung tâm thành phố Hà Nội, bao quanh bởi phố Hàng Đậu ở phía Bắc, Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ ở phía Nam, Trần Nhật Duật-Trần Quang Khải ở phía Tây và Phùng Hưng ở phía Đông.
Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng", tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó, ví dụ như Hàng Bạc, Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Chiếu… Phố nào cũng ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, lao động như một làng nghề thu nhỏ. Như đến phố Hàng Thiếc, bạn sẽ nghe râm ran tiếng búa gõ vào những mảnh tôn, mảnh thiếc trắng lấp lánh, sẽ bắt gặp hình ảnh những người thợ thiếc cặm cụi làm các đồ dùng từ nhỏ đến lớn như chân đèn, thùng, chậu, gáo múc nước, hòm, bể nước...
Phố Tạ Hiện dài trên hai trăm mét thực tế do mấy đoạn phố cũ gộp lại thành một phố dài, thời Pháp gọi là phố Géraud.
Bản đồ khu phố cổ Hà Nội 1936
Ngõ Quảng Lạc, có tên thế vì trong ngõ có rạp Quảng Lạc hát tuồng cổ. Đó là một ngõ chật hẹp lọt vào giữa hai bên tường của hai ngôi nhà cao lâu lớn và sâu của phố Hàng Buồm; dọc tường có trổ cửa sau của những lớp nhà phụ thuộc bên trong lấy lối đi ra đường của những gia đình ngụ tại đó. ( Từ Hàng Buồm đến ngã ba Sầm Công ( ngõ Lương Ngọc Quyến) có ở bên số lẻ 1-3; số chẵn từ 2-10).
Rạp hát Quảng Lạc ở quãng giữa ngõ về phía bên phải; từ rạp hát đến hết ngõ, tức là ngã tư phố Galet ( Lương Ngọc Quyến) có độ trên mươi gian nhà đều là nhà nhỏ hẹp một tầng cũ kỹ lụp xụp chật chội bẩn thỉu. Những nhà bên dưới rạp Quảng Lạc đều mở cửa hàng ăn uống giải khát phục vụ khách xem hát hoặc đi chơi đêm. Chủ nhà hàng hầu hết là khách trú; họ bán bia nước chanh chè ẩm...; họ bán cháo, phở, vằn thắn. Cửa hàng chật chội, lò bếp nấu nướng ở ngay cạnh cửa ra vào.
Sơ đồ trục phố Tạ Hiện trên bản không ảnh xưa
Đối diện rạp Quảng Lạc là một ngã ba, một ngõ hẻm nữa, gọi là ngõ Sầm Công đa số cũng là người Tàu nghèo khổ hoặc mới di cư sang Việt Nam chưa có vốn liếng, hoặc có những người đã từng làm ăn khá giả sau bị thất bại. Họ làm đủ mọi nghề: phu khuân vác cho các nhà buôn xuất nhập khẩu ở mấy phố Hàng Buồm, Đào Duy Từ, làm công trong các hiệu khách, bán hàng rong, thịt quay, bánh bao, bán các thứ chè vừng đen, chè khoai, bánh rán, xê cấu đi các phố. Dọc hai bên ngõ Sầm Công có khoảng trên chục số nhà ( từ số 12 đến số 18 và từ số 5 đến số 25) nhà nào cũng nhỏ bé chật hẹp, còn thì là tường của các nhà bên phố c hính hoặc cửa sau của mấy kho hàng lớn
Ngõ Sầm Công được nhiều người Hà Nội nghe nói đến hoặc có biết là ở chỗ đó nhưng ít người dám đặt chân đến, họ không dám đi ngang qua sợ mang tiếng vì ngõ này có nhiều nhà thổ.
Đoạn dưới phố từ ngã tư Lương Ngọc Quyến đến Hàng Bạc, thuộc đất thôn cũ Hài Tượng, là lòng cũ một hồ rộng đã bị lấp và một thời gian dài nơi đây hãy còn là một bãi cỏ hoang. Quãng này có vài ba ngôi nhà làm từ lâu nhỏ bé một tầng, mấy ngôi nhà hai tầng đã cũ xây từ những năm 1920, còn những ngôi nhà cao rộng là làm sau đó nhiều năm. Cuối phố bên dãy số lẻ là khoảng tường dài mặt bên của rạp hát Chuông Vàng.
Đoạn cuối phố không phải là chỗ buôn bán. Những cửa hàng mở ra đây là thuộc thời kỳ sau, chủ yếu là trong những năm tạm chiếm, người về thành đông, nhà cửa hiếm hoi, họ phải kiếm ăn bằng buôn bán nhỏ.
Phố Tạ Hiện Xưa (Ta Hien Str around ) 1930
Ngõ Hài Tượng dài một trăm sáu mươi mét, chỗ trước kia là một xóm nhỏ ở cạnh một cái hồ nông đầy rác, sau được lấp đi. Lối đi từ phố Tạ Hiện vào trong ngõ bắt đầu hai bên là hai ngôi nhà một tầng nhỏ cũ ( số 22 và 24) chứng tỏ bên trong là một xóm cũ mới cải tạo lại, vì đi sâu không kể liên tiếp một bên là ba bốn cổng sau khá to rộng của mấy ngôi nhà lớn bên Hàng Bạc ( như cổng sau nhà Chân Hưng với lớp nhà trong cũng khá lớn); một bên là bức tường của ngôi đình Hài Tượng, có cổng bên ( số 16) còn cổng trước quay ra phố Tạ Hiện, trong cùng mới có một dãy nhà hai tầng nhiều gian được xây trên bãi cỏ trống vào những năm đầu 1940.
Đình Hài Tượng là của người gốc làng Long lâm ( Chẩm Giữa) lập nghiệp ở vùng này.
KTS Nguyễn Hoàng Long (biên tập)
|