Trùng tu Ô Quan Chưởng Trùng tu Ô Quan Chưởng , 36phophuong.vn
Những ngày này, các chuyên viên hóa học của Viện bảo tồn di tích đang thực hiện một thao tác rất quan trọng của việc trùng tu Ô Quan Chưởng, đó là xử lý bề mặt gạch ,tẩy rêu mốc chống ăn mòn di tích. Đối với một di tích gạch xây như cửa ô này,bên cạnh việc gia cố móng để đảm bảo độ bền vững thì làm sao để giữ được dấu vết thời gian đọng lại trên từng viên gạch là điều các nhà trùng tu quan tâm nhất.
Bài học từ việc trùng tu sai hỏng thành cổ Sơn Tây và thành nhà Mạc do quy trình làm thiếu bài bản của các địa phương đã khiến Viện bảo tồn di tích trăn trở với những dự án thực nghiệm nhằm xây dựng một quy trình chuẩn cho công tác trùng tu. Với Ô Quan Chưởng, từ những viên gạch vồ được phục chế lại , tới việc chỉnh lại kết cấu, tu bổ những chỗ sụt lún tối đa có thể mà không làm mới di tích, tất cả đều được thực hiện một cách cẩn trọng, với sự ủng hộ của những người dân đã gắn bó nhiều năm với cửa ô này.
Gần ba thế kỉ đã trôi qua, Ô Quan Chưởng giờ là cửa ô suy nhất còn lại, chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Nhịp sống hối hả vẫn trôi qua đây mỗi ngày, và cửa ô cổ vẫn kể tiếp những câu chuyện đã âm thầm được ghi trên từng viên gạch cũ. Giữ lại một di tích rõ ràng không chỉ là giữ cái dáng dấp hình hài như nó vốn có, mà điều quan trọng hơn, là giữ lại phần hồn cốt - giá trị lịch sử văn hóa đã tích lũy qua thời gian.
Hoàng Trang - Nguyễn Hoàng
Phóng sự được phát trong Bản tin Thời ưự VTV4 ngày 22/10/2010
"Ô Quan Chưởng tên gọi cũ là "Thanh Hà môn" và "Đông Hà môn", là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía đông của tòa thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long. Cửa ô này được gọi là Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hy sinh của viên chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn đã chiến đấu chống Pháp khi chúng đánh thành Hà Nội. Ô Quan Chưởng có lịch sử gần 300 năm tuổi, được xây dựng vào năm 1749 thời nhà Lê, được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1994. Ô Quan Chưởng được thiết kế gồm vọng lâu, cửa chính và hai cửa bên, trên tường có gắn một tấm bia đá do Thống đốc Hoàng Diệu đặt năm 1881. Ngày nay, Ô Quan Chưởng là cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội, trong khi 15 cửa ô khác đều đã bị mất dấu bởi sự tàn phá của thời gian, chiến tranh".