Như một con ngõ dài 140m; từ phố Hàng Mành đến phố đường Thành. Thuộc đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nơi có Tú Đình Thị (đình chợ Thêu) ở số 2A, thờ tổ nghề thêu và là nơi bán hàng thêu trước đây, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thời Pháp thuộc gọi là ngõ Yên Thái (ruelle Yên Thái)
Phố Yên Thái bắt đầu từ giữa phố Hàng Mành và hết ở đầu phố Hàng Điếu, ngang chỗ bãi trống trước mặt chợ Hàng Da. Phố có bề dài khoảng non trăm rưởi mét. Suốt già nửa thế kỷ thời thuộc Pháp, trong khi các đường phố chung quanh được mở mang khang trang rộng rãi thì ở phố này mặt đường hẹp chỉ vừa đi lọt chiếc xe tay, phố không có vỉa hè, không cống thoát nước, nhà cửa hầu hết chật chội lụp xụp. Những nhà trong ngõ nhất là bên số lẻ thường thò ra thụt vào, không làm theo hàng lối trông lại càng lụp xụp.Người dân cư trú đa số là dân nghèo kiếm ăn bằng những nghề nhỏ mọn. Họ chủ yếu là thợ thuyền đủ mọi nghề: vẽ mành mành, thợ mộc, thợ nề, thợ quét vôi đi rong, kéo xe... Vợ con buôn thúng bán mẹt trong chợ Hàng Da. Dân nghèo Yên Thái còn có cả những người Tàu sống về nghề bán quà rong.
Thời Pháp ở phố này còn là nơi tập trung nhiều nhà thổ, những nhà chứa chính thức có môn bài và nộp thuế.
Mãi đến những năm ba mươi bốn mươi, do giá trị nhà đất nội thành tăng cao, một số người có tiền tậu đất làm nhà cho thuê, họ xây những nhà gác hai tầng song lúc đó chưa nhiều.
Biên tập 36phophuong
|