Phố Tạ Hiện được xem như viên ngọc quý của kiến trúc phổ cổ Hà Nội, một trong số ít nơi còn giữ được kiến trúc ban đầu. Do đó, Tạ Hiện được chọn thực hiện thí điểm cải tạo mặt đứng trên các tuyến phố.
Mừng tạm
“Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện” là kết quả hợp tác giữa TP Hà Nội và TP Toulouse (Pháp), do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội thực hiện, Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn tư vấn, thiết kế, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, phạm vi cải tạo thí điểm được giới hạn bởi một phần nhỏ của phố Tạ Hiện (dài 52m), được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20, trong đó, dãy số lẻ gồm 10 ngôi nhà liền khối, quy mô 2 tầng, mái ngói dốc, giống nhau, mang ảnh hưởng của kiến trúc Pháp, có thể do cùng một chủ đầu tư. Còn mặt chẵn cũng gồm những ngôi nhà có kiến trúc tương tự giống nhau, nhưng lại mang nét kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Theo thời gian và do sự cải tạo của người dân, hầu hết 2 dãy này đã biến dạng. Theo nguyên bản, các ngôi nhà được xây theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam, tầng 2 thường được xây lùi vào, tầng 1 đưa ra sát mặt đường. Hiện tại, phần tầng 2 các nhà ở đây đều di chuyển hết ra phía ngoài.
Một đoạn phố cổ Tạ Hiện được chọn cải tạo thí điểm.
Với mục tiêu bảo tồn di sản kiến trúc một đoạn phố đặc trưng trong khu phố cổ Hà Nội, đồng thời phát huy giá trị du lịch, dịch vụ, thương mại trong đoạn phố này, một phần phố Tạ Hiện sẽ được cải tạo lại mặt đường, hệ thống thoát nước, lòng đường và hè đường được lát lại bằng đá tự nhiên. Đây là đoạn phố duy nhất trong khu phố cổ được lãnh đạo TP cho lát đường bằng đá. Những ngôi nhà nằm trong dự án sẽ được chỉnh trang từ cửa chính, cửa sổ, ban công, ô văng, mái vẩy... đến màu sơn nhà, biển quảng cáo, vị trí lắp đặt điều hòa... được sắp xếp theo quy chuẩn.
Tạ Hiện là một trong những con phố chứa đựng nhiều giá trị nhất của khu phố cổ Hà Nội. Bởi lẽ, ngoài việc giữ được nhiều nét kiến trúc nguyên bản, nơi đây còn là điểm tập trung nổi tiếng của khách du lịch nước ngoài. Nói cách khác, Tạ Hiện có thể được coi là “ấn tượng đầu tiên” của nhiều du khách nước ngoài khi đến với phố cổ Hà Nội. Vì thế, việc “biến” con phố này trở lại “giống xưa”, để trình diễn vốn văn hóa cổ của người Hà Nội, là việc rất đáng mừng.
Lo xa
Việc cải tạo phố cổ Hà Nội không mới. Vấn đề là phố Tạ Hiện sẽ được cải tạo như thế nào? Trong số các ý kiến người dân thuộc phạm vi dự án ở buổi gặp gỡ với Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, chủ nhà số 17 Tạ Hiện, nêu ý kiến: “Tôi chẳng hiểu tại sao chỉ cải tạo có 1/3 tuyến phố, trong khi 2/3 còn lại vẫn để nhếch nhác như cũ. Cùng trong một khu phố cổ mà để tương phản như vậy không thể chấp nhận được. Sao không đợi đến khi có đủ kinh phí hãy làm luôn, chứ làm như thế chẳng khác nào “đầu cá vá đầu tôm”.
Ý kiến ấy hoàn toàn xác đáng! Nhược điểm lớn nhất trong các dự án cải tạo các công trình cổ xưa nay ở ta là sự thiếu đồng bộ. Một con phố, tuy nhiều công trình kiến trúc khác nhau, nhưng cần phải có một kiến trúc tổng thể. Và khi cải tạo phải cải tạo cả kiến trúc tổng thể ấy chứ không thể “chặt” lấy một đoạn ra làm. Bởi nếu thế, chính việc cải tạo lại phá vỡ cảnh quan của cả tuyến phố, khiến đoạn phố được cải tạo trở nên “bơ vơ”.
Mặt khác, giới hạn của “Dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện” mới là mặt đứng của một đoạn tuyến phố. Trong khi đó, ai cũng biết, giá trị của một công trình kiến trúc không chỉ mặt tiền. Đặc biệt, khi “động” vào phố cổ Hà Nội, nơi mang vô vàn trầm tích văn hóa, không thể chỉ “vôi ve” chút mặt tiền.
Liệu du khách nước ngoài nghĩ gì khi bước vào sau cái mặt tiền bóng bẩy là cả một không gian đầy bức xúc vốn tồn tại bấy lâu nay ở khu vực phố cổ? Hơn nữa, việc giữ được “hồn phố cổ” mới là trọng tâm của công tác cải tạo phố cổ. Nhưng khi “mặt” đẹp mà “toàn thân” nhếch nhác thì “hồn” phố cổ chắc sẽ lưu lạc tận đâu!?
Theo DIÊN VỸ (SGGP)
|