Chuyện ngày nay thành thư giãn chứ một thời thì chắc phải cười gượng.
.
Hà Nội, một ngày đầu thập niên 1960. Đó là một ngày như mọi ngày, một chàng trai đầu 20 cắp cặp đi học. Đến giờ, các học sinh ngồi vào lớp. Trải qua tiết một, tiết hai rồi đến tiết về khoa học xã hội. Đến một lúc nào đó, đột nhiên, như bị muỗi đốt hay bị một cơn u mê lên đồng, ông thầy giáo bật lên một ví dụ về sự tha hoá của xã hội: « Đây, nhìn đâu xa. Ngay sáng nay, tôi đi qua cái nhà to đùng của cái ông bác sỹ đó trước khi đến trường. Vừa quay mặt vào thì thấy cả nhà đang ăn uống phè phỡn ngay trong vườn như lễ hội. Thật đáng xấu hổ khi xã hội còn những thành phần như vậy. Họ ngang nhiên làm giữa ban ngày ».
.
Chàng trai ngồi dưới giật mình: ông bác sỹ đó là bố anh ta và ngôi nhà đó chính là nơi anh đang sống. Nhiều học sinh trong lớp gật gù. Nhưng cũng có nhiều người khác, bạn bè hoặc quen biết anh chàng kia, thì quay lại nhìn anh một cách rất ngạc nhiên. Lớp học như một toà án mà chánh án kiêm công tố lại chính người thầy « đáng kính ». Loại toà án này phân loại xã hội và tự gắn mác cho những ai tốt hay xấu theo ý họ. Người thầy đó có biết là cậu học trò của ông chính là con ông bác sỹ đang nói không? Tất nhiên là biết chứ! Một ngày thường.
.
Quay lại thế kỷ 21. Chàng trai ngồi trong lớp ngày đó chính là bố tôi. Câu chuyện bố tôi kể lại không lạ đối với tôi vì thời 198x, bản thân tôi cũng đã nghe thấy nhiều những lời đồn thổi xấu tính tương tự. Nghĩ lại thật là buồn cười. Bản thân tôi đến đầu những năm 200x mới biết chữ « nhậu » là gì. Bây giờ đã U50 rồi, từ bé đến giờ, nhà tôi chưa bao giờ ăn cơm ở ngoài vườn, chứ chưa nói đến mở hội phơi bầy ra cho ai xem. Ngay cả khi đi ăn quán nhiều khi cũng chọn nơi kín đáo. Vậy mà có kẻ đủ khốn để bịa chuyện và đồn thổi xấu đến mức như vậy.
.
Ngày nay, bạn bè của tôi cũng trên Facebook nhiều. Chúng tôi không kết bạn với nhau vì gốc rễ gì hay vì ở Hà Nội bao nhiêu đời. Chúng tôi kết bạn vì có những giá trị văn hoá chung!
.
Cho đến ngày hôm nay, tôi không rõ động lực của những người như ông thầy giáo kia là gì khi nói ra những thứ linh tinh như vậy. Ông ấy cũng sống ở Hà Nội đấy. Ông ấy cũng có học có chữ đấy. Nhưng về giá trị văn hoá, tôi không có cái gì chung với loại người như vậy. Chính vì thế mỗi khi ai nói đến chữ « chúng ta » khi nói về Hà Nội, tôi vẫn luôn cảm thấy từ đó không hợp vì loại người như ông giáo kia vẫn còn tồn tại đầy.
.
Chắc cũng chính vì vậy loại người đó luôn kêu ca là chả đâu có Hội người Hà Nội hay có khi còn bảo cả đời chưa gặp người Hà Nội nào bao giờ: đơn giản là có khi loại người đó không được kết nạp hay không có đủ tiêu chuẩn vào hội.
|