Sau khi ổn định tương đối chế độ thực dân của mình ở Việt Nam, từ năm 1887 người Pháp bắt đầu tiến hành chương trình khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ nhất. Đây cũng là thời gian mà nhiều đô thị lớn nước ta bắt đầu được mở rộng và qui hoạch lạitheo những nguyên tắc và quan niệm về đô thị thịnh hành ở Pháp lúc bấy giờ.
Các công trình kiến trúc chủ đạo được xây dựng ở Hà Nội, Hải Phòng hay Sài Gòn đều mang tinh thần của chủ nghĩa cổ điển Pháp thế kỷ 19. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nhận xét Hà Nội giống như một Paris thu nhỏ. Có thể kể ra đây một số công trình tiêu biểu theo xu hướng này, ở Hà Nội như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống sứ, Toà án Hà Nội, Viện Radium, Nhà hát lớn... ở Sài Gòn có toà Đốc lý, Nhà hát lớn, Toà Pháp đình...
Bản thiết kế mặt tiền công trình Đại học Đông Dương
Từ sau thập kỉ 20, chương trình khai thác thuộc địa Đông Phương lần thứ hai bắt đầu và cũng được tiến hành ồ ạt hơn ở giai đoạn trước nhiều. Phong cách kiến túc cổ điển Pháp mất dần vị trí độc tôn: Một mặt là sự xâm nhập của trào lưu kiến trúc hiện đại Pháp vào Việt Nam, mặt khác là sự xuất hiện của những xu hướng tìm tòi, kết hợp khai thác kiến trúc truyền thống Việt Nam. Sự hình thành một phong cách mới, kết hợp thành tựu công nghệ và văn hoá Pháp với truyền thống văn hoá và kiến trúc bản địa là xu hướng tất yếu. Bản thân giới trí thức Pháp ở thuộc địa cũng thấy được sự áp đặt những giá trị văn hoá từ chính quốc vào một đất nước cũng vốn có truyền thống văn hoá lâu đờilà không thể chấp nhận được. Hơn nữa, sau một thời gian khai thác các công trình mang phong cách thuần tuý châu Âu cho thấy nó hoàn toàn không phù hợp về mặt khí hậu cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam.
Từ giữa thập kỷ 20, một loạt công trình kiến trúc theo phong cách kết hợp được khởi công xây dựng. Kiến trúc sư hàng đầu của phong cách kiến trúc này – sau này được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương là Ernest Hébrard, một kiến trúc sư người Pháp khá nổi tiếng lúc bấy giờ. Ông đã làm việc nhiều năm ở Đông Dương, say mê văn hoá truyền thống bản địa, tác giả của các phương án qui hoạch Hà Nội và Đà Lạt.
Tác phẩm đầu tiên theo phong cách kiến trúc Đông Dương do Hébrard thiết kế là toà nhà chính Đại học Đông Dương (1923 – 1925). Toạ lạc ở một vị trí khá đẹp đầu đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), xế phía trước lại có một vườn hoa nhỏ, công trình đã tạo ra một điểm nhấn đô thị mặc dù qui mô không lớn (Ảnh 1).
Ảnh 1: Đại học Đông Dương (Ảnh chụp đầu thế kỷ 20)
Được thiết kế từ bên Pháp, khi mang sang thi công ở Việt Nam có một số thay đổi nhỏ nên công trình vẫn mang nhiều nét kinh viện châu Âu. Cấu trúc không gian đói xứng hoàn toàn, mặt bằng đơn giản theo phong cách chính thống, nhấn mạnh khối sảnh và cầu thang trung tâm, hai bên là giảng đường và thư viện bố trí trên hai tầng. Tác giả đã đưa vào công trình khá nhiều lớp mái kiểu Á Đông kể cả lớp mái giả ở khối trung tâm, cửa sổ các phòng được che bởi những ô văng chéo gắn ngói ta. Toà nhà còn được trang trí bởi rất nhiều chi tiết trang trí kiểu con triện cùng hình thức trồng rường giả gỗ.
Đây là thể nghiệm đầu tiên của Hébrard theo phong cách Đông Dương nên theo chúng tôi, tác giả chưa mấy thành công trong việc kết hợp nhuần nhuyễn những bộ mái, những chi tiết kiến trúc truyền thống bản địa vào một công trình mang đậm dấu ấn cổ điển kinh viện kiểu châu Âu.
Năm 1925, một công trình nữa theo phong cách kiến trúc Đông Dương được khởi công, đó là Sở Tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao - Ảnh 2). Nằm trong bối cảnh trung tâm hành chính - chính trị Đông Dương theo phương án qui hoạch của Hébrard; toà nhà là điểm kết thúc trục đường Chu Văn An, đồng thời nằm giữa trục tam giác cân tạo bởi các đường Điện Biên Phủ, Tôn Thất Đạm, Bắc Sơn; đây là công trình duy nhất của Hébrard được xây dựng theo qui hoạch này.
Ảnh 2: Trụ sở Bộ Ngoại giao (trước đây là Sở Tài chính Đông Dương)
Toà nhà có mặt bằng đăng đối, hình chữ I, phía quay ra phố Chu Văn An là khối nhà làm việc, hành lang giữa, phía đường Bắc Sơn là khối lưu trữ kiểu xuyên phòng, giữa chúng là không gian sảnh và cầu thang. Mặc dù về mặt tổ chức không gian chức năng hoàn toàn theo phong cách kinh điển của các toà nhà hành chính Pháp lúc bấy giờ, nhưng về mặt xử lý kiến trúc, tác giả đã khéo léo kết hợp với các hình thức kiến trúc phương Đông tạo ra những nét bay bổng, hài hoà với cảnh quan. Đáng chú ý nhất ở đây là cấu tạo bộ mái ngói với rất nhiều lớp mái lớn nhỏ cùng những ô văng dốc trên các cửa sổ. Hệ mái của công trình thực sự có ý nghĩa và che nắng chống chói và chống mưa hắt. Các lỗ thông hơi tổ chức trên sàn và sát trần bảo đảm thoát nhiệt tốt. Các chi tiết kiến trúc bản địa được xử lý nhuần nhuyễn, không còn đơn giản là một sự sao chép sống sượng.
Công trình là một thành công lớn của Hébrard trong ý đồ tạo ra một hình loại kiến trúc kết hợp, phù hợp với khí hậu nhiệt đới và cảnh quan khu vực. Tuy vậy, do hệ mái đã được tổ chức khá nhiều lớp, các ô văng dốc trên cửa lại bị chia cắt nên mặt đứng công trình còn khá rườm rà tạo ra ấn tượng nệ cổ.
Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử - ảnh 3) xây dựng trong những năm 1928-1932 cũng do kiến trúc sư Hébrand thiết kế là một thành công đầy ấn tượng của phong cách kiến trúc Đông Dương. Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày nên chỉ gồm hai thành phần chính: Không gian sảnh hình bát giác và một phòng trưng bày lớn, tổ chức theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp được tổ chức khéo léo. Bên cạnh đó còn có một số không gian phù trợ tạo thành một tổng thể trưng bày khoáng đạt. Hệ thống mái chồng mái được tác giả sử dụng, đặc biệt trên khối sảnh bát giác và ở các không gian phù trợ khác cũng là yếu tố chủ đạo của hình thức kết hợp ở công trình này. Các cửa thông gió và lấy sáng được đặc biệt lưu ý, kết hợp với nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông được xử lý khéo léo. Hệ thống cây xanh được kéo từ vườn hoa phía trước vào sâu trong sân Bảo tàng làm cho công trình dường như mọc lên từ khối cây xanh nhiệt đới. Là một công trình văn hoá thuộc loại lớn lúc bấy giờ, khu sảnh bát giác mang nhiều tính hình thức của chú nghĩa biểu hiện là điều dễ thông cảm và tạo ra được ấn tượng tốt.
Ảnh 3: Bảo tàng Lịch sử (trước đây là Bảo tàng Louis Finot)
Nhà thờ Cửa Bắc (1925-1930) được xây dựng trên khoảnh đất không mấy rộng rãi ở góc phố Phan Đình Phùng và Nguyễn Biểu (Hà Nội). Khu đất trải dài theo phố Phan Đình Phùng, mà nguyên tắc xây dựng mặt bằng nhà thờ công giáo truyền thống phải theo hình chữ thập nên mặt chính công trình lại quay ra phố Nguyễn Biểu là phố tương đối nhỏ, không tạo được tầm nhìn rộng.
Mặt bằng nhà thờ chỉ gồm một không gian lớn hình chữ nhật kéo dài với hai hàng cột song song theo hai phía, được chia tương đối thành một không gian đón tiếp nhỏ, không dành cho các con chiên nghe giảng và kết thúc bởi không gian long trọng dành cho cha xứ hành lễ. Giữa hai khu vực này có một không gian chuyển tiếp lớn phía dưới mái vòm, bên phải có một không gian cánh là nơi thờ các thánh, bên trái là phòng tiếp khách của cha xứ. Không gian nội thất được cấu tạo và trang trí hoàn toàn theo kiểu nhà thờ châu Âu.
Thành công lớn nhất của Hébrard ở đây là ông đã tạo ra một không gian kiến trúc phi đối xứng với một tháp chuông vút cao phía bên sảnh chính. Điều này làm cho nhà thờ Cửa Bắc có được nét đặc biệt so với đa phần các công trình Thiên Chúa giáo theo hình thức đăng đối nghiêm cẩn mà người Pháp đã xây dựng ở Việt Nam. Có tác giả đã cho rằng đây là sáng tạo đặc biệt của Hébrard nhằm tạo sự phù hợp với cảnh quan khu vực, nhưng thực chất điều này chỉ là sự khai thác một cách khéo léo nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục Hưng, chính nhờ vậy mà nhà thờ Cửa Bắc , ngoài gác chuông theo hình thức nhấn lệnh còn có một mái vòm ở khu vực trung tâm (*).
Hệ thống mái ngói được tác giả tổ chức kéo suốt từ gác chuông qua mái vòm tới các không gian chính và phụ nhưng không còn quá dày đặc và cầu kỳ như ở bảo tàng Louis Finot hay Sở Tài chính. Hệ thống cửa sổ, cửa lấy ánh sáng và thông gió đều được xử lý che nắng và chống mưa hắt, ngoại trừ các cửa trang trí - lấy sáng lớn được lắp kính cản quang.
Sự kết hợp các yếu tố kiến trúc truyền thống phương Đông với những hình thức trang trí nhà thờ công giáo truyền thông, sự hài hoà của công trình với cảnh quan thiên nhiên tạo được ấn tượng về một công trình Thiên chúa giáo Việt Nam. Mặc dù ở một vị trí ít được chú ý nhà thờ Cửa Bắc (ảnh bên - 4) vẫn là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất thời Pháp thuộc.
Cũng vào năm 1930, một công trình nữa theo phong cách Đông Dương cũng được hoàn thành ở Hà Nội là viện Pasteur (nay là Viện vệ sinh dịch tễ) do kiến trúc sư Gaston Roger thiết kế. Mặt bằng công trình theo kiểu hành lang bên rộng, các phòng thí nghiệm và phòng làm việc chạy dọc phía nam hành lang.
Công trình cũng được xử lý về mặt kiến trúc nhằm tạo sự hài hoà với cảnh quan nhiệt đới bằng việc cấu tạo hệ mái dốc với nhiều lớp mái lớn nhỏ, chính phụ, cùng các lỗ thông gió, hơi giống với cách xử lý của Hébrard ở Sở tài chính (nay là trụ sở Bộ Ngoại giao - ảnh 2). Tuy vậy phong cách sử lý mặt chính của tác giả thành công hơn và tránh được sự rườm rà của mặt đứng Sở Tài chính nhờ tỷ lệ mái ngói đưa vào vừa phải, ô văng dốc lợp ngói được tạo thành từng băng dài. Các ô cửa sổ tương đối lớn, ít sử dụng chi tiết trang trí, làm công trình mang dáng vẻ hiện đại và thoáng đãng hơn. Một chi tiết đáng lưu ý là tác giả đã đưa vào khối trung tâm trên mặt chính một gác chuông nhỏ, một yếu tố trang trí kiến trúc truyền thống phương Tây nhưng được xử lý khéo léo dưới lớp mái ngói kiểu phương Đông tạo ra một điểm nhấn thú vị.
Một đại diện lớn nữa của phong cách kiến trúc Đông Dương là kiến trúc sư Arthur Kruze. Ông đã thiết kế một loạt công trình kiểu biệt thự ở Hà Nội trong thời gian cuối những năm 1930 đầu 1940.
Công trình đầu tiên phải kể đến là khu nhà ở dành cho sĩ quan Pháp trên phố Lý Nam Đế (nay là toà soạn báo Văn nghệ Quân đội). Được xây dựng trên một mảnh đất khá hẹp và chạy dài theo mặt phố, Kruze đã sử dụng bố cục mặt bằng theo kiểu hành lang bên đối xứng hoàn toàn với 20 phòng nghủ tiện nghi cao bố trí trên hai tầng nhà.
Hình khối không gian và các chi tiết công trình được nghiên cứu rất công phu theo hướng bản địa hoá kiến trúc. Trước lối vào là một tiền sảnh nhỏ với hai cột tròn sơn đỏ đỡ mái sảnh lợp ngói ống, phía trên là khối thang nhô hẳn ra phía trước được trang trí cầu kỳ bằng các mảng tường hoa văn hình chữ triện cùng hệ mái mở rộng ở phía trên tạo điểm nhấn cho công trình.
Điểm đáng chú ý nhất của ngôi nhà là cách xử lý bộ mái theo hình thức dân tộc. Bộ mái của ngôi nhà gồm các chính, mái che hang hiên phía trước, mái sảnh và mái che các cửa sổ hướng tây. Các mái đều có độ vươn ra khá lớn, lợp ngói ống và được đữ bởi hệ con sơn giả gỗ đầu có hình chữ triện, góc mái uốn cong lên phía trên tạo thành các đầu đao theo hình thức mái Việt và được trang trí rất công phu.
Ảnh 5: Nhà số 4 Lý Nam Đế
Có thể nói ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế là một thể nghiệm thành công của A. Kruze theo hướng kết hợp các hình thức Á Đông vào một công trình có dây chuyền công năng theo kiểu Phương Tây. Ngôi nhà có tỷ lệ hài hoà, các bộ phận và chi tiết trang trí được sử dụng một cách có cân nhắc kết hợp với vườn cây xanh tạo ra một công trình kiến trúc tuy không lớn nhưng rất có ấn tượng (Ảnh 5).
Công trình đáng chú ý nhất do A. Kruze thiết kế là Câu lạc bộ Thuỷ Quân xây dựng trong hai năm 1939-1940 (nay là trụ sở Uỷ ban TDTT trên phố Trần Phú). Công trình bao gồm hai biệt thự hai tầng cao cấp, mỗi biệt thự đều có khối sinh hoạt khối ngủ, khối vệ sinh, sân trời… Hai biệt thự này được đặt hoàn toàn đối xứng qua một khối nhà một tầng ở giữa là khu vực dành cho các sinh hoạt công cộng như ăn uống, khiêu vũ… Phía sau là khu phục vụ gồm cầu thang, bếp và nơi ở của nhân viên phục vụ.
Xử lý kiến trúc của công trình được tác giả nhấn mạnh tính chất kiến trúc Á Đông bằng hệ thống mái dốc lợp ngói ống cho cả ba khối công trình. Các góc mái đều được uốn cong kết thúc bằng đầu đao, đỉnh các ống khói cũng được xử lý phù hợp đường nét của mái. Bốn góc mái và hai đầu nóc trên mỗi biệt thự đều có gờ chữ triện, một điểm đáng lưu ý là tác giả đã đưa vào đây hệ máng nước bê tông cốt thép lẩn trong mái. Cửa sổ có gờ bo chung quanh, phía trên cũng cấu tạo ô văng dốc lợp ngói ống. Công trình được trang trí bởi khá nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông như ở lan can sân trời, các con sơn có hình chữ triện đỡ mái, một số mảng tường xây gạch trần…(Ảnh 6).
Ảnh 6: Trụ sở Uỷ ban TDTT (trước đây là Câu lạc bộ Thuỷ Quân Pháp)
Các biệt thự khác do Kruze sáng tác được xây dựng ở các phố Lý Nam Đế, Ngọc Hà và Phan Bội Châu vào những năm 1939-1941 cũng có giải pháp tương tự Câu lạc bộ Thủy quân. Mặt bằng tạo dựng theo công năng của các biệt thự Pháp, phần xử lý kiến trúc mang nhiều tính chất Á Đông, tập trung chủ yếu ở việc xử lý hệ mái dốc. Những biệt thự này đều có những nét duyên dáng riêng, phù hợp với khí hậu và cảnh quan khu vực. Tuy vậy việc lạm dụng mái cong, ngói ống và nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông ít được các điệu hơn, nên mặc dù xây dựng sau các công trình của Hébrard và Roger, các biệt thự của Kruze trông lại có vẻ “cổ” hơn. Ngoài ra việc sử dụng quá nhiều những chi tiết kiến trúc Hoa-Việt (Sino-anamite) gây ra cảm tưởng công trình có thể được xây dựng đâu đó bên … Trung Quốc.
Những hoạt động của Arthur Kruze với tư cách là giáo sư Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có ảnh hưởng lớn tới những sáng tác hướng về dân tộc của lớp kiến trúc sư đầu đàn Việt Nam như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Gia Đức, Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh… Chúng ta có thể thấy tác phẩm của các ông theo hướng tìm về với cội nguồn dân tộc ở các biệt thự gần khu vực hồ Thuyền Quang và một số phố khác ở Hà Nội.
Nhìn lại các công trình kiến trúc theo trường phái Đông Dương từ giữa thập kỷ 20 tới đầu thập kỷ 40 có thể giúp chúng ta có được một số nhận xét:
- Việc tổ chức không gian chức năng được tác giả kiến tạo theo sát công năng sử dụng công trình theo quan niệm của người Pháp lúc bấy giờ.
- Sử dụng các giải pháp kết cấu tiên tiến thoả mãu các yêu cầu tổ chức không gian lớn, nhiều tầng. Kết cấu bê tông cốt thép, dàn vì kèo thép… được sử dụng rộng rãi.
- Những điều kiện về khí hậu và cảnh quan khu vực được đặc biệt lưu tâm giải quyết thông qua việc tổ chức hệ mái chống nóng, các ô văng dốc che nắng và chống mưa hắt, hệ thống cửa lấy áng sáng và thông gió tự nhiên. Cây xanh được tận dụng tối đa.
- Vấn đề xử lý hình thức kiến trúc được các tác giả lưu tâm thoả đáng nhằm tạo cho công trình những dáng dấp, đường nét Á Đông, gần gũi với kiến trúc truyền thống bản địa.
Những tìm tòi sáng tạo của các kiến trúc sư theo phong cách kiến trúc Đông Dương đã có những đóng góp rất đáng trân trọng vào xu hướng sáng tác tìm về cội nguồn dân tộc. Tuy nhiên đây đa phần là những công trình do các kiến trúc sư Pháp thiết kế và dành cho người Pháp sử dụng, nên chưa thể đề cập đến bản chất văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam, những vấn đề mà theo chúng tôi là cốt lõi của một nền kiến trúc dân tộc.
(*) Về nguyên tắc tổ hợp nhà thờ thời Phục hưng có thể tham khảo kiến trúc nhà thờ chính toà Santa Maria del Fiore ở Florence do kiến trúc sư Phục hưng Italia nổi tiếng Brunelleschi Filippo (1377 – 1446) thiết kế.
Bài và ảnh: KTS. Trần Quốc Bảo
Giảng viên Khoa Kiến trúc và Qui hoạch, ĐH Xây dựng / Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận-đại (GRAH)
|