Lợi dụng cơ hội vua Quang Trung qua đời (1792), tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh từ miền Nam đánh chiếm Phú Xuân (1801) rồi Thăng Long (1802). Kinh đô nhà Nguyễn vẫn đặt ở Phú Xuân và Thăng Long vẫn là Bắc Thành. Hoàng thành bị phá bỏ, thay vào đó là một tòa thành mới hình vuông, xây theo kiểu thành Vauban của Pháp. Năm 1831, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội với tỉnh lỵ là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ). Do đó, Thăng Long cũng được gọi là Hà Nội. Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục cao nhất ở trong nước bị dời vào Huế.
Tuy không còn là trung tâm chính trị, nhưng Hà Nội lúc đó vẫn là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả nước. De La Liraye, người Pháp, đã viết năm 1877: “Dù không còn là Kinh đô nữa, Kẻ Chợ (Hà Nội) vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về sự lịch duyệt và học vấn… Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn. Chính ở đó đã sản xuất các mặt hàng thiết yếu và các đồ mỹ nghệ xa hoa. Tóm lại, đó chính là trái tim của dân tộc…”.
Ngày 20-11-1873, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội. Trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, cùng với nhân dân cả nước, Hà Nội đã đứng lên kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và người kế nhiệm là Hoàng Diệu, nhân dân Hà Nội đã anh dũng chống trả các cuộc tấn công của quân Pháp. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu đã anh dũng hy sinh để bảo vệ thành Hà Nội.
Nhưng triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đã ký “Hiệp ước hòa bình” (Hiệp ước Harmand, 1883), công nhận quyền thống trị của Pháp trên cả nước. Hà Nội trở thành đất “bảo hộ” thuộc Bắc kỳ, đặt dưới quyền cai trị của một viên Thống sứ người Pháp. 5 năm sau (07-1888), Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lập Thành phố Hà Nội, gồm đất đai tỉnh lỵ Hà Nội, đứng đầu là một viên Đốc lý.
Chính sách khai thác thuộc địa trên quy mô lớn của thực dân Pháp đã làm diện mạo của Hà Nội từ đầu thế kỷ XX có nhiều thay đổi. Các cơ sở hạ tầng được hoàn thành, trước hết là mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cống, trong đó có cầu Doumer qua sông Hồng. Thành cổ Hà Nội lại bị phá để xây các “khu nhà binh”, công sở. Điện Kính Thiên cũng bị phá hủy, thay vào đó là nhà con Rồng hai tầng dùng làm Sở chỉ huy pháo binh (1886). Đi đôi với việc hình thành các “khu phố Tây” (nằm trên các đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… ngày nay), một số công trình khác mang phong cách châu Âu được xây dựng: Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Ngân hàng quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, nhà Bưu điện, trường Viễn Đông Bác Cổ, ga Hà Nội…
Mặc dù thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp, khủng bố tàn bạo, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội thời Pháp thuộc, đặc biệt là sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (02-1930), lúc âm ỉ, lúc rầm rộ, không bao giờ tắt… Ngày 19-08-1945, thực hiện lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội, 20 vạn nhân dân nội, ngoại thành đã xuống đường giành chính quyền thắng lợi.
Ngày 02-09-1945, tại quảng trường Ba Ðình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hà Nội là thủ đô của đất nước.
Theo thanglonghanoi.gov.vn
|