Năm 1977, lần đầu tiên tôi được trở về miền bắc sau năm năm ở chiến trường. Qua ô cửa toa tàu, tôi thấy xuôi ngược dòng người từ ga Giáp Bát đến Bạch Mai, Hàng Cỏ một mầu xanh và xám áo quần. Tôi cũng bắt gặp những đôi mắt thật trong sáng, hiền hậu và chân tình. Miền bắc và Thủ đô Hà Nội hăng say sản xuất, chiến đấu và giữ nếp sống giản dị, thanh cao.
Thời gian trôi đi. Của cải vật chất dần khấm khá, cuộc sống tươi tắn hơn trong những sắc đỏ, sắc hồng. Ai cũng vui mừng vì điều ấy. Nhưng rồi bắt đầu xuất hiện và lan rộng thói khoe mẽ. Những chàng trai, cô gái mười tám - đôi mươi không qua bậc phổ thông "sành điệu" với những đồ dùng hàng hiệu có giá hàng trăm, hàng nghìn đô-la; các bà già chưng diện vòng vàng, nhẫn đá... Rồi xe. Rồi nhà, đủ các kiểu: kiểu Pháp, kiểu I-ta-li-a, kiểu Tây Ban Nha và cả kiểu Lào, kiểu Thái... "Ðẹp" thì có "đẹp" nhưng lố. Lố vì thu nhập bất minh, vì ngạo nghễ, vì thiếu hiểu biết. Lối sống khép kín, thầm vụng, nhỏ nhoi, thiếu cởi mở xuất hiện.
"Phú quý" sinh lễ nghĩa. Ðầu năm, cuối năm, mùa hè, mùa thu... kìn kìn các xe "quý ông, quý bà" đi khấn vái mười phương.
Có cầu thì có cung. Ở những chùa chiền linh thiêng đã mọc ra đủ loại dịch vụ, chen vào đó có không ít hoạt động thiếu lành mạnh.
Thực hiện chủ trương bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống, nhiều đền chùa, lễ hội... được phục hồi đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Song có những người lợi dụng tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng có những hành vi trái pháp luật chống lại Nhà nước. Tu hành không yên phận tu với phương châm "tốt đời đẹp đạo" mà lại còn tham chính, xúi giục dân lành đi vào con đường tội lỗi. Những kẻ đó tất nhiên cần phải xử lý pháp luật.
Ðiều chúng tôi muốn nói, có tính chất phổ biến hơn, là tính khoe mẽ trong việc xây dựng lại các chùa chiền, đền tháp. Thật vô lý, khi ở nhiều nơi muốn xây dựng những tượng Phật thật lớn. Ðể làm gì? Ðức Phật cũng từng dạy cần biết vô ngã, Phật tại tâm... Nhiều công trình nhân tạo đã và đang ngày càng phá hủy vẻ đẹp của thiên nhiên vốn có.
Triết lý sống, phong cách kiến trúc nhà ở cũng như chùa chiền Việt Nam là nhẹ nhõm, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa "cái không" và "cái có". "Cái có" như tháp cao, đền lớn là quan trọng, là đáng quý nhưng "cái không" nơi để chứa đựng, nơi vĩnh hằng mới đáng quý hơn nhiều. Ngẫm nghĩ sâu xa, sự hài hòa, nhỏ bé trong kiến trúc ấy là nhằm tạo cho con người có một kích thước bình đẳng với thiên nhiên, thần phật, nhằm đề cao con người, nhân văn lắm. Nó không làm cho con người thấp đi, nhà tu hành thấp đi mà có tầm thước vũ trụ, như câu thơ Nguyễn Khuyến:
Cổ tự tứ lân duy mộc thạch
Hàn đăng nhất tháp cộng vân yên
(Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sự cụ nằm chung với khói mây).
Nhiều đình chùa khi được Nhà nước cấp ngân sách để tôn tạo hay do những người hảo tâm công đức đã không nghiên cứu kỹ lưỡng, được xây dựng với tham vọng to lớn, màu mè hơn người, nên đã không giấu được vẻ khoe mẽ, kệch cỡm, xa lạ với hướng vọng tâm linh, thậm chí gây những phản cảm.
Văn hóa, trong đó có văn hóa tâm linh là nhằm hướng tới điều thiện, làm cho con người trong sáng hơn, nhân ái hơn, biết qúy trọng những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, lòng trung nghĩa, đức thanh cao... Thiết nghĩ, những ai có lòng hảo tâm quyên góp việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông cần ý thức rõ hơn về điều đó. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền phải có sự giám sát quản lý chặt chẽ trong quá trình xây dựng, tôn tạo các di sản văn hóa.
BÁ TÂN
|