Hà Nội sau đại lễ bình yên trở lại. Mười ngày - có thể mượn ca từ của cụ Nguyễn Đình Thi trong ca khúc Người Hà Nội (công nhận cụ tài) để tả: Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời (do vụ pháo hoa ở Mỹ Đình), Hà Nội ầm ầm rung (bởi muôn loa công suất lớn)… đã trôi qua. Hà Nội lại hiền hòa, hương hoa sữa cuối đường Bà Triệu lúc chập tối khiến không khí quanh đấy, nói như trong một bài thơ cũ, là đã cũ đi một cách dễ chịu…
Rác, về cơ bản, đã được dọn tương đối sạch, cả một núi rác khổng lồ từ các vỏ lon, vỏ chai, vỏ bánh, các loại túi đựng thức ăn, giấy ăn, của hàng chục vạn người xem lễ vứt lại trên đường… cây cảnh và hoa nữa, một số cũng đã là rác… Ừ, thì hoa thật đương nhiên rồi cũng phải thành rác. Chỉ hoa giả là vẫn nguy nga vô sự... Hướng dương vải vẫn ngóng mặt trời hằng đêm trên con đường gốm sứ vừa được ghi danh vào sách kỷ lục, và sen hồng nhựa vẫn kiêu hãnh mở búp rồi e lệ khép búp dưới hồ Ha Le. Hoa giả, nhưng giả một cách đặc biệt, nghĩa là có thể nở ra cụp vào do cảm ứng điện từ, nghe nói thế, hoa giả mà nở được là đắt lắm…
Giả mà như thật có vẻ như đang là thời thượng.
Mình nghĩ thế vì sau đại lễ, tự dưng đọc một ý tưởng nghiêm túc về chuyên phục dựng Hoàng thành Thăng Long: Còn gì bằng nếu thành Thăng Long được xây dựng lại, ở một vị trí khác, đúng với quy mô vốn có trong lịch sử? Sẽ ra sao nếu chúng ta quy hoạch từng khu vực riêng về triều Lý, triều Trần, triều Lê… với những đường nét kiến trúc được phục dựng một cách cẩn thận và đẹp tới từng chi tiết nhỏ? Trong khung cảnh đó, những người phục vụ vận trang phục của các triều đại xa xưa và bán những món cổ truyền? Điện ảnh sẽ được hưởng lợi - hãy học hỏi cách Hàn Quốc quảng bá văn hóa của họ ra nước ngoài bằng điện ảnh; du lịch được hưởng lợi - một điểm đến thỏa mãn bất kỳ du khách nào; Hà Nội không đi một nước cờ sai trong mục tiêu xây dựng một thủ đô văn hóa. Du khách bốn phương khi đặt chân đến đây có thể có được câu trả lời: vì sao thành Thăng Long lại trở thành di sản tầm cỡ toàn cầu, và bản thân chúng ta thỏa mãn nhu cầu được biết, tổ tiên đã sinh sống và trị nước ra sao, một cách sinh động và cụ thể.
Tác giả ý tưởng là người có tâm lắm, nên lập luận thế này: Khi ta có được cái may mắn thuộc về một dân tộc có sau lưng mình nhiều thế kỷ lịch sử, thì trong những lúc thất vọng hay hoài nghi, sẽ là một khích lệ tuyệt diệu nếu biết nhớ lại thiên sử thi anh hùng dài lâu của tổ tiên và rút lấy từ trong các bài học của quá khứ những sức mạnh cần thiết để đối mặt với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.
Hay nhất là ý tưởng này có vô số người đồng ý. Lỗi của việc thiếu phim trường khiến mấy bộ phim dã sử (giờ nên gọi cả thế cho tiện) không được chiếu dịp đại lễ hình như làm nhiều người cảm thấy bất an. Bởi một Hoàng thành Thăng Long được phục dựng, thì việc đầu tiên của công trình ấy sẽ là làm trường quay cho phim lịch sử, chứ xây ngay trên nền cũ hay xây hẳn ra chỗ khác thì là công trình mô phỏng gì gì ấy chứ. Ai nỡ gọi đấy là Hoàng thành. Hoàng thành phục dựng, bằng công nghệ 3D, mới chỉ là bằng công nghệ 3D nhìn đã giông giống như sen nhựa biết nở. Phục dựng hẳn hoi bằng gạch (đưa ý tưởng sớm khéo đã thêm một khoản chi đáng kể) chắc chắn sẽ là sen nhựa… không nở.
Mười ngày đại lễ đã qua, cả nghìn năm cũng đã qua, thiên thu một lần chớp mắt, chẳng biết trẻ con bây giờ hiểu lịch sử thêm hay không nhỉ? Hoa thật hoa giả đều là hoa, nhỡ đâu chúng tưởng vậy…
À đấy, lại thêm đoạn băng trẻ con gái đánh nhau trên mạng. Đoạn băng này thật, không phục dựng tẹo nào.
(TT và VH cuối tuần) Remoter
|