Ngày 10-9, Ban Quản lý Phổ cổ, UBND quận Hoàn Kiếm kết hợp với đại sứ quán Italia đã tổ chức Hội nghị với người dân về việc bảo tồn giá trị văn hoá cũng như kiến trúc của phố cổ Hà Nội với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân khu phố cổ.
Các ý kiến tham luận đều nhất trí rằng, người dân phải là chủ thể quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị nơi này. Bên cạnh đó, cần một hành lang pháp lý cũng như một thiết chế chặt chẽ hơn nữa nhằm khẳng định vai trò của chính quyền trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của khu phố cổ.
Muộn còn hơn không
Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh hiện đang sinh sống chung với những người anh em của mình trong số nhà 116 Hàng Gai do bố mẹ bà để lại từ năm 1950. Bà từng chứng kiến và xót xa khi thi thoảng, những ngôi nhà mang kiến trúc cổ bị đập đi, thay vào đó là các nhà hàng, khách sạn cao chót vót. Bà nói: Bây giờ mới ráo riết đề cập tới vấn đề này là hơi muộn. Nhưng muộn còn hơn không.
Ngã tư phố Tạ Hiên-Lương Ngọc Quyến
Còn ông Ceasre Bellier, Trưởng phòng Chính trị và văn hoá, Đại sứ Italia nói rằng: cứ mỗi lần tôi trở lại Việt Nam là lại thấy có một vài ngôi nhà cổ trong khu phố cổ bị đập đi để xây mới.
Theo ông Ceasre Bellier, khách quốc tế tìm đến Việt Nam không phải là tìm tới những ngôi nhà chọc trời, bởi những nước phát triển, họ từng có những ngôi nhà hiện đại cách đây vài chục năm. Nhưng họ sẽ tìm về những khu phố cổ ở Hà Nội, với những con phố nhỏ, nhưng ngôi nhà nhỏ và ăn những món ăn trong những nhà hàng nhỏ: chả cá Lã Vọng, nem, phở với những hương vị đặc trưng…Chính đặc điểm này đã níu giữ đôi chân họ và đã khiến họ muốn quay trở lại.
Ông Ceasre Bellier cũng đưa ra một bài học của chính thành phố cảng Genova (Italia). Cách đây 20 năm, không một người dân Genova nào muốn sống tại những căn nhà thấp và cũ nát và đầy nguy hiểm tại nơi đây và họ đều có xu hướng tìm ra ngoại ô để sống trong những ngôi nhà to lớn và rộng rãi. Nhưng chỉ khi chính quyền thành phố đưa ra lời kêu gọi và có sự giúp đỡ về kinh phí để trùng tu, người dân Genova đã có ý thức chỉnh trang lại những ngôi nhà cổ của mình.
Đoạn phố Tạ Hiện được cải tạo bảo tồn với tham gia đóng góp ý kiến của người dân
Bây giờ, chính người dân lại quay trở về những ngôi nhà mà có thời gian họ muốn chối bỏ, bởi họ đã ý thức được rằng họ đang nắm giữ được trong tay một giá trị kinh tế cũng như tinh thần rất quý giá. 10 năm sau ngày chính quyền thành phố Genova phát động người dân bảo tồn giá trị truyền thống của thành phố đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của thế giới.
Còn Tiến sĩ, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Chúng ta cần suy nghĩ tại sao người nước ngoài đều khuyến nghị chúng ta bảo tồn gìn giữ khu phố cổ, trong khi đó, một số người trong chúng ta lại muốn phá bỏ nó. Singapore, Trung Quốc đã từng đập những khu phố cổ để xây những nhà cao tầng hiện đại, giờ lại phá bỏ những ngôi nhà ấy để phục dựng lại.
Vấn đề ở chỗ, chúng ta tự nhìn nhận lại xem quả thật khu phố cổ có giá trị thật không? Có đáng bảo tồn hay không? Ông Nghiêm cũng cho biết, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đã nhìn nhận vấn đề này cách đây 20 năm, tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, vấn đề này được quan tâm thoả đáng hơn.
Bảo tồn gắn liền với các giá trị kinh tế
Bà Hạnh cho biết: Ngay tại khu phố Hàng Gai, có rất nhiều hộ gia đình sống trong một số nhà: Số nhà 94 có 12 gia đình sinh sống, số nhà 77 cũng trên 10 hộ. Những người dân gốc của khu phố cổ sau một thời gian sống trong một không gian chật hẹp và cơ sở hạ tầng quá tồi tàn đã bán những căn hộ của mình cho cho những đại gia nhiều tiền mua để xây dựng nhà hàng, khách sạn. “Nếu tình trạng này cứ diễn ra thì cuối cùng khách sạn cao tầng sẽ thay thế các ngôi nhà cổ”.
Ngay căn nhà mà anh em bà đang sở hữu tại ngã tư Hàng Gai-Hàng Trống còn tồn tại một mái ngói cổ rất đẹp khiến khách du lịch đi qua đều dừng lại chụp ảnh. Cách đây vài tháng, những viên ngói mủn nát cứ tự động rơi xuống rất nguy hiểm cho người đi trên vỉa hè. Anh bà đã định đập đi xây mới.Nhận thức được giá trị của căn nhà, bà khuyên anh trai nên gửi đơn lên chính quyền và ban quản lý phố cổ để họ tạo điều kiện tư vấn và tìm thợ để tu bổ, tôn tạo. Bà cho rằng nếu tự gia đình đi tìm thợ sẽ rất khó khăn. Đây cũng là túng túng của nhiều hộ gia đình muốn cải tạo nhà ở nhưng vẫn muốn bảo tồn giá trị nguyên bản của ngôi nhà.
Còn chị Hồng, chủ ngôi nhà 28 Hàng Quạt với diện tích 170 mét vuông đang trong quá trình hoàn thiện chia sẻ: Gia đình tôi làm ăn kinh doanh nhưng luôn thống nhất quan điểm bảo tồn của Ban quản lý cũng như UBND thành phố. Căn nhà của tôi xây dựng theo phong cách cổ. Tôi cho rằng bảo tồn phố cổ nên theo xu hướng nâng cao chất lượng sống và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, để người dân sống được ở chính nơi này thì họ mới sẵn sàng bảo tồn.
Các ý kiến của chuyên gia cũng như người dân đều toát lên một niềm tự hào rằng: Trái tim của Hà Nội chính là khu phố cổ, trái tim này cần phải sống phù hợp với cuộc sống đang thay đổi từng ngày của cuộc sống hôm nay. Tuy vậy, hiện đại không có nghĩa là các phố nhỏ trong khu phố cổ luôn bị tắc nghẽn bởi ô tô và xe máy mà hãy dành một số tuyến phố cổ cho người đi bộ.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng khu phố cổ có giá trị đồng bộ cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, không gian cấu trúc đô thị. Do vậy việc bảo tồn phải tuân theo nguyên tắc bảo tồn và quản lý phát triển. Cụ thể như bảo tồn không gian phải giữ nguyên mạng đường, không mở rộng, không tôn đường cao lên; bảo tồn tôn tạo các công trình di tích, các nhà ở có giá trị về văn hoá, kiến trúc, lịch sử cấp thành phố, quốc gia; gìn giữ hình ảnh, phong cách kiến trúc truyền thống theo quy đinh; nâng cao chất lượng sống bằng hình thức giãn dân, tăng diện tích cây xanh, hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật; xử lý rác thải, hệ thống thoát nước…
Muốn làm được như vậy cần tiến hành các giải pháp mang tính đồng bộ. Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm và quyền hạn cụ thể cho các cá nhân, và tổ chức có liên quan như tổ chức và cá nhân trong nước có quyền tham gia ý kiến và giám sất hoạt động quy hoạch đô thị; có quyền tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan đến hoạt động của mình trong hoạt động quy hoạch đô thị..
Các ý kiến đều cho rằng bước đầu nên thực hiện thí điểm về công trình điểm, ô phố, tuyến phố khi thành công sẽ tiếp tục nhân rộng
|