36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
Nét văn hóa
Di sản
 Di sản văn hóa vật thể
 Di sản văn hóa phi vật thể
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Di sản >
  Biệt thự phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội Biệt thự phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội , 36phophuong.vn
 
Biệt thự phong cách Địa phương Pháp ở Hà Nội

 Biệt thự phong cách Địa phương Pháp bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 và đặc biệt phát triển vào những năm đầu thế kỷ 20. Những biệt thự đầu tiên thường là của gia đình các quan chức và sĩ quan Pháp, sau đó là những người Pháp sang Việt Nam làm ăn, sinh sống. Chủ nhân của các biệt thự này có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương khác nhau ở Pháp và do tâm lý nhớ quê hương (nostalgie) mà họ mong muốn được sống trong ngôi nhà giúp họ nhớ lại quê hương bản quán.


Ảnh 1: Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp trên phố Quan Thánh 

Những kiến trúc sư Pháp thời kỳ đầu như Moncet, Jacques, Lagisquet, Léonard.....cũng mới từ Pháp sang và họ sẵn sàng thiết kế  những ngôi nhà mang phong cách địa phương khác nhau ở Pháp nhằm thỏa mãn mong muốn của các chủ nhân biệt thự. Các kiến trúc sư này có xu hướng đưa phong cách kiến trúc bản địa Pháp vốn có đặc diểm khác nhau theo vùng miền, mang tính độc đáo về thẩm mỹ và phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của địa phương đó. 

Dây chuyền công năng của các biệt thự phong cách Địa phương Pháp thời kỳ đầu rất hoàn chỉnh và ở mức độ tiện nghi cao.


Ảnh 2: Biệt thự phong cách miền Bắc nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Khúc Hạo  

Các biệt thự thường có hai khối nhà chính và phụ với diện tích chiếm khỏang một nửa diện tích khu đất, phần còn lại là sân vườn với hệ thống cây xanh phong phú về chủng loại, từ loại cây thấp thân thảo đến loại cây thân mộc có độ cao lớn. Đường ra vào và lối đi quanh biệt thự được bố trí một cách có cân nhắc, đường xe chạy rộng rãi và thẳng, kết hợp với các đường đi bộ nhỏ có trang trí bằng gạch trần và cây xanh hai bên, trong một số biệt thự sang trọng, các đường đi còn được trải sỏi trên bề mặt.

Nhà chính hai tầng được đặt trên một tầng hầm cách nhiệt có độ cao khá lớn. Tầng một bố trí tiền phòng, chính sảnh, các phòng khách, phòng ăn, phòng sinh hoạt gia đình có diện tích khá lớn. Ngoài ra còn có thể có phòng làm việc, thư viện gia đình. Tầng hai bố trí các phòng ngủ cho bố mẹ và con cái, phòng ngủ lớn thường có khu vệ sinh riêng rộng rãi với trang thiết bị sang trọng được đưa từ Pháp sang.

Khối nhà phụ một tầng đặt cách nhà chính một khoảng sân và áp vào tường vào phía sau biệt thự. Trong khối nhà này được bố trí nơi để xe, bếp, kho, phòng ở cho các gia nhân và khu vệ sinh dành cho họ. Cổng, hàng rào cũng được thiết kế rất chi tiết, thường được cấu tạo bằng thép uốn với các hoạ tiết trang trí phù hợp với ngôi nhà, kết hợp với các trụ và phần dưới tường rào xây gạch.

Trong khi dây chuyền công năng của các biệt thự phong cách Địa phương Pháp không có nhiều khác biệt, thì phong cách kiến trúc của chúng lại rất khác nhau tuỳ theo suất xứ của chủ nhân chúng.


Ảnh 3: Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Điện Biên Phủ 

Biệt thự phong cách miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp (vùng Normandie và Bretagne) được đặc trưng bởi hệ mái đa diện có độ dốc lớn để tuyết không thể đọng trên mái, rất phù hợp với khí hậu lạnh lẽo về mùa đông ở vùng này. Phần mái nhô ra khỏi tường khá rộng được đỡ bởi hệ con sơn (console) gỗ nhẹ nhàng. Trên mái được tô điểm thêm bởi những tháp nhỏ hoặc ống khói cao làm tăng phần duyên dáng của bộ mái. Thân nhà trang trí đơn giản và nhấn mạnh theo chiều đứng, với sự phân chia các thành phần chính phụ rất rõ ràng, độ cao tầng khá lớn. Hệ thống các ban công, cửa sổ cao và hẹp, thường kết thúc bằng cuốn vòm trang trí đơn giản, phía trên đôi khi có mái nhỏ để tránh mưa nắng. Hệ thống các họa tiết trang trí giản dị nhưng tinh tế và thường được lặp lại trên các tầng nên mang tính thống nhất cao.

Nhìn chung các biệt thự mang phong cách kiến trúc miền Bắc và Tây Bắc nước Pháp trông bề thế, uy nghi, phong cách trang trí đơn giản nhưng mang tính thẩm mỹ cao. Những biệt thự này thường được xây dựng trong những khuôn viên rộng, nhiều cây cối nên sự xuất hiện nổi bật phần trên của chúng, đặc bịêt là bộ mái, phía trên các tán lá của khu vườn càng làm tăng giá trị thẩm mỹ của dạng biệt thự này (xem ảnh 1,2).


Ảnh 4: Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp tại ngã ba Điện Biên Phủ - Chu Văn An  

Biệt thự phong cách miền Trung nước Pháp và vùng Paris (Région parisienne) có hệ mái có độ dốc vừa phải nhưng có bộ diềm và hệ thống con sơn gỗ được trang trí cầu kỳ, mảng tường đỡ mái được trang trí cẩn thận bởi nhiều họa tiết và màu sắc đa dạng. Bản thân các con sơn gỗ thanh mảnh, được tiện khắc công phu và kết nối với nhau một cách độc đáo, cùng phần mái vát chéo đầu sơn tường tam giác chính là một yếu tố làm tăng giá trị thẩm mỹ của ngôi nhà. Hệ thống mặt tiền phi đối xứng được cấu thành bởi các yếu tố kiến trúc được bố trí theo phương đứng. Trên tường không nhiều các họa tiết trang trí, nhưng phía trên các cửa sổ và cửa ban công thì được trang trí rất tinh xảo bằng các loại vật liệu khác nhau như gạch trần, gốm men hoặc phun vữa xi măng quét màu. Hệ thống cửa sổ và cửa ban công chiếm tỷ lệ lớn hơn trên mặt đứng so với các biệt thự mang phong cách miền Bắc và thường được kết thúc bằng cuốn vòm ở tầng 2. Hệ ban công xuất hiện ở nhiều biệt thự vừa mang ý nghĩa sử dụng, vừa góp phần làm phong phú cho mặt đứng loại biệt thự này. Ở một số biệt thự còn bố trí một “ phòng trà” trên mái trông như một tháp nhỏ lắp cửa kính bốn phía, là nơi tụ họp bạn bè, gia đình khi đẹp trời, đồng thời làm cho hình khối không gian của biệt thự  thêm sinh động.

Hình khối không gian kiến trúc phi đối xứng với hệ thống cửa mở tương đối rộng và được trang trí cầu kỳ bằng màu sắc và họa tiết mang sắc thái gần gũi hơn với con người  là những nét đặc trưng của các biệt thự phong cách kiến trúc miền Trung nước Pháp (xem ảnh 3,4,5).


Ảnh 5: Phòng trà trên mái một biệt thự trên phố Hoàng Diệu  

Biệt thự phong cách miền Nam nước  Pháp và Địa Trung Hải (Méditeranée), nơi có khí hậu ôn hòa nhất nước Pháp, có bộ mái ngói có độ dốc khá nhỏ với những ống khói thấp. Hình khối kiến trúc các biệt thự loại này khá phong phú  với nhiều giật cấp trên mặt đứng do sự bố trí các phòng kính và ban công phía trước. Một đặc trưng nét nổi bật của kiểu nhà vùng Địa Trung Hải là lối vào mở rộng về phía trước làm tăng tính “hiếu khách” và vẻ tao nhã của ngôi nhà . Hệ thống của ban công, cửa sổ mở rộng theo chiều ngang, phía trên cửa tầng hai thường là hình thức cuốn vòm và được trang trí khá cầu kỳ bởi những hoa văn đắp nối. Những hàng hiên rộng mở kết hợp với các trụ gạch đỡ dàn hoa bê tông cũng là nét duyên dáng  riêng của biệt thự loại này. Hệ thống các họa tiết trang trí được thống nhất từ cửa vào chính qua các hàng cột, dàn hoa trên hàng hiên, phía trên các cửa tầng hai, tới điểm trang trí  dưới mái tạo ra sự sang trọng và tao nhã cho ngôi nhà.

Phải nói rằng loại biệt thự phong cách miền Nam nước Pháp với hệ thống cửa mở rộng kết hợp với hàng hiên, ban công mặc dù là một mẫu hình kiến trúc được đưa nguyên xi từ Pháp sang nhưng lại khá thích hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu Hà Nội, có điều hơi đáng tiếc là không có nhiều biệt thự loại này được xây dựng và tồn tại nguyên gốc cho đến nay ở Thủ đô (xem ảnh 6).


Ảnh 6: Biệt thự phong cách miền Nam nước Pháp tại ngã ba Lê Hồng Phong - Hùng Vương 

Nhận xét:

- Biệt thự phong cách Địa phương Pháp  ở Hà Nội có dây chuyền công năng và hình thức kiến trúc được mang tới từ các vùng miền khác nhau của nước Pháp phản ánh tâm lý  nhớ quê hương  của các chủ nhân của chúng.

- Mặc dù có tên chung là Phong cách Địa phương Pháp, nhưng phong cách kiến trúc các biệt thự này cũng có nhiều điểm khác biệt, đôi khi là rất lớn, qua đó chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc kiến trúc của chúng thuộc miền Bắc, miền Trung hay miền Nam nước Pháp, những nơi có đặc điểm tự nhiên và khí hậu khác nhau.

- Mang phong cách kiến trúc của các địa phương khác nhau của nước Pháp, nhưng khi được xây dựng trong cảnh quan thiên nhiên và đô thị Hà Nội, những biệt thự này dường như trở nên duyên dáng hơn và chúng đã cấu thành một bộ phận không thể tách rời, một di sản kiến trúc - cảnh quan đô thị của Hà Nội. 

KTS Trần Quốc Bảo 
Giảng viên chính Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, Đại học Xây dựng / Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận - đại (GRAH) 


  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
84135

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Hà Nội cứ ''cũ'' thế thôi, mà không bao giờ hết làm xiêu lòng người. (23/12/2020)
  + Nghề Rèn - phố Lò Rèn. (04/07/2020)
  + Phố Chả Cá chỉ một nhà bán chả cá (04/07/2020)
  + Khôi phục hát ả đào trong lòng phố cổ (04/07/2020)
  + Văn hóa gia đình trong kiến trúc cổ Hà Nội (04/07/2020)
  + Giữ nghề trên phố cổ (04/07/2020)
  + Đình Thanh Hà (02/06/2020)
  + Các công trình di tích trong khu phố cổ Hà Nội (02/06/2020)
  + Lần đầu Giỗ trận Đống Đa (29/05/2011)
  + Nhà ống phố cổ và tài hoa người Hà Nội (16/03/2011)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang