(Những trích dẫn được cập nhật trong quá trình sưu tầm nên không theo một thứ tự nào cả)
Lời bình của người sưu tập: Lược qua các bài báo, tham luận của các nhà sử học, nhà xã hội học, nhà văn, nhà bảo tồn, sưu tập đồ cổ, kiến trúc sư..., Chúng ta sẽ thấy những triết lý lấp lánh trong bài rất đáng để suy ngẫm và thực hiện, những ngôn từ này sẽ tiếp tục được cập nhật trong quá trình đi tìm giải pháp tổng thể bảo tồn di sản văn hóa phố cổ Hà Nội;
“Bảo tồn phố cổ Hà Nội không chỉ bảo tồn không gian đô thị, không gian kiến trúc mà còn phải bảo tồn cả tế bào của cuộc sống ở đó, hay còn gọi là phần mềm của di sản”.
KTS Hoàng Đạo Kính
“để bảo tồn một không gian đô thị lịch sử, yếu tố then chốt là xác định cái gì là giá trị văn hóa, bởi giá trị văn hóa đôi khi không hoàn toàn trùng sát với giá trị kiến trúc. Đồng thời, xác định cái gì đóng vai trò quan trọng đối với khu vực. Khi xác định được điều đó, chúng ta sẽ có những ứng xử về không gian và kiến trúc phù hợp. Đôi khi không chỉ phải bảo tồn nguyên trạng không gian kiến trúc đã là tốt. Vì thế, trong quá trình bảo tồn phải tìm ra những cái căn bản hơn chứ không chỉ là cái vỏ kiến trúc thuần túy. Thậm chí, đôi khi chúng ta phải có sự thỏa hiệp để đạt được tối đa mong muốn của tất cả các bên”.
Gs Michael Turner
Phó chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO
“Tôi đồng ý rằng cần "chính danh" cho cái không gian mà nay ta quen gọi là Khu phố cổ Hà Nội (KPC), nhưng cũng không nên tìm cho nó cái tên khác để thể hiện được tính toàn vẹn và tính nổi bật toàn cầu theo tiêu chí của UNESCO.
Dù rằng tôi đã từng chứng minh là cái cổ kính đã tan biến, chỉ còn lại cái cũ nát của kiến trúc trong không gian KPC, nhưng tôi thấy rằng không gian này vẫn có những giá trị của nó mà nếu có giải pháp đúng đắn thì nhiều giá trị vốn có sẽ được tái xác lập (chứ không chỉ là bảo tồn cái còn lại) ”
Nhà sử học Dương Trung Quốc
“Kiến trúc phố cổ Hà Nội với những phố nhỏ, ngõ nhỏ lưu giữ hình hài phố thị thời xưa chính là giá trị văn hóa cần lưu giữ ”
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
Chúng ta cần phải nhận diện rõ bản sắc của Hà Nội bởi đó là sức hút của thủ đô với thế giới. Nhưng thực tế, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thống nhất được với nhau về việc nhìn nhận các giá trị di sản, chưa biết khâu nối tất cả các di sản đó tạo thành một hệ thống cho thủ đô Hà Nội
KTS Đào Ngọc Nghiêm
nguyên giám đốc Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội
Việc bảo tồn các di tích lịch sử, vǎn hoá và danh lam thắng cảnh là nhiệm vụ trước tiên của ngành vǎn hoá đồng thời là của ngành quy hoạch và xây dựng đô thị. Bảo tồn di tích không chỉ là giữ lại kỷ vật của quá khứ mà chính là để thoả mãn những nhu cầu của cuộc sống tinh thần của người dân đô thị đồng thời được cân đối hài hoà cho cảnh quan đô thị. Vì vậy trong quy hoạch tổng thể của đô thị cũng như trong quy hoạch chi tiết của từng khu vực đều có phần quy hoạch chuyên ngành đối với không gian vǎn hoá lịch sử và cảnh quan đô thị.
Phó giáo sư-Kiến trúc sư: Trần Hùng
Mạch nguồn văn hóa của dân tộc luôn giao lưu, tiếp biến để trường tồn. Mục tiêu phát triển của dân tộc yêu cầu mục tiêu tu bổ bảo tồn di tích không chỉ để bảo tồn mà còn là để phát huy giá trị cho hôm nay và cho cả mai sau. Bảo tồn di tích cần cả da thịt, hồn cốt và gien văn hóa, nhưng coi trọng cái nào hơn khi không thể vẹn tròn sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau. Thực tế cơ sở môi trường nhiệt đới, vật liệu hữu cơ và những nhu cầu mới, chắc chắn chúng ta không thể bảo tồn nguyên trạng theo nghĩa chính xác của từ này. Người Việt chúng ta tồn tại và phát triển với tư cách quốc gia, dân tộc ở ngã ba đường của các nền văn minh chính là nhờ biết bảo tồn phát triển chứ không nhờ bảo tồn cứng nhắc. Di tích Việt tồn tại đến chúng ta cũng nhờ con đường ấy. Có lẽ nào giữ gìn bản sắc văn hóa không phải là giữ gìn có chọn lọc bản sắc ngay trong công tác tu bổ bảo tồn di tích của tiền nhân?
Th.KTS Đoàn Bá Cử
KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, để bảo tồn phố cổ Hà Nội cần xem xét cả 3 yếu tố: giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc và giá trị sử dụng. Ngoài ra, cần đặc biệt chú trọng bảo vệ không gian của phố cổ chứ không nên chỉ quan tâm đến từng ngôi nhà cụ thể. Việc trùng tu khu phố cổ phải tạo ra được sự hài hoà giữa cái cũ và cái mới.
KTS Nguyễn Tấn Vạn
Từ kinh nghiệm bảo tồn của Genova, KTS Giorgio Parodi cho rằng, việc trùng tu khu phố cổ phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng sống và sự phát triển bền vững của người dân nơi đây. Đầu tiên là việc tối ưu hoá mạng lưới giao thông, hạ tầng cơ sở để giúp người dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Mặt khác, quá trình bảo tồn nên tập trung vào việc phát triển các nghề thủ công, thậm chí, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi vì phố cổ Hà Nội được du khách quốc tế biết đến nhờ sự đặc sắc, đa dạng của 36 phố nghề. Ở mỗi tuyến phố sẽ tạo ra những sản phẩm thủ công có đặc trưng riêng biệt, điều đó sẽ thu hút được du khách mỗi khi đến đây và tạo ra sự giao lưu buôn bán sầm uất. "Khi nhận rõ được lợi ích từ việc trùng tu phố cổ, những hộ dân nơi đây chắc chắn sẽ không đứng ngoài cuộc" –
Chủ tịch Hội kiến trúc sư thành phố Genova
KTS Giorgio Parodi khẳng định.
Công việc bảo tồn, tôn tạo phố cổ không thể chỉ làm trong chốc lát. Nó đòi hỏi một quá trình thật tỉ mỉ. Ngay như Hội An, điều kiện thuận lợi hơn Hà Nội rất nhiều nhưng vẫn phải khổ công ở từng mái nhà, từng góc phố mới có thể trở thành di sản thế giới. Tôi muốn nói rằng : phố cổ Hà Nội - hành trình hướng tới danh hiệu di sản văn hoá thế giới mới chỉ bắt đầu....
GS Sử học Lê Văn Lan
* "Phố cổ có sức hấp dẫn mạnh mẽ với bạn bè quốc tế bởi đây là một siêu thị kiểu cổ; xưởng sản xuất kiểu cổ và đại siêu thị ẩm thực. Nó sẽ còn tồn tại ngay cả sau thời kỳ hậu công nghiệp"
(GS Hoàng Đạo Kính)
"Nếu như Venice (Italy) trật tự đến bài bản, thì phố cổ Hà Nội có cái ồn ào nhất định, có nét hấp dẫn riêng. Mua bán, trao đổi ngay vỉa hè, từ ban công xuống, lạ, gần gũi và ấm áp".
Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam - KTS Ngô Doãn Đức
Cho dù chỉ còn lại một phần nhỏ những dấu tích của phố cổ thì vẫn cần bảo tồn vì nó chở theo cái hồn đời sống kinh kỳ; cho dù dấu ấn "chẳng thơm cũng thể hoa lài" ở cái nơi nhiều chen chúc, chật chội ấy đã mai một đi nhiều, nhưng nếu cố gắng thì vẫn sẽ gìn giữ được".
Nhà văn hóa Hữu Ngọc
"Căn bản và thực chất, phố cổ là di sản khổng lồ của lịch sử và văn hóa kinh kỳ… mà giá trị tinh túy được biểu đạt chủ yếu ở phần phi vật thể; người chuyên chở, thi triển cái di sản này là người dân phố cổ"
GS Lê Văn Lan
"Phố cổ Hà Nội phải được coi là di sản đô thị, trong đó có những di tích. Ứng xử với cấu trúc đô thị hiện sinh ấy với nhiều giá trị như văn hóa, lối sống… không thể chỉ bằng cách bảo tồn, không thay đổi như di tích. Đặc biệt là không thể bảo tàng hóa phố cổ"
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ khẳng định
Biên tập: VietArch
|