Nhà kiên cố mỗi cái một kiến trúc. Ảnh chụp tại Phố Tạ Hiện và Lương Ngọc Quyến
Khu phố cổ 36 phố phường Hà Nội đang trong tình trạng quá tải đến mức Hà Nội phải lên phương án di dời bớt dân phố cổ sang Long Biên. Dự kiến, có đến 1.800 dân phố cổ sẽ phải di chuyển để phố cổ được “thở”. Bên cạnh những nỗ lực làm thoáng khu phố cổ, ngành chức năng Hà Nội lại “bật đèn xanh” làm biến dạng quy hoạch kiến trúc khu 36 phố phường bằng việc chấp thuận cho xây rất nhiều toà cao ốc trong khu phố cổ.
Kiến trúc mới “nuốt” tính cổ!
Phải thừa nhận ngay rằng, khu phố cổ 36 phố phường ở Hà Nội đang bị lem nhem vì sai lầm về nguyên tắc kiến trúc.
Theo thiết kế ban đầu, khu 36 phố phường được hình thành kiểu "Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ". Đây là khu kẻ chợ buôn bán, tập trung của nhiều nghề. Tại khu này, không gian kiến trúc được thiết kế là những ngôi nhà cổ chủ yếu là nhà ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán thò thụt không đều. Các ngôi nhà này không quá cao. Hình ảnh nhà cổ và mái ngói đã đi vào hội họa, thơ ca. Những ngôi nhà này chủ yếu được dựng vào thế kỉ XVIII - XIX, trước đó hầu hết là nhà mái tranh, chỉ có một số nhà giàu có, nhà của Hoa kiều mới lợp mái ngói.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, nói như Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, đường phố biến đổi đến không nhận ra, nhà cửa kiến trúc lộn xộn. Nhà cũ được cơi nới, chồng thêm tầng hoặc cải tạo vô tư. Nhà mới thì mạnh nhà nào nhà nấy thiết kế nên mỗi nhà mỗi kiểu, hầu hết xây bằng gạch, đổ trần… Đó đều là những kiến trúc không bền vững.
Cao ốc… đè nhà cổ
Để tránh làm biến dạng quy hoạch khu phố cổ, năm 1995 khi UBND TP. Hà Nội thông qua quy hoạch khu phố cổ đã quy định rõ, đối với khu vực này, nhà ở không được cao quá ngọn cây, tức không cao quá 8 tầng. Quy định rõ ràng như thế, nhưng, mỗi một năm qua đi, người ta lại thấy khu 36 phố phường mọc thêm nhà cao tầng. Chỉ cần đi một vòng quanh khu phố cổ, cũng chỉ bằng cảm quan thường, người ta cũng cảm thấy phố cổ đang "yếu thế" bởi những tòa nhà “đa phong cách” chồm hỗm bên cạnh!
Đi qua các phố Lương Ngọc Quyến, Lương Văn Can, Bát Sứ, Tạ Hiền, Hàng Bông… hầu như đều có các nhà cao tầng. Việc cho phép xây dựng nhà cao mà không theo bất cứ quy hoạch nào khiến cho khu phố cổ giống như “người tí hon” đứng cạnh “gã khổng lồ”.
Nguyên nhân của tình trạng lem nhem này là do chúng ta không có quan điểm thống nhất về quy hoạch phố cổ. Mặc dù, tính đến thời điểm này đã có 11 nước trên thế giới tham gia hiến kế để bảo tồn phố cổ nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay không biết nên làm gì.
Phát biểu tại Hội thảo quốc tế: "Chia sẻ kinh nghiệm về việc trùng tu các phố cổ: Genova và Hà Nội" do Đại sứ quán Italia tổ chức tại Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, tiêu chí để nhận định công trình hay ngôi nhà có giá trị di sản tại khu phố cổ đến nay vẫn chưa được đưa ra.
Theo quy hoạch khu phố cổ năm 1995 có 24 công trình di tích (Thậm chí thời điểm ấy, các chuyên gia Việt Nam khẳng định có hơn 800 ngôi nhà cổ có giá trị). Đến năm 1998, theo thống kê, công trình di tích đã là 104. Và cho tới năm 2009, trong khu phố cổ lại có đến 121 di tích lịch sử kiến trúc.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, theo báo cáo chỉ có khoảng 300 ngôi nhà cổ có giá trị. Điều oái oăm là giới nghiên cứu vẫn cứ phải tạm gọi cái gọi là "nhà cổ có giá trị" nhưng đặc trưng của khu này là gì, có 6 hay 8 loại hình kiến trúc...(?) vẫn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng.
Dự kiến, đầu tháng 10/2010, quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong quy hoạch chung này cũng có một phần dành riêng cho khu vực phố cổ. Có điều, để quy hoạch và bảo tồn được phố cổ, chúng ta cần tính toán kỹ lưỡng, nên can thiệp vào đâu và đến đâu.
Bởi, không ngoa khi nói rằng, việc phát triển kinh tế cộng thêm việc xây dựng không - khôn - ngoan đã “bóp chết” dần dần phố cổ. Nhìn nhận vấn đề này, chính lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cũng phải thừa nhận rằng, vấn đề cấp bách hiện nay của phố cổ Hà Nội là mật độ dân số đã lên tới 84.000 người/km2 (trong khi mật độ trung bình ở đô thị là 1.900 người/km2). Để giảm áp lực, UBND thành phố Hà Nội đã có kế hoạch giãn dân qua hai khu đô thị mới là Việt Hưng và Ngọc Thụy. Mặc dù vậy, trong 10 năm qua dự án này vẫn đang dậm chân tại chỗ.
Cũng không quá tự hào để nói rằng, phố cổ Hà Nội là nét đặc biệt nhất của Hà Nội hiện nay. Việc khu phố cổ đang “nhếch nhác” cũng vì chính quyền và nhân dân chưa đồng tâm hiệp lực để bảo tồn phố cổ. Theo TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm, cái thiếu ở Việt Nam đó là chưa huy động được sự tham gia của người dân. Vai trò của cộng đồng là rất lớn, nó có sức hút lớn, tạo nên phần cơ thể sống của phố cổ, phần cơ thể này nó sống khỏe hơn khi nó gắn với phố cổ.
Như thế phố cổ chỉ về được đúng giá trị của nó, không còn bị nuốt bởi những kiến trúc pha tạp khi chính quyền và người dân cùng chung một tiếng nói, một hành động…
(Theo VnMedia)
|