1. Kiến trúc công sở Hà Nội thời Pháp
Đầu thế kỷ 20, sau khi cơ bản đạt được sự thống trị trên toàn khu vực Đông Dương, người Pháp đã lựa chọn Hà Nội làm thủ phủ Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp. Để thực hiện ý đồ này, họ đã tiến hành xây dựng hàng loạt trụ sở cơ quan công quyền, vừa là nơi làm việc, vừa là biểu trưng cho sự thống trị của đế quốc Pháp ở xứ sở này. Có thể kể ra đây một loạt các công trình tiêu biểu như Dinh Toàn quyền, Dinh Thống sứ và Phủ Thống sứ, Toà án, Trụ sở Bộ Tham mưu, các Sở Cảnh sát, Bưu điện, Thương chính ...được xây dựng trong 20 năm đầu thế kỷ. Mà để biểu trưng cho sự oai nghiêm, vững chãi của chính quyền bảo hộ thì không gì hơn là khoác lên mình các công sở phong cách kiến trúc Tân cổ điển - một phong cách có thể tạo ra những công trình mang tính kỳ vĩ, khiến con người đến gần nó cảm thấy choáng ngợp.
Dinh toàn quyền (Hôtel du Gouvervement Général) do kiến trúc sư C-G Lichtenfelder thiết kế năm 1900
Tiêu biểu cho kiến trúc công sở thời kỳ này là bộ ba công trình Dinh Toàn quyền, Dinh Thống sứ và Toà án. Cả ba đều được xây dựng ở những vị trí đắc địa trong thành phố và đều mang phong cách Tân cổ điển. Hình khối mặt đứng mang tính đăng đối nghiêm ngặt và được chia thành 3 phần rõ rệt theo cả phương đứng lẫn phương ngang. Phương đứng công trình luôn xuất phát từ một phần bệ chắc đặc và vững chãi, tiếp đến là phần thân nhà được nhấn mạnh bởi các hàng cột La Mã oai vệ, kết thúc bằng những bộ mái được tổ chức cầu kỳ. Phương ngang tuân thủ nguyên tắc đặc - rỗng - đặc, phần trung tâm mang tính rỗng với việc tổ chức nhiều cửa xen giữa các hàng cột, hai đầu hồi mang tính đặc với việc tổ chức ít cửa và nhấn mạnh các mảng tường.
Dinh Thống sứ Bắc kỳ (Hôtel de la Résidence Supérieure) do kiến trúc sư A. Bussy thiết kế lần đầu năm 1909
Trụ sở Toà án (Palais des Justices) do kiến trúc sư A.H. Vildieu thiết kế năm 1905
Mặc dù được thiết kế bởi các kiến trúc sư - tác giả khác nhau, phong cách kiến trúc cũng có những điểm khác biệt, nhưng cả ba công trình đều đạt tới độ hoàn mỹ của kiến trúc Tân cổ điển. Với vẻ hoàng tráng trong hình khối kiến trúc, tỷ lệ hài hoà trên mặt đứng, sự cẩn trọng các hình thức trang trí và đã thực sự trở thành biểu tượng cho quyền lực của chính quyền thực dân(1).
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là ở những công sở xây dựng sau năm 1920, phong cách Tân cổ điển mặc dù đã đạt được những thành tựu vang dội trước đó vẫn phải nhường chỗ cho những phong cách hiện đại hơn, gần gũi với khí hậu và cảnh quan bản địa hơn, tiêu biểu là Sở Tài chính theo phong cách kiến trúc Đông Dương hay Phòng Thương mại và Nông nghiệp mang phong cách Art Deco.
2. Kiến trúc công sở Hà Nội đương đại
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước cùng quá trình đô thị hoá và mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, rất nhiều công sở được xây dựng ở Hà Nội, từ trụ sở các Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ tới các trụ sở UBND các cấp và trụ sở các Sở, Ban, Ngành của Thành phố. Có thể tìm ra nét gì chung trong phong cách kiến trúc công sở đương đại này không? Chắc chắn là có và cũng không phải là quá khó khăn. Ngoại trừ một số ít công trình mang phong cách hiện đại, đa phần công sở xây dựng ở Hà Nội trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 lại mang phong cách kiến trúc ... Pháp thuộc, thật kỳ lạ ! Hãy thử điểm lại một vài công trình "tiêu biểu".
Trụ sở Bộ Tài chính
Trụ sở Bộ Tài chính được hoàn thành những năm đầu thế kỷ 21 với 12 tầng nổi và 2 tầng hầm, nhưng nếu chỉ nhìn vào tổ hợp mặt đứng rối rắm của công trình này thì thực sự là khó xác định số tầng thực của nó. Tuân thủ "nghiêm ngặt" quy tắc tổ hợp hình khối mặt đứng Tân cổ điển, công trình là tổ hợp của một khối trụ ở giữa và hai khối chữ nhật hai bên theo kiểu đăng đối hoàn toàn. Tuy nhiên, thay vì một tầng bệ chắc chắn thường thấy trong kiến trúc Tân cổ điển, ở đây chúng ta thấy những cửa cuốn vòm mở rộng. Các hàng cửa tầng trên là một "tổ hợp" lộn xộn giữa các cửa cuốn vòm, cửa vuông, cửa chữ nhật không thể tìm ra quy luật. Bộ mái còn "khủng khiếp" hơn nữa, ở giữa là một cái vòm khổng lồ với một tháp nhỏ trên nóc mang "hơi thở" Phục Hưng, hai bên "hình như" là mái Mansard lợp đá đen, chưa kể theo thiết kế ban đầu ở các góc còn có bốn tháp nhỏ. Nói chung là với kiến thực hạn hẹp của tác giả bài viết này thì thực sự không hiểu phong cách chủ đạo của công trình này là gì, rất mong các kiến trúc sư - tác giả chỉ giáo !
Trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội
Trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội được xây dựng đầu những năm 1990 trên khu đất của Toà án thời Pháp thuộc. Vì vậy "tội" đầu tiên của công trình này là làm mất tầm nhìn từ phía sau một công trình được coi là "đẹp nhất trong kiến trúc công cộng thời kỳ đầu" kiến trúc Pháp thuộc theo một số tác giả(2). Hình khối toà nhà cũng có hình chữ H từa tựa như hình khối Toà án xưa và cũng mang tính đăng đối "nghiêm ngặt". Mở rộng trên lối vào là cấu trúc theo kiểu Porticus, một thành phần thường thấy trong kiến trúc Cổ điển Pháp, nhưng có tỷ lệ quá lớn so với toà nhà và được đỡ bởi hàng cột "không giống ai". Hai khối nhô ra phía trước theo kiểu Avancorps thì có độ nhô ra quá nhỏ trong khi tỷ lệ theo phương ngang lại có vẻ không chịu "nhường nhịn" khối trung tâm, nguyên tắc đặc - rỗng - đặc giữa ba khối này có lẽ đã bị bỏ qua. Bộ mái theo kiểu Mansard nhưng được lợp ... tôn (?) với hàng cửa mái được trang trí theo hình thức không biết có nên gọi là Fronton (?). Với phương cách tổ hợp hình khối mặt đứng và các chi tiết trang trí theo kiểu tạm gọi là Tân cổ điển Pháp, trụ sở Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội xứng đáng được coi là một trong những đại diện kiến trúc công sở đương đại mang phong cách ... Pháp thuộc.
Trụ sở UBND quận Tây Hồ
Trụ sở UBND quận Tây Hồ khánh thành những năm cuối thập kỷ 1990 trên một khu đất rộng rãi, nhìn ra một giao lộ lớn, đáng lẽ có thể coi là biểu trưng cho một khu vực đô thị hiện đại và đang phát triển mạnh mẽ của Thủ đô. Và có lẽ các kiến trúc sư - tác giả cũng mong muốn điều này nên đã tổ chức mặt bằng không gian công trình theo hướng rộng mở, hình khối kiến trúc đẹp, gợi cảm giác vươn tới hay "cất cánh". Việc tổ chức các băng kính trải dài theo phương ngang và phương đứng tại một số vị trí khiến cho các khu vực này trở nên nhẹ nhàng, bay bổng. Tuy nhiên có lẽ sự "ám ảnh" Tân cổ điển khiến các tác giả dựa vào công trình một loạt "thành phần Cổ điển": bốn cột lớn có độ cao khác nhau ở khu vực trung tâm, hàng cột ở tầng 1 và bộ bốn cột ở các hồi nhà theo thức "tự chế", cách tổ hợp cửa sổ giữa tầng 2 và 3 theo "nguyên tắc Cổ điển", đặc biệt là bộ mái có độ dày lớn và được nhấn mạnh bằng một tầng nhà ở khối trung tâm cũng theo "nguyên tắc Cổ điển" làm cho công trình đang muốn bay bổng trở nên nặng nề và khô cứng.
Trên đây chỉ là việc điểm lại "bộ ba đại diện" Kiến trúc công sở Hà Nội đơng đại mang nhiều hay ít phong cách ... Pháp thuộc, còn nếu có tác giả nào đó muốn phân tích toàn bộ công sở có phong cách kiểu nhái Pháp thuộc thì chắc phải viết ra một cuốn sách dày cả vài trăm trang giấy. Theo nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2009 tại một số Phường của Hà Nội mới thành lập sau năm 1985(3), có tới 90% số trụ sở UBND Phường mang trên mình kiến trúc nhái Pháp thuộc. Còn nếu dựa vào cảm quan thì chỉ cần đi trên một tuyến phố khá nhỏ của Hà Nội, phố Lý Nam Đế, chúng ta cũng có thể thấy thật nhiều trụ sở các cơ quan thuộc bộ Quốc phòng mang phong cách kiến trúc tạm gọi là "Tân cổ điển". Tốt nhất là mời độc giả xem phóng sự ảnh trong bài sẽ tự đưa ra kết luận, thế mới thật sự khách quan.
Nhưng tại sao một phong cách kiến trúc đã tồn tại cách đây hàng thế kỷ và cũng đã tự kết thúc vai trò lịch sử của nó cách đây tới 90 năm lại có thể "tự tung tự tác" trên bộ mặt đa phần công sở Hà Nội như vậy? Câu trả lời thực sự đã có từ khá lâu rồi, hội nghị Lý luận - Phê bình kiến trúc lần II với chủ đề "Những biểu hiện hình thức trong kiến trúc công sở thời kỳ đổi mới" đã vạch ra ba nhóm nguyên nhân chính:
- Nguyên nhân về xã hội bắt nguồn từ việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường tạo dựng nên một nhóm trung lưu mới nổi và hãnh tiến, khao khát được bày tỏ và thể hiện nghệ thuật nhưng lại thiếu hiểu biết về nghệ thuật.
- Nguyên nhân về nhận thức thể hiện ở cách hiểu sai lệch về vai trò và ý nghĩa của cơ quan công quyền, chức năng quản lý hành chính được gắn với quyền lực và quyết định của những người có quyền, có tiền là trên hết.
- Nguyên nhân về quản lý thể hiện ở bộ máy quản lý và cấp phép xây dựng rất thiếu năng lực, ý kiến của các chuyên gia và các tổ chức chuyên môn không được lưu tâm đầy đủ, thể chế pháp luật để đưa kiến trúc đi theo đúng định hướng chưa có.
Hội nghị nêu trên diễn ra cách đây 3 năm, trước và sau đó có biết bao bài báo, tham luận ý kiến của những người làm công tác lý lu ận - phê bình kiến trúc phê phán xu hướng "hồi cố" trong kiến trúc công sở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Vậy thì xu hướng này đã dừng lại chưa? Xin thưa rằng chưa và hình như cũng chưa có ý định giảm tốc chứ đừng nói là dừng. Thế mới biết từ lý luận đến thực tiễn là cả một chặng đường dài và ghập ghềnh lắm thay !!!
------------------------------------------------
1. Tham khảo Kiến trúc nhà công cộng phong cách Tân cổ điển trước năm 1945 ở Hà Nội - Tạp chí Khoa học công nghệ xây dựng số 07 - 6/2010.
2. F.Terunobu. Phạm Đình Việt và cộng sự: Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. NXB Xây dựng, 1997.
3. Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội. Đề tài NCKH: Kiến trúc trụ sở UBND các phường nội thành Hà Nội, những bất cập và giải pháp khắc phục, Hà Nội, 2009.
Ảnh tư liệu: Trần Quốc Bảo - Ảnh phóng sự: Tống Ngọc Long
ThS.KTS Trần Quốc Bảo
Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Đại học Xây dựng
Nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội (GRAH)
|