36phophuong.vn     
Trang chủ
Cổng Thông Tin
Tiện ích
.
.
Phố cổ online
Phố Chuyên Doanh
Đô Thị Lịch Sử
Làng truyền thống
Cuộc sống
Nét văn hóa
Di sản
Bảo tồn
Du lịch
Ẩm thực
Âm nhạc
Thời trang
Hà Nội xưa
Góc Ảnh
Trang chủ > Chuyên Gia >
  Bảo tồn hay phát triển? Bảo tồn hay phát triển? , 36phophuong.vn
 
Bảo tồn hay phát triển?

 Kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ những năm gần đây đang đặt các di tích lịch sử, văn hóa, và nhất là các di tích khảo cổ trước rất nhiều nguy cơ. Những dấu tích ít ỏi của lịch sử, luôn có nguy cơ bị đặt lên bàn cân giữa nhu cầu "bảo tồn" và "phát triển", mà phía lựa chọn không phải bao giờ cũng nghiêng về những giá trị không hữu hình.

Luôn bị động và lúng túng, sau rất nhiều bức xúc, khảo cổ học vẫn chưa xây dựng được một quy hoạch tổng thể cho vấn đề bảo tồn và khai quật.

Nhu cầu bức thiết

Do đặc thù lịch sử, hầu hết các di tích khảo cổ học có giá trị của nước ta đều gắn với các đô thị và hầu hết đều phát lộ trong quá trình phát triển hệ thống các cơ sở hạ tầng phục vụ đô thị hiện đại. Ðiều đáng nói là tại chính các địa điểm đó, các nhà khảo cổ đều đã có những dự báo về giá trị di tích, cũng như phỏng đoán về hệ thống những giá trị đang nằm trong lòng đất, nhưng đã không được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, rất nhiều di tích đã phát lộ trong quá trình xây dựng, và các nhà khảo cổ buộc phải vào cuộc trong tình trạng "chữa cháy", khi mà nhiều dấu tích, di vật đã bị phá hỏng, sai lệch.

Có nhiều hình thức khai quật. Ðối với các khu vực có nhu cầu phát triển các công trình dân sinh, kinh tế... "mô hình mơ ước" là các nhà khảo cổ được tham gia vào quá trình điều tra, thám sát khu vực chuẩn bị xây dựng, nếu có các dấu tích khảo cổ có giá trị thì gấp rút tiến hành lập kế hoạch "khai quật cứu hộ" để di dời di vật cho quá trình nghiên cứu tiếp theo. Cách làm này, trên thực tế, chưa được phổ biến và thực thi nghiêm túc ở ta.

Khai quật di dời được tiến hành khi những khảo sát, ghi nhận về một vùng tác động trong một dự án nào đó đã được xây dựng chi tiết và xác định cần giữ lại một số di tích tiêu biểu gần như nguyên trạng để tiếp tục trưng bày tại địa điểm khác. Trong lịch sử ngành khảo cổ, dự án khai quật di dời phục vụ thủy điện Sơn La được đánh giá là một trong những dự án được đầu tư và tiến hành bài bản nhất. Nhưng được như Sơn La, cũng chỉ một, vài.

Một phần quan trọng khác là những dự án khai quật chủ động để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu góp phần làm sáng tỏ những dấu hỏi của lịch sử. Di tích đã xác định hiện có rất nhiều cùng không ít những phát lộ mới, vấn đề là cần làm chỗ nào, chứ không thể "đụng đâu, đào đó". Và khi khai quật lên rồi, việc bảo quản các di vật, di tích cũng không phải là điều đơn giản. Một chuyên gia khảo cổ đã nói: người làm khảo cổ có tâm thì cần phải biết chọn chỗ để đào. Di tích khảo cổ cũng là tài nguyên, cần phải biết "để dành" cho con cháu. Khoa học ngày càng tiến bộ, có những vấn đề nên để lại cho thế hệ sau giải quyết sẽ tốt hơn.

Câu chuyện của Hà Nội

Với rất nhiều di tích khảo cổ quan trọng phát lộ trong những năm gần đây, câu chuyện khảo cổ ở Hà Nội có thể được xem là tiêu biểu, với rất nhiều dấu hỏi không dễ trả lời.

Di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội không chỉ gồm có di sản vật thể mà còn có di sản phi vật thể, không chỉ có những gì nhìn thấy được, hiện hữu trên mặt đất mà còn cả những gì vẫn đang chìm sâu dưới lòng đất chưa được phát lộ, không chỉ có những gì "đã được công nhận" mà còn cả những gì "chưa được công nhận", "chờ được công nhận"...

Khoản 3, điều 37 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 quy định: "Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về VH-TT&DL". 

Khi nói về vấn đề này, một nhà khảo cổ học nói vui (mà thật): "Cả Hà Nội này là một bảo tàng lớn. Ở Hà Nội đào ở đâu cũng có thể thấy công trình khảo cổ, cũng có thể gặp hiện vật khảo cổ...". Bề dày văn hiến của Thăng Long- Hà Nội đủ bảo đảm điều đó. Ðó là "mối lo" cho các nhà quản lý, các nhà xây dựng với mối e ngại lớn rằng các di sản sẽ kìm chân các dự án xây dựng. Dường như các nhà khảo cổ học, các nhà văn hóa đang ở vị thế "đối đầu" với các nhà đầu tư xây dựng, thậm chí cả các nhà quản lý khi thực hiện các dự án?

Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn là nỗi lòng chung của những nhà khảo cổ tại Huế, Hội An..., thậm chí không chỉ riêng ở Việt Nam. Trong cuộc hội thảo được tổ chức gần đây (tháng 11- 2008) về khu khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, một chuyên gia khoa học người Bỉ cũng chia sẻ tình hình khảo cổ ở nước này với những vấn đề khó khăn tương tự như khảo cổ học đô thị ở Việt Nam. Không hiếm những di tích khảo cổ ở các thành phố nước Bỉ sau khi khai quật phải lấp đất trở lại, vì người ta chưa tìm ra giải pháp gì để bảo tồn và phát huy giá trị, đành để tiếp tục nghiên cứu thời gian sau hoặc thậm chí là cho thế hệ sau tìm lời giải. Cũng có trường hợp công cuộc khai quật khảo cổ phải dừng lại, nhường chỗ cho việc xây dựng các công trình mới, để lại những dự án bảo tồn không bao giờ hoàn thành.

Sự vận động của xã hội không bao giờ ngưng nghỉ. Ngoài chuyện bảo tồn, vẫn cần xây dựng những công trình kiến trúc hiện đại. Những tòa nhà cao tầng ở một vài nơi dường như đang có biểu hiện "chiếm ưu thế" với sự đánh đổi di sản trong kinh đô ngàn năm tuổi. Lý do dễ thông cảm nhất cho việc "chiếm ưu thế" này là vì giá đất đô thị của Hà Nội bây giờ còn "đắt hơn vàng"... Và hiện tượng thường gặp là khi tiến hành đào móng các công trình, nếu phát hiện di tích khảo cổ, người ta cũng thường lờ đi, không báo cáo, bởi nếu báo cáo, công trình buộc phải dừng thi công, thậm chí phải chuyển đi nơi khác (theo Luật di sản).

Thủ đô đang trong quá trình phát triển mạnh nhưng việc lựa chọn giữa hiện đại với giữ lại dấu ấn cũ theo lối "có cái này thì không có cái kia" là khó chấp nhận. Bởi vì ai cũng biết rằng khi các di sản trong lòng đất bị xâm hại thì cũng đồng nghĩa với việc chúng sẽ vĩnh viễn mất đi.

Bên dưới nhiều ngôi nhà, tuyến phố ngày nay có sự hiện diện của nhiều địa tầng văn hóa với mật độ dày đặc. Giá như (lại giá như) Hà Nội đã có một quy hoạch khảo cổ học thì chắc chắn không xảy ra việc đào phá, đổ đi cả một đoạn đường Hoàng Hoa Thám - vốn là một đoạn tường thành của Hoàng thành Thăng Long - khi thực hiện dự án mở đường trên nút cắt Văn Cao - Hoàng Hoa Thám. Thiếu quy hoạch khảo cổ học, thiếu hiểu biết về lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội và có thể do cả thiếu tinh thần trách nhiệm nên người ta đã đối xử với một di tích lịch sử quý giá đơn thuần chỉ như một công trình giao thông đô thị.

Các di tích khảo cổ học đô thị có thể cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu để có cái nhìn toàn diện về đô thị, thành thị trong quá khứ. Ðiển hình nhất gần đây là những kết quả khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Ðể tránh những sự đáng tiếc tương tự xảy ra như "việc đã rồi" ở đường Hoàng Hoa Thám, việc gấp rút hiện nay là Hà Nội phải tiến hành xây dựng quy hoạch khảo cổ học, trong đó xác định tương đối những khu vực nào có các di tích khảo cổ học dày đặc và quan trọng, khu vực nào di tích vừa phải, khu nào không có di tích. Quy hoạch đó phải được chính thức hóa về mặt Nhà nước, được phê duyệt, công bố bởi các cấp có thẩm quyền. Quy hoạch khảo cổ học có chất lượng cao thì công việc quy hoạch, xây dựng sẽ được triển khai một cách chủ động, có kế hoạch trên cơ sở kết hợp giữa bảo tồn và phát triển một cách hài hòa. Bởi vậy, dự án quy hoạch thủ đô nên đưa ra những gợi ý, trước mắt là bảo tồn để sau này phát huy giá trị của di tích, giảm thiểu tối đa việc xâm phạm, làm hư hại những di sản.

Vùng kinh thành Thăng Long - Hà Nội đã trải bề dày lịch sử văn hóa trên nghìn năm tuổi. Ngoài các loại hình di tích phân bố khá dày đặc trên mặt đất, phía dưới Hà Nội hôm nay đang đô thị hóa, hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt còn là cả một "Thăng Long - Hà Nội trong lòng đất". Có quy hoạch khảo cổ thì việc quy hoạch, xây dựng sẽ được triển khai một cách chủ động trên cơ sở kết hợp giữa bảo tồn và phát triển kinh tế một cách hài hòa. Mặc dù khảo cổ học đô thị vừa khó nhất vừa tốn kém nhất, một quy hoạch khảo cổ học chi tiết cho khu vực đô thị Hà Nội là điều rất cần thiết.

Ðể công việc này được tiến hành một cách có hiệu quả, không thể quy hoạch tràn lan mà phải làm có kế hoạch, từng bước. Trước mắt cần ưu tiên "vùng lõi" là nơi trung tâm kinh thành cổ, là khu vực có nhiều di tích lớn và quan trọng, mật độ di tích dày đặc, sau đó mở rộng dần ra các vùng chung quanh để tiến tới có quy hoạch toàn thể. Cũng cần lưu ý bảo tồn không chỉ những di tích đã được xếp hạng mà phải chú ý đến cả những di tích chưa được (kịp) xếp hạng. Khi đã có một quy hoạch bảo tồn trên cơ sở thăm dò và khảo sát về khảo cổ học cũng như các di tích cổ, chúng ta có thể đưa ra được những phương án tối ưu, để bảo đảm vẫn phát triển đô thị mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng bảo tồn được tối đa các di sản, di tích, di vật.

Ngô Vương Anh

 


  Bình luận của bạn
(*) Họ tên:  
(*) Email:  
(*) Tiêu đề:  
(*) Nội dung:  
Mã: 
73052

Nội dung các bình luận
 

  Các Tin khác
  + Phải bảo tồn, tôn tạo vẻ đẹp và giá trị gốc (08/09/2022)
  + Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Người dân, nhà quản lý, nhà chuyên môn chưa gặp nhau (08/09/2022)
  + Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Người dân phải là chủ thể (08/09/2022)
  + Không biết bảo tồn, con cháu sẽ phải trả giá! (08/09/2022)
  + Hà Nội ấn tượng trong mắt du khách nước ngoài (23/12/2020)
  + Không có phố cổ, chỉ có phố cũ (01/02/2011)
  + Ngôi nhà “cổ nhất Hà Nội”: “Tôi đã nghĩ, thế nào cũng có lúc bị cháy!” (27/01/2011)
  + Điểm nhấn kiến trúc cho khu phố cổ (27/01/2011)
  + Chất lượng cuộc sống ở Hà Nội bị bụi đe dọa phía đường Trần Quang Khải (27/01/2011)
  + Quá chậm trong việc bảo tồn phố cổ Hà Nội (27/01/2011)
 
 
Trang chủ Nội quy Liên hệ Lên đầu trang  
Cổng Thông Tin    Tiện ích    .    .    Phố cổ online    Phố Chuyên Doanh    Đô Thị Lịch Sử    Làng truyền thống    Cuộc sống    Nét văn hóa    Di sản    Bảo tồn    Du lịch    Ẩm thực    Âm nhạc    Thời trang    Hà Nội xưa    Góc Ảnh   

 Fanpage Phố cổ Hà Nội    

 
 
 

 


 PHỐ HÀNG CHUYÊN DOANH ONLINE: Dành cho các Chủ Shop VIP

 

 

 

Lên đầu trang

 

 

 

Lên đầu trang